Giá đậu tương có khả năng sẽ hồi phục trở lại từ vùng hỗ trợ tâm lí 1300 do lo ngại về năng suất mùa vụ Mỹ
Mở cửa phiên giao dịch ngày 06/07, giá đậu tương đang hồi phục trở lại sau phiên rơi mạnh hôm qua do áp lực bán tháo từ các thị trường rủi ro và triển vọng nguồn cung toàn cầu đang dần nới lỏng hơn so với giai đoạn trước, khi chiến tranh ở Biển Đen diễn ra kéo theo lo ngại về an ninh lương thực toàn cầu gia tăng. Hiện tại, mùa vụ của Mỹ vẫn là yếu tố có sức ảnh hưởng nhất tới xu hướng của giá đậu tương trong giai đoạn tới. Trong đó, nếu như con số diện tích gieo trồng năm nay không còn là yếu tố mới thì dự báo thời tiết trong tháng 7 và tháng 8, giai đoạn phát triển quan trọng nhất của đậu tương Mỹ, lại vẫn còn chưa rõ ràng. Chính vì thế nên đây sẽ là yếu tố quyết định phần lớn tới năng suất và giá đậu tương trong thời gian tới.
Trong báo cáo Crop Progress sáng nay, chất lượng đậu tương Mỹ tuần vừa rồi tiếp tục giảm xuống còn 63% diện tích đạt tốt – tuyệt vời, thấp hơn 1% so với mức dự đoán của thị trường. Và khác với báo cáo tuần trước, mức sụt giảm này chủ yếu đến từ thời tiết nắng nóng ở các bang sản xuất lớn. Tại bang Illinois, 62% đậu tương đạt tốt – tuyệt vời, giảm từ mức 66% trong khi con số này giảm từ 80% xuống còn 77% tại bang Iowa. Điều này cho thấy tình trạng nhiệt độ tăng đang dần trở nên nghiêm trọng hơn. Mặc dù mưa vẫn sẽ xuất hiện rải rác trong đầu tuần này ở khu vực phía bắc Midwest nhưng nhìn chung khô hạn vẫn đang chiếm ưu thế trong tháng 7. Đây có thể sẽ là yếu tố hạn chế đà giảm của giá trong vài phiên tới.

Giá đồng có thể tiếp tục lao dốc khi đường cong lợi suất cho thấy nguy cơ suy thoái hiện diện
Giá đồng đang cho thấy xu hướng tiếp tục lao dốc trong phiên giao dịch sáng nay khi thị trường đang liên tục đón nhận những tín hiệu cho một cuộc suy thoái kinh tế.
Đường cong lợi suất tại Mỹ đang cho thấy dấu hiệu đảo ngược khi mức lợi suất 10 năm và mức lợi suất 2 năm có xu hướng tiệm cận với nhau. Chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thường có tác động trực tiếp vào lợi suất trái phiếu ngắn hạn. Thông thường, với sự đánh đổi do thời gian “chôn vốn” lâu hơn khiến cho mức lợi suất dài hạn sẽ cao hơn trong ngắn hạn. Tuy nhiên, vào hôm qua, lợi suất trái phiếu 2 năm đạt mức 2.82% trong khi lợi suất thời hạn 10 năm kết thúc ở mức 2.81%. Sự đảo ngược trong đường cong lợi suất thường xảy ra trước thời kỳ suy thoái của nền kinh tế. Xu hướng này phản ánh triển vọng tăng lãi suất mạnh mẽ của Fed trong ngắn hạn và tâm lý lo ngại về suy thoái kinh tế sẽ xảy ra sau đó.
Mức chênh lệch giữa lợi suất 2 năm và 10 năm đã đảo ngược 28 lần kể từ năm 1900 và 22 trường hợp trong số đó đã dẫn đến một cuộc suy thoái kinh tế, kéo dài từ 6-24 tháng. Lần cuối cùng đường cong này đảo ngược là vào năm 2019 khi tăng trưởng của Mỹ chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Trong khi đó, từ các nền kinh tế lớn như châu Âu hay tại các quốc gia châu Á vẫn đang chịu thách thức không nhỏ. Theo các chuyên gia Bloombergs, lạm phát dai dẳng tại khu vực EU có thể đẩy khối kinh tế chung vào nguy cơ suy thoái với xác suất lên tới 50-55%, trong khi con số này tại châu Á là khoảng 20-25%.
Đêm nay, Biên bản cuộc họp của Fed trong tháng 6 sẽ được công bố và nhiều manh mối về các đợt tăng lãi suất tiếp theo sẽ được tiết lộ. Trước đó, chủ tịch Fed, ông Jerome Powell trong các diễn đàn gần đây đã cho thấy thái độ cứng rắn rằng Fed sẽ mạnh tay đẩy lùi lạm phát, ngay cả khi nền kinh tế phải đối diện với suy thoái. Điều này tiếp tục gây ra sức ép với thị trường đồng, vốn được coi là thước đo sức khoẻ của nền kinh tế.

Giá dầu vẫn còn khả năng tiếp tục giảm điều chỉnh trong tuần này khi thị trường chứa đựng nhiều bất ổn
Giá dầu tăng trở lại trong phiên sáng nay nhờ lực mua bắt đáy, sau khi sụt giảm mạnh đến 9% phiên thứ Ba. Giá ở khu vực 100 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 5, đã khiến cho lực mua trở lại thị trường, nhất là khi khu vực này có các hỗ trợ mạnh cho thị trường. Tuy vậy, khả năng giá sẽ còn tiếp tục điều chỉnh vẫn còn.
Sau khi dỡ bỏ các rào cản chống dịch Covid-19 và mở cửa trở lại trong đầu tháng 6, việc Thượng Hải và một số khu vực khác của Trung Quốc quay lại tiến hành xét nghiệm trên diện rộng đã khiến cho khiến cho thị trường một lần nữa lo ngại về khả năng nước này sẽ lại tiến hành phong tỏa để kiểm soát dịch. Trong khi các chỉ số kinh tế của Trung Quốc như PMI sản xuất mới chỉ quay trở lại khu vực tích cực gần đây, một đợt phong tỏa diện rộng có khả năng đẩy kinh tế nước này suy yếu. Với vai trò là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và đất nước nhập khẩu dầu số 1, lo ngại này đủ để đẩy giá dầu sụt giảm. Bên cạnh đó, số liệu kinh tế tiêu cực của Đức, Hàn Quốc trong tuần này cũng khiến cho tâm lý các nhà đầu tư suy yếu.
Như Citibank đã nhận xét, mặc dù nhu cầu tiêu thụ dầu chỉ giảm trong các cuộc suy thoái nặng nề nhất, tuy nhiên giá có thể sẽ phản ứng trước và suy yếu sớm hơn so với nhu cầu. Điều này có thể tiếp tục gây áp lực cho giá trong tuần này, trước khi bắt đầu mùa báo cáo tháng, số liệu kinh tế Mỹ và cuộc họp Fed vào giữa tháng 7.

Bông khả năng cao sẽ giằng co trong phiên hôm nay nhờ nhu cầu gia tăng tại Ấn Độ
Kết thúc phiên giao dịch 05/07, bông dẫn đầu đà giảm của các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp do tác động tiêu cực từ việc thiết lập lại lệnh hạn chế lây lan dịch bênh tại các thành phố miền Đông Trung Quốc. Đường cũng cùng xu hướng đó do ảnh hưởng từ việc giá dầu giảm mạnh trong phiên hôm qua.
Theo báo cáo Crop Progess được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) phát hành rạng sáng nay, chất lượng mùa vụ bông hiện giảm nhẹ 1% tốt – tuyệt vời so với tuần trước đó. Tuy nhiên chất lượng tại các bang gieo trổng chính như Georgia, Oklahoma và Arkansas đều có sự sụt giảm mạnh so với tuần trước. Bên cạnh đấy, thời tiết khô hạn tại miền nam dự báo vẫn sẽ tiếp tục kéo dài trong tuần này, có thể giúp hạn chế đà giảm của bông.
Trong khi đó, chính phủ Ấn Độ gia hạn thời gian miễn thuế nhập khẩu bông cho đến ngày 30/10 do gieo trồng bị trì hoãn vì mưa lớn. Việc kéo dài thời gian miễn thuế thể hiện nhu cầu về bông của Ấn Độ, quốc gia sản xuất sợi lớn nhất thế giới, vẫn tiếp tục tăng. Đồng thời việc gieo trồng bị trì hoãn do mưa lớn có thể gây ảnh hưởng đến năng suất và tác động tích cực đến nhu cầu nhập khẩu bông khi nguồn cung bông trong nước không kịp đáp ứng. Theo báo cáo gần nhât của USDA, dự báo sản lượng bông tại quốc gia này không đổi nhưng nhu cầu nhập khẩu sẽ gia tăng.
Ấn Độ, nước sản xuất đường lớn thứ 2 thế giới, thông báo mở rộng miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhiên liệu sinh học để khuyến khích tỷ lệ pha trộn của ethanol với xăng. Việc miễn thuế sẽ được áp dụng đối với tỷ lệ pha trộn ethanol vào xăng từ 12 – 15% so với mức 10% trước đây. Điều này khuyến khích chuyển lượng mía ép dùng để sản xuất đường chuyển sang sản xuất ethanol giúp hỗ trợ giá đường trong thời gian tới.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV