Mối căng thẳng giữa Nga và Ukaine đang nóng trở lại sẽ giúp cho giá lúa mì có thể duy trì đà tăng
Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, giá lúa mì đã tạo gapup mạnh và đang tiếp tục đà tăng, trái ngược với diễn biến lao dốc trong tuần vừa qua. Những lo ngại về nguồn cung ở các nước sản xuất lớn khác như Mỹ và Pháp vẫn đang gặp phải rủi ro và bất lợi về thời tiết vẫn đang hỗ trợ giá không giảm sâu. Trong khi đó, yếu tố mạnh nhất đã tạo sức ép lên giá là kỳ vọng của thị trường về việc hoạt động xuất khẩu ở Biển Đen có thể quay trở lại cũng hoàn toàn bị xoá bỏ và ngược lại, đây đã trở thành động lực thúc đẩy giá tăng vọt trong phiên sáng nay.
Cuối tuần vừa rồi, Nga tuyên bố không kích vào Kiev phá hủy các xe tăng phương Tây vận chuyển cho Ukraine. Các lực lượng của Nga đã tấn công các cơ sở đường sắt và các cơ sở hạ tầng khác. Không những thế, các tên lửa hành trình của Nga nhắm vào khu vực Mykolaiv, cũng đã làm cháy các kho chứa ngũ cốc quan trọng. Chỉ trước đó vài ngày, tổng thống Putin đã tuyên bố sẵn sàng thiết lập hành lang nhân đạo và tạo điều kiện cho hoạt động vận tải của các tàu lương thực từ Ukraine trở lại bình thường. Hành động này của quân đội Nga cho thấy rằng đây có thể là lý do để tiếp cận các cảng biển của Ukraine và càng xoáy sâu thêm mối quan hệ giữa 2 nước này. Việc kho chứa ngũ cốc cháy trong bối cảnh an ninh lương thực đang là mối quan tâm của thế giới không chỉ gia tăng lo ngại về nguồn cung mà còn khiến cho triển vọng xuất khẩu được nối lại ở Biển Đen càng trở nên mờ mịt hơn.
Hiện tại, vẫn còn 5 tàu đổ bộ và 5 tàu chiến mang tên lửa hành trình của Nga đang ở trên Biển Đen. Điều này đồng nghĩa với việc Ukraine vẫn đang đứng trước mối đe doạ tiếp tục bị tấn công. Chúng tôi cho rằng, tác động đảo chiều từ thông tin về khả năng xuất khẩu cùng với việc chiến sự nóng trở lại sau nhiều tuần êm ắng sẽ là động lực tăng giá đối với lúa mì. Giá mặt hàng này có khả năng sẽ quay trở lại vùng giá trước khi sụt giảm vào tuần trước.

Giá các mặt hàng cà phê có thể diễn biến trái chiều trong phiên đầu tuần
Kết thúc tuần giao dịch 30/05 – 05/06, giá Arabica tiếp tục tăng mạnh trong nửa đầu tuần theo đà tăng của tuần trước, sau đó quay đầu giảm trở lại trong nửa cuối tuần. Giá bị cản ở vùng kháng cự quan trọng 240 cents nhưng vẫn giữ đc mức tăng hơn 1% khi đóng cửa tuần.
Về thời tiết, phía nam Brazil đang có một vùng mưa to và sẽ di chuyển dần lên phía bắc trong vài ngày tới. Dự kiến các bang Sao Paulo và Minas sẽ có mưa với lượng từ trung bình – lớn, gây cản trở đối với các hoạt động thu hoạch đang diễn ra tại đây. Theo Safras & Mercado, đã có khoảng 18% diện tích cà phê được xử lý, chậm hơn so với mức 23% trung bình 5 năm gần nhất. Các yếu tố này có thể tiếp tục hỗ trợ giá Arabica trong ngắn hạn.
Hiện tại, chỉ số Dollar Index đang khá giằng co ở quanh vùng 120 điểm, với các chỉ số kinh tế Mỹ trong giai đoạn cuối tuần vừa rồi vẫn chưa cung cấp cho thị trường một cái nhìn đầy đủ về bức tranh kinh tế. Mặc dù tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng, nhưng số bảng lương cũng cao hơn nhiều so với mức dự đoán, đang khiến Fed khá chần chừ trong việc tăng mạnh lãi suất.
Trong tuần này, các số liệu về Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được Mỹ công bố vào 19h30 ngày 10/06 sẽ rất được chờ đợi. Thị trường đang dự đoán CPI tháng 05 sẽ tăng khoảng 5.9% so với năm ngoái, giảm so với mức 6.2% của tháng 04 và là mức thấp nhất kể từ đầu năm. Nếu đúng như dự đoán, nhiều khả năng tốc độ tăng lãi suất sẽ chậm hơn và một số mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu như cà phê sẽ được hưởng lợi, khi kinh tế trên đà phục hồi.
Một yếu tố gián tiếp tác động đến giá hàng hóa nói chung và các mặt hàng cà phê nói riêng cần phải chú ý là diễn biến xung đột ở khu vực Biển Đen. Các nước phương Tây đang tích cực cung cấp khí tài hạng nặng cho Ukraine và điều này đang khiến cho tình hình ở đây ngày càng căng thẳng hơn.
Về mặt kỹ thuật, giá đang được hỗ trợ ở vùng mây kumo khá dày. Giá đang hướng xuống đường MA20 của dải Bollinger mở rộng. RSI hướng xuống trên đường trung bình. MACD ở trên mức 0 và đường Signal, với khoảng cách hẹp dần. Các chỉ báo đang trái chiều và giới đầu tư nên đứng ngoài quan sát thêm trong phiên đầu tuần.

Đối với Robusta, giá đang ở sát cạnh trên của dải Bollinger đi ngang. RSI đi ngang ở trên đường trung bình. MACD ở mức 0 và trên đường Signal, với khoảng cách duy trì. Có khả năng giá sẽ hướng lại về vùng hỗ trợ 2100 để cân bằng lại khoảng chênh lệch giá đã bị thu hẹp giữa Arabica và Robusta trong cuối tuần trước, do các Sở ở châu Âu nghỉ lễ 2 ngày.

Giá dầu khả năng cao sẽ còn tiếp tục duy trì đà tăng khi các quốc gia chưa được Mỹ gỡ bỏ cấm vận
Dầu thô duy trì đà tăng trong 6 tuần liên tiếp, khi thị trường được dẫn dắt bởi các lo ngại về thiếu hụt nguồn cung. Kết thúc tuần 27/05, giá WTI tăng 3.3% lên 118.87 USD/thùng, trong khi dầu Brent tăng 3.6% lên 119.72 USD/thùng.
Việc Saudi Arabia nâng giá bán chính thức cho khách hàng châu Á, ngay sau khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phong tỏa tại Thượng Hải và thủ đô Bắc Kinh, phần nào thể hiện sự tự tin của quốc gia Trung Đông về nhu cầu dầu của nhóm khách hàng chính, bất chấp các quốc gia này vẫn đang được hưởng lợi từ nguồn dầu Nga giá rẻ. Không chỉ thế, việc Mỹ và châu Âu cân nhắc cho phép các quốc gia chịu cấm vận là Venezuela và Iran sử dụng dầu để trả nợ cũng cho thấy sự khó khăn của nhóm nước này trong việc tìm kiếm nguồn cung cấp thay thế. Tuy vậy, trừ khi các nước này được gỡ bỏ hoàn toàn các lệnh cấm vận, và được phép tự do xuất khẩu dầu cho thị trường quốc tế, thì lượng dầu mà các nước này có thể đưa ra thị trường trong năm nay vẫn rất hạn chế. Hầu hết các quốc gia sản xuất dầu hiện tại vẫn cần có nguồn vốn đầu tư lớn từ các tập đoàn châu Âu và Mỹ để khôi phục và bắt đầu các dự án mới, do đó việc thoát khỏi các lệnh cấm vận cả về xuất nhập khẩu và tài chính là điều kiện tiên quyết trước khi có thể gia tăng sản xuất dầu số lượng lớn. Mặc dù khả năng Mỹ xóa bỏ cấm vận cho Iran vẫn còn, tuy nhiên thời điểm sớm nhất, theo nhận định của Citibank, là quý I năm sau, khó có thể khiến cho giá dầu hạ nhiệt trong năm 2022. Bên cạnh đó, trong vòng 3 tháng đầu năm 2023, lượng dầu mà Iran bổ sung cho thị trương cũng chỉ có thể đạt trung bình 0.5 triệu thùng/ngày, do các vấn đề về logistics cũng như việc ký kết hợp đồng.
Các chỉ số RSI và MACD cũng rất tích cực và dải Bollinger Bands tiếp tục hướng lên trên. Có thể canh mua dầu WTI kỳ hạn tháng 7 khi giá điều chỉnh về 119 USD/thùng và kỳ vọng chốt lời 2 USD/thùng.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV