Giá ngô sẽ khó điều chỉnh sâu về vùng giá 592, kịch bản đi ngang trên 600 vẫn đang chiếm ưu thế
Đà tăng mạnh của giá ngô trong nửa cuối phiên tối qua nhờ ảnh hưởng từ diễn biến tích cực của giá dầu thô đang có dấu hiệu chững lại trong phiên sáng nay ở vùng giá 605 cents. Giá lúa mì tiếp tục suy yếu mạnh, khiến cho giá ngô vẫn đang bị hút lại vùng hỗ trợ tâm lý quan trọng 600 cents.
Xu hướng đi ngang quanh mốc này vẫn đang duy trì với biên độ khoảng 10 cents quanh đấy, và sẽ khó có khả năng break-out trước thời điểm báo cáo Cung – cầu phát hành vào thứ Tư tới.
Trong dự đoán trước báo cáo, giới phân tích cho rằng USDA sẽ giảm dự báo tồn kho ngô Mỹ niên vụ 21/22 xuống 1.47 tỉ giạ, thấp hơn 21 triệu giạ so với báo cáo tháng 12. Với tốc độ xuất khẩu không có tiến triển tích cực trong tháng 12, nhiều khả năng mức giảm này đến từ việc nhu cầu ngô cho hoạt động sản xuất ethanol sẽ được điều chỉnh tăng. Và với bối cảnh giá dầu thô hiện đang rất mạnh, giá dầu WTI đã vượt mốc 80 USD và là mức cao nhất trong vòng 2 tháng trở lại đây, thì việc sản lượng ethanol sẽ duy trì ở quanh mốc 1.05 triệu thùng/ngày như hiện tại là hoàn toàn khả thi.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Khánh Linh
 
Vắng bóng các tin tức về cung cầu, giá cà phê sẽ đi theo tín hiệu kỹ thuật và tin tức vĩ mô
Kết thúc phiên hôm qua, giá Arabica tiếp tục đi ngang ở mức 231.7 cents/pound, còn giá Robusta giảm phiên thứ tư liên tiếp về 2307 USD/tấn. Chênh lệch giá giữa hai Sở vẫn ở mức 55% chiết khấu cho giá Robusta.
Việc giá Arabica đi ngang là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy thị trường vắng bóng các tin tức cơ bản có khả năng hỗ trợ cho giá. Trái lại, đây là đợt giảm điều chỉnh đầu tiên đối với thị trường Robusta trong vòng hơn một tháng mà giá giữ được ở mức đỉnh 10 năm. Đáng chú ý, trong số các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp, thị trường Robusta là thị trường duy nhất làm được điều này. Bên cạnh lực bán đến từ tâm lý chốt lời của các nhà đầu tư, giá Robusta cũng chịu sức ép khi mà tình hình thu hoạch ở Việt Nam đang khá thuận lợi.
Ngoài ra, giá cước tàu biển trên thế giới cũng đang giảm, tạo điều kiện tốt cho những doanh nghiệp Việt Nam trong các tháng xuất khẩu cao điểm sắp tới. Chỉ số FRX (Freigh Rate Index), một trong những thước đo giá cước vận tải biển trên toàn cầu đang giảm trong thời gian gần đây. Từ giữa tháng 12 đến nay, giá cước tàu biển đã giảm dần về 9,100 USD cho một container. Tuy nhiên, mức giá này vẫn cao hơn 2.5 lần so với năm ngoái.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Số liệu Bảng lương Phi Nông nghiệp tích cực có thể sẽ khiến cho thị trường đồng tiếp tục đóng cửa trong sắc đỏ
Kết thúc phiên hôm qua, giá đồng giảm 1.3% về 4.35 USD/pound. Lực bán tiếp tục áp đảo trên thị trường vì triển vọng tiêu cực của Trung Quốc, khu vực tiêu thụ hơn 50% sản lượng đồng mỗi năm. Các chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã bắt đầu vạch ra kế hoạch kinh tế của họ cho năm 2022.
Thành phố Bắc Kinh và tỉnh Hà Nam đặt mục tiêu mở rộng nền kinh tế của họ lần lượt là " trên 5% " và " 7% ". Con số này so với tỷ lệ tăng trưởng trước đại dịch là 6,1% và 7% cho hai khu vực vào năm 2019. Trung Quốc thường đưa ra mục tiêu GDP hàng năm vào tháng 3 khi Quốc hội họp.
Các nhà kinh tế kỳ vọng các nhà lãnh đạo sẽ đặt mức tăng trưởng kinh tế 5% cho năm nay, tuy nhiên, đây là mức sụt giảm đáng kể so với tốc độ tăng trưởng trước đại dịch gần 7% và phản ánh kỳ vọng rằng chính phủ sẽ kiên trì với nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào bất động sản ngay cả khi chi phí tăng trưởng chậm hơn.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Giá dầu nhiều khả năng duy trì đà tăng khi vấn đề nguồn cung chưa thể được giải quyết
Giá dầu tiếp tục tăng ngày hôm qua với triển vọng nguồn cung thắt chặt. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 2.07% lên 79.46 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 1.47% lên 81.99 USD/thùng.
Nếu như giá dầu phục hồi trong cuối tháng 12 nhờ nhu cầu tiêu thụ tiếp tục tăng trong khi biến thể Omicron tiếp tục hoành hoành, thì đà tăng hiện tại chỉ thực sự bắt đầu khi nguồn cung dầu thô thế giới liên tục chịu gián đoạn. Ngay trong trường hợp các bất ổn tại Libya và Kazhakhstan được giải quyết, thì vấn đề mất cân bằng nguồn cung cũng sẽ khó có thể được giải quyết.
Nguyên nhân là do hiện tại ngay cả các nhà sản xuất dầu chính của thế giới là các thành viên OPEC đều đang gặp khó khăn trong việc tăng sản lượng. Theo ước tính của Reuters, 11 thành viên OPEC tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng trong tháng 12 chỉ tăng được 70,000 – 90,000 thùng/ngày.
Trong khi đó, chỉ riêng Saudi Arabia đã được cấp hạn ngạch tăng sản lượng tăng 100,000 thùng/ngày trong 1 tháng. Trong khi đó, nước đồng minh có khả năng tăng sản lượng lớn nhất là Nga cũng được cho là không thay đổi gì trong tháng 12. Nước đồng minh lớn thì 2 là Kazakhstan thì chìm trong rủi ro.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV