Lúa mì có thể sẽ tiếp tục đà tăng trong phiên chiều nay nhờ diễn biến của thị trường chung
Lúa mì mở cửa phiên sáng nay đang tăng mạnh trở lại cùng với đà chung của thị trường hàng hoá. Đây là diễn biến rất bất ngờ và hiếm khi xảy ra. Đà tăng này xuất phát từ việc Thượng viện Mỹ có bước đi hướng đến thông qua tăng trần nợ công 480 tỷ USD, giúp giảm lo ngại chính phủ đóng cửa vì nguy cơ vỡ nợ. Mặc dù không tác động ngay đến cung cầu trong ngắn hạn nhưng thị trường nông sản thời gian gần đây lại thường rất nhạy cảm với các thông tin ảnh hưởng đến triển vọng của nền kinh tế.
Tuy nhiên, trong những phiên đột biến này, tác động đến giá nông sản thường sẽ không kéo dài. Ngày 21/09, giới tài chính trên thế giới chao đảo vì lo ngại tập đoàn Evergrande sụp đổ kéo theo một đợt bán tháo trên diện rộng và không loại trừ thị trường hàng hoá. Giá lúa mì cũng trải qua phiên giảm mạnh 1.5%.
Tuy nhiên, chỉ ngay phiên sau đấy giá lúa mì đã quay đầu bật tăng trở lại và lấy lại hoàn toàn mức giảm hôm trước. Điều này cho thấy rằng, với những thông tin khiến giá có biến động đột ngột mà không ảnh hưởng trực tiếp đến cung cầu ngắn hạn thì giá sẽ nhanh chóng trở lại mức cân bằng về các yếu tố cơ bản thay vì duy trì xu hướng đầu cơ ngắn hạn.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Khánh Linh
 
Giá của hai mặt hàng cà phê có thể phục hồi nhẹ sau báo cáo ICO
Kết thúc phiên ngày 7/10, giá Arabica tăng mạnh hơn 2% lên 198 cents/pound, trong khi Robusta gần như không có sự thay đổi so với giá tham chiếu của phiên hôm trước, kết thúc phiên ở mức 2119 USD/tấn.
Sau phiên giảm mạnh hôm thứ 3, giá Arabica đã phục hồi mạnh mẽ nhờ vào những lo ngại về nguồn cung ở Brazil. Mức tồn kho đạt chuẩn trên sở ICE US liên tục giảm xuống, hiện ở mức 1.94 triệu bao, thấp nhất kể từ tháng 5 năm nay. Bên cạnh đó, Tổ chức Cà phê Thế giới ICO cũng đưa ra dự báo cho thấy tiêu thụ cà phê của năm nay sẽ tăng lên 167.26 triệu bao trong khi sản lượng của niên vụ 2020/21 không đổi, và làm cho thặng dư cà phê trên toàn cầu giảm gần 10% còn 2.38 triệu bao.
Đây có thể là tin tức hỗ trợ mạnh cho giá Arabica, bởi sản lượng của niên vụ tới được dự đoán sẽ bị tổn thất nặng nề vì hạn hán và sương giá trong thời gian vừa qua.
Giá Robusta không được hỗ nhiều bởi các tin tức cơ bản như giá Arabica, nhưng những lo ngại về chuỗi cung ứng trên toàn cầu sẽ vẫn hỗ trợ giá trong trung hạn. Trong ngắn hạn, giá Robusta có thể đi lên cùng với giá Arabica để mức chênh lệch giữa hai Sở không quá lớn.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Giá đồng có thể tăng nhờ lo ngại về nguồn cung
Sắc xanh quay trở lại với thị trường đồng, khi giá có phiên tăng mạnh 2.3% lên 4.24 USD/ounce, mức đóng cửa cao nhất trong vòng 1 tuần.
Trong các phiên vừa qua, giá đồng liên tục chịu sức ép do cuộc khủng hoảng điện ở Châu Âu và Mỹ làm suy yếu nhu cầu tiêu thụ của kim loại công nghiệp này. Tuy nhiên, giá đồng đang được hỗ trợ tốt nhờ những lo ngại về nguồn cung trên thế giới.
Hoạt động sản xuất đồng tại Peru, nhà xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới, đang bị tạm ngừng bởi người dân xung quanh các mỏ Las Bambas và mỏ Antapaccay, 2 trong số 10 mỏ đồng lớn nhất Peru. Việc giá đồng liên tục tăng mạnh trong năm nay khiến cho công ty chủ quản các mỏ tiến hành mở rộng sản xuất và mở rộng đường, làm ảnh hưởng đến chất lượng môi trường xung quanh khu vực sinh sống của người dân ở các khu vực lân cận. Vì vậy, người dân ở các khu vực này tiến hành biểu tình và phong tỏa các tuyến đường huyết mạch để vận chuyển đồng ra các cảng xuất khẩu từ cuối tháng 9 đến nay.
Căng thẳng vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm mà còn có nguy cơ “kích động” người dân ở các khu vực khác đứng lên biểu tình, bất chấp việc Chính phủ Peru đã đạt được thỏa thuận với người dân xung quanh khu vực mỏ Las Bambas.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Giá dầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng khi thế giới vẫn còn phụ thuộc vào năng lượng hoá thạch
Giá dầu kết thúc với mức tăng 1.12% lên 78.3 USD/thùng đối với WTI, trong khi giá Brent tăng 1.07% lên 81.95 USD/thùng nhờ các thông tin mới xung quanh việc mở dự trữ dầu chiến lược SPR và lệnh cấm xuất khẩu.
Không thể phủ nhận năng lực sản xuất dầu của Mỹ đã tốt lên rất nhiều kể từ khi công nghệ đá phiến bùng nổ, tuy nhiên, với công suất hiện tại 11.3 triệu thùng/ngày, vẫn sẽ không thể đảm bảo lượng tiêu thụ luôn duy trì ở mức cao trên 18-19 triệu thùng/ngày như hiện tại. Và khó có thể trông chờ cá nhà sản xuất gia tăng sản lượng trong mùa đông này để rồi đóng cửa mỏ dầu ngay đầu năm sau: Theo ước tính của Ủy ban Kỹ thuật JTC, vào quý I/2022, nguồn cung sẽ vượt nhu cầu khoảng 1.1 triệu thùng. Do đó, hiện tại, chưa có gì đảm bảo sản lượng dầu thô sẽ tăng lên trong 3 tháng cuối năm.
Thiếu hụt năng lượng nói chung và dầu thô nói riêng đang gây ra nhiều hệ luỵ cho nền kinh tế, đặc biệt là tình trạng thiếu hụt các hàng hoá khác. Báo chí Mỹ từ Nytimes đến The Economists đều cho biết nước Mỹ đang rơi vào tình trạng “thiếu hụt mọi thứ”.
Nguyên nhân không chỉ đến từ dịch COVID-19 gây ra gián đoạn trong chuỗi cung ứng và thị trường lao động. Xu hướng chuyển dịch sang năng lượng xanh khiến cho các khoản đầu tư vào nhiên liệu hoá thạch như dầu và khí đốt giảm dần và khiến giá năng lượng đắt lên.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV