Tác động “bullish" từ yếu tố nguồn cung lúa mì thế giới thắt chặt đang trở nên yếu dần
Lúa mì mở cửa sáng nay đang tiếp tục đà giảm sau phiên giảm mạnh ngày hôm qua. Nếu so sánh với giá ngô hay giá đậu tương, giá lúa mì đang có mức giảm thấp hơn nhiều kể từ vùng đỉnh gần nhất. Và đây cũng là mặt hàng cho thấy rõ xu hướng giá nhất thay vì trải qua giai đoạn lình xình đi ngang như 2 mặt hàng còn lại. Điều này là do nguồn cung lúa mì thế giới rõ ràng hơn khi các nước sản xuất chính đều bị thiệt hại nghiêm trọng từ thời tiết tiêu cực. Tuy nhiên, tác động hỗ trợ của những yếu tố này yếu dần bên cạnh ảnh hưởng từ diễn biến của giá 2 loại ngũ cốc khác ngô khiến giá lúa mì đang ở trong xu hướng giảm.
Sản lượng lúa mì ở Australia niên vụ 21/22 được dự báo đạt mức 32.63 triệu tấn, tăng lên so với ước tính tháng 6 là 27.8 triệu tấn. Đây sẽ là vụ lúa mì lớn thứ hai được ghi nhận ở nước này. Trong khi đó, tồn kho lúa mì cuối tháng 7 của Canada cũng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
Khánh Linh
 
Giá cà phê vẫn đang trong xu thế điều chỉnh giảm
Kết thúc phiên 8/9, giá của cả hai mặt hàng cà phê đồng loạt lao dốc. Hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 12 giảm gần 2% còn 190.2 cents/pound, hợp đồng Robusta kỳ hạn tháng 11 cũng đóng cửa với mức giảm 1.14% còn 2078 USD/tấn.
Thị trường cà phê đã chịu áp lực mạnh trước sự hồi phục của đồng USD. Chỉ số Dollar Index tăng lên 92.7 điểm, mức cao nhất trong vòng 1 tuần. Ở thời điểm hiện tại, giá Arabica có phần chịu nhiều áp lực hơn so với giá cà phê Robusta. Báo cáo tháng 8 của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho biết, sản lượng cà phê Arabica thế giới dự kiến sẽ tăng 2.3% và đạt gần 100 triệu bao, trong khi sản lượng cà phê Robusta có thể sẽ giảm 2.1% còn 70.4 triệu bao. Tổng sản lượng cà phê trên toàn cầu sẽ tăng 0.4% so với niên vụ trước, giúp cho thặng dư cà phê lên mức 2.6 triệu bao trong niên vụ 2020/21, cao hơn gần 30% so với số liệu được công bố tháng trước.
Bên cạnh đó, các nhà lập pháp Colombia đã thông qua dự luật thuế mới và có thể tránh được các cuộc biểu tình của người dân. Hiện tại, cà phê vụ mới của Mitica, Colombia đã được vận chuyển đến các cảng, tuy nhiên, các đơn hàng vẫn khó có thể tiếp cận các thị trường tiêu thụ do thiếu hụt container và giá cước vận chuyển leo thang. Đây cũng là yếu tố hỗ trợ cho giá Robusta trong suốt thời gian qua. Sắp tới, ở Mỹ và châu Âu bước vào những tháng cao điểm trong mùa mua sắm cuối năm, các container sẽ được ưu tiên cho nhiều mặt hàng thiết yếu khác hơn là cà phê, nhất là khi các nhà hàng vẫn chưa thể hoạt động bình thường vì đại dịch Covid-19.
Tiên Phạm
 
Các mặt hàng kim loại có thể tiếp tục suy yếu trước sức ép từ đồng USD
Thị trường kim loại vẫn ở trong trạng thái ảm đạm khi giá của cả ba mặt hàng đều chìm trong sắc đỏ. Ở thị trường kim loại quý, giá bạc giảm 1.3% còn 24.05 USD/ounce, giá bạch kim cũng đóng cửa với mức giảm gần 2% còn 976 USD/ounce.
Các mặt hàng kim loại đều chịu áp lực trước sự phục hồi của đồng USD, nhờ số liệu việc làm JOLTs tăng mạnh. Chỉ số Dollar Index tăng lên 92.7 điểm, mức cao nhất trong vòng 1 tuần. Cả thị trường chứng khoán và thị trường tiền điện tử đều suy yếu trong tuần này, phản ánh dòng tiền đang được rút ra khỏi các thị trường đầu tư, tuy nhiên, thị trường kim loại quý vẫn không được hưởng lợi bởi các nhà đầu tư đang ưu tiên nắm giữ tiền mặt.
So với bạc, triển vọng của bạch kim có phần kém hơn, khi Hội đồng đầu tư Bạch kim Thế giới cập nhật lại dự báo cân bằng cung cầu bạch kim năm nay sẽ ở trạng thái thặng dư bởi nguồn cung từ mỏ tăng, trong khi nhu cầu đầu tư của kim loại này giảm.
Trong hôm nay, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục hướng sự chú ý về số đơn xin đề nghị trợ cấp thất nghiệp của tuần này.
Tiên Phạm
 
Iran không còn là yếu tố gây lo ngại trên thị trường dầu trong năm nay
Giá dầu bật tăng trở lại trong phiên hôm qua sau những lo ngại về nguồn cung. Kết thúc phiên giao dịch, WTI tăng 1.39% lên 69.3 USD/thùng, Brent tăng 1.27% lên 72.6 USD/thùng.
Mặc dù Báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn hôm qua của EIA hạ dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới 0.51 triệu thùng/ngày trong quý III và 0.29 triệu thùng/ngày trong quý IV năm nay, tuy nhiên, mức giảm này vẫn thấp hơn dự báo mà IEA đưa ra trong tháng 8. Trong khi đó, sản lượng cũng sẽ giảm tương ứng 0.88 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm, do đó về căn bản cán cân cung-cầu gần như không thay đổi so với với báo cáo trước. Do vậy, có thể thấy EIA vẫn giữ quan điểm khá lạc quan về thị trường dầu và là lý do giúp giá không suy yếu trong phiên tối qua.
Một trong những yếu tố quan trọng trong báo cáo tối qua, đó chính là kỳ vọng sản lượng đến từ phía Iran đã thấp dần. Đã 3 tháng kể từ khi cuộc đối thoại giữa các bên hoãn lại, và hiện tại thời điểm cụ thể cho vòng đàm phán thứ 7 vẫn chưa được quyết định trước các căng thẳng chính trị giữa các nước Trung Đông trong tháng trước. Theo khảo sát của OPEC, sản lượng của Iran đã tăng tháng thứ 9 liên tiếp lên mức 2.5 triệu thùng/ngày, tuy nhiên con số này vẫn tương đối thấp so với mức 3.9 triệu thùng/ngày trước khi Mỹ đặt lệnh từng phạt. Các chuyên gia ước tính, kể cả khi lệnh cấm được dỡ bỏ, nước này sẽ cần đầu tư ít nhất 15 tỷ USD chỉ để duy trì sản lượng hiện tại. Do đó, sự trở lại của dầu thô Iran sớm nhất cũng sẽ chỉ đến vào đầu năm 2022.
Hồng Hoa