Giá lúa mì CBOT có thể sẽ tiếp tục duy trì nhịp tăng hiện tại nhờ đà tăng mạnh của giá lúa mì Nga
Lúa mì là mặt hàng dẫn đầu đà tăng của thị trường nông sản trong phiên mở cửa sáng nay. Tuần trước, khi các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu đều chứng kiến mức giảm mạnh trên 2% thì giá lúa mì chỉ giảm nhẹ. Báo cáo Cung – cầu tháng 9 được công bố vào thứ 6 tuần này sẽ không có nhiều yếu tố bất ngờ đối với thị trường và cũng không tác động lớn đến giá lúa mì. Thay vào đó, những ảnh hưởng từ thời tiết tiêu cực trước đó ở những quốc gia sản xuất chính trên thế giới vẫn là yếu tố hỗ trợ đối với mặt hàng này.
Các tổ chức nông nghiệp khác trên thế giới vẫn đang liên tục cắt giảm mức sản lượng này. SovEcon đã cắt giảm dự báo sản lượng lúa mì Nga xuống 75.4 triệu tấn, thấp hơn 0.8 triệu tấn so với dự đoán trước đó do sản lượng lúa mì vụ xuân sụt giảm. Đối với niên vụ tới, tình trạng khô hạn tại vùng đồng bằng sông Volga khiến cho diện tích gieo trồng có thể suy giảm.
Khánh Linh
 
Dòng tiền quay trở lại sau kì nghỉ lễ có thể hỗ trợ cho giá cà phê
Kết thúc phiên 6/9, sắc xanh tiếp tục duy trì ở thị trường Robusta khi giá đóng cửa tăng 1.2% lên 2082 USD/tấn.
Dù thiếu đi sự sôi động thường thấy đến từ thị trường Arabica, và cũng không có bất kỳ tin tức cơ bản nào mới để hỗ trợ cho giá, phe mua vẫn áp đảo và giúp cho giá Robusta đã có lúc chạm tới 2094 USD/tấn. So với đà tăng cuối tháng 7 vừa qua, giá Robusta lần này không giảm mạnh mà vẫn tiếp tục hướng tới những mức kháng cự cao hơn. Đà tăng của giá cà phê lần này ngoài các yếu tố đến từ Việt Nam, cũng được hỗ trợ bởi sự suy yếu của đồng USD. Các số liệu việc làm được công bố vào tuần trước vẫn thiếu khả quan, làm tăng thêm niềm tin về việc FED sẽ không sớm rút lại các chương trình hỗ trợ.
Ở thị trường Arabica, các nhà đầu tư sẽ quay trở lại sau kì nghỉ lễ, do đó, dòng tiền sẽ quay trở lại thị trường có thể hỗ trợ cho giá cà phê tiếp tục tăng.
Giá Arabica cũng có thể tiếp tục tăng trong phiên hôm nay nối tiếp lực mua phục hồi từ cuối phiên hôm trước.
Tiên Phạm
 
Cơ hội nào cho các nhà đầu tư kim loại trong bối cảnh thị trường tích lũy đi ngang?
Phiên giao dịch 6/9 kết thúc với sắc đỏ bao trùm thị trường kim loại, giá Bạc và Bạch kim đồng loạt giảm 0.25% về 24.74 USD/ounce và 1019 USD/ounce.
Cả hai mặt hàng kim loại quý đều chịu sức ép đến từ sự gia tăng của thị trường tiền điện tử, khi đồng Bitcoin quay trở lại mức 52,000 USD, và kéo theo giá trị của hàng loạt các đồng tiền khác vọt tăng. Dòng tiền cho thị trường kim loại quý vốn đã giảm, nay lại tiếp tục bị chia sẻ bớt. Trong phiên hôm nay, các nhà đầu tư sẽ quay trở lại thị trường sau kì nghỉ lễ, dòng tiền được dự đoán sẽ đổ về thị trường chứng khoán, nhất là trong bối cảnh tâm lý của các nhà đầu tư rất lạc quan về việc FED sẽ duy trì các chính sách nới lỏng tiền tệ.
Hiện nay, yếu tố hỗ trợ cho các mặt hàng kim loại quý không còn nhiều, giá Bạc và Bạch kim có thể bước vào chu kì đi ngang với biên độ rộng trong thời gian kéo dài hàng tuần, trước thềm cuộc họp của Ủy ban thị trường mở Liên bang vào cuối tháng này.
Tiên Phạm
 
Giá năng lượng cao gây sức ép lạm phát lên nền kinh tế thế giới
Giá 2 mặt hàng dầu thô suy yếu trong phiên giao dịch đầu tuần hôm qua, khi không còn nhiều tin tức hỗ trợ trên thị trường khi nước Mỹ nghỉ Lễ Lao động.
Triển vọng kinh tế thế giới có nguy cơ suy yếu trong thời gian tới. Mới đây, nguy cơ tiêu dùng cá nhân sụt giảm do trợ cấp cắt giảm khiến cho Goldman Sachs đã hạ dự đoán tăng trường GDP Mỹ năm 2021 từ 6% xuống 7%. Tại châu Âu và Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng cũng thấp dự đoán của của giới phân tích. Về phía nguồn cung, rủi ro lớn nhất vẫn là dịch COVID-19. Khác với giai đoạn trước, lần bùng dịch hiện tại khiến cho sản xuất tại khu vực trọng điểm châu Á sụt giảm và gây thiệt hại nặng nề đến chuỗi cung ứng. Điều này làm gia tăng nguy cơ đình lạm (lạm phát cao trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thấp) trong cuối năm nay.
Giá các mặt hàng năng lượng tăng nhanh cũng là một trong những nguyên nhân chính gây sức ép lạm phát. Tại Sở ICE EU, giá khí tự nhiên đã tăng lên mức tương đương 100 USD/thùng (với hệ số 1 thùng = 5.8 MMBTU) khi sản lượng tại châu Âu không tăng kịp tốc độ tiêu thụ, kéo theo đà tăng tại Henry Hub.
Hồng Hoa