Giá ngô vẫn đang được hỗ trợ từ những kì vọng về nguồn cung thắt chặt trong báo cáo Cung - cầu
Hợp đồng ngô tháng 3 mở cửa phiên giao dịch đầu tuần đã quay đầu suy yếu bất chấp đà tăng mạnh từ tuần trước. Hiện tại, thị tường đều đang đổ dồn sự chú ý vào báo cáo Cung – cầu sắp tới. Trong đó, các số liệu về nguồn cung ở Nam Mỹ được kỳ vọng sẽ bị USDA cắt giảm do ảnh hưởng của hạn hán nghiêm trọng trong thời gian qua.
Các khung thời tiết bất lợi kéo dài ở Argentina và Brazil khiến cho lo ngại về chất lượng ngô và đậu tương đều gia tăng. Tuy nhiên nếu so sánh đà tăng của ngô và đậu tương, rõ ràng đậu tương có diễn biến giá dốc hơn hẳn so với ngô. Trong khi đó, mặc dù cùng chịu tác động của khô hạn nhưng giá ngô trong thời gian vừa qua vẫn không thể đột phá lên khỏi vùng tâm lí 600.
Thường thì trong những giai đoạn trước khi báo cáo được công bố, những kì vọng của thị trường về số liệu sẽ được phản ánh vào giá. Sự chênh lệch giữa thực tế và dự đoán sẽ thể hiện kể từ phiên công bố. Chính vì thế, với những thông tin “bullish” hiện tại, trong tuần công bố báo cáo, giá ngô khó có thể đảo chiều nhanh chóng ngày trong đầu tuần khi thị trường vẫn chưa thay đổi góc nhìn về xu hướng giá.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Khánh Linh
 
Mưa lớn và sạt lở có thể hỗ trợ giá Arabica tiếp tục tăng lên mức kháng cự tâm lý 240 cents
Hai mặt hàng cà phê diễn biến trái chiều trong tuần giao dịch đầu tiên của năm 2021. Hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 3 tăng 5.5% lên 238.5 cents/pound, hợp đồng Robusta cùng kỳ hạn giảm 2.3% còn 2316 USD/tấn. Chênh lệch giá giữa hai Sở lại được nới rộng lên mức 56% chiết khấu cho giá Robusta.
Trong tuần trước, giá Robusta có đợt điều chỉnh đáng kể đầu tiên khi mà giá đã liên tục ở trên mức đỉnh 10 năm trong vòng hơn 1 tháng. Trái lại, giá Arabica có đợt tăng mạnh khi mà mưa lớn ở các vùng trồng cà phê trọng điểm ở Brazil khiến cho các đồn điền ở trong tình trạng ngập úng thậm chí dẫn đến sạt lở đất.
Tiềm năng của niên vụ cà phê 2022/23 ở Brazil vốn đã bị ảnh hưởng vì sương giá, nay càng có thể bị tổn thất nhiều hơn. Điều này đã khiến cho mức tồn kho trên Sở ICE US giảm mạnh về 1.504 triệu bao, mức thấp nhất kể từ ngày 14/11/2021.
Trong tuần này, các nhà đầu tư sẽ hướng sự chú ý của mình về các báo cáo quan trọng bao gồm: báo cáo tháng 12 của Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO), và hai báo cáo xuất khẩu của Brazil và Việt Nam.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Tin tức cơ bản nhiều nhưng không bất ngờ, giá đồng sẽ đi theo các tín kỹ thuật trong phiên đầu tuần
Thị trường đồng đóng cửa tuần trong sắc đỏ sau hai tuần tăng trước đó, về mức 4.41 USD/pound. Đáng chú giá vẫn chưa vượt qua mức 4.45 USD/pound. Trong số các mặt hàng trên thị trường hàng hóa, xu thế đi ngang của giá đồng có thể nói là rõ ràng nhất bởi dù có biến động mạnh vào mỗi phiên, giá vẫn không thê vượt qua mức kháng cự 4.45 USD, hay rớt khỏi mức hỗ trợ 4.42 USD.
Sản lượng đồng tinh luyện tháng 12 của Trung Quốc đạt mức 870,300 tấn, tăng 5.38% so với tháng trước và gần 1% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng tăng lên mức cao nhất trong vòng 6 tháng nhờ vào việc các lò luyện đã đi vào hoạt động sau thời gian bảo trì, và phần lớn các công ty đẩy mạnh công suất để đáp ứng mục tiêu sản xuất hàng năm.
Hiện nay, nguồn cung đồng không còn là mối lo đối với các nhà đầu tư hay cả những nhà sản xuất bởi nhu cầu tiêu thụ trong năm nay không tăng quá mạnh như giai đoạn cuối năm 2020 và đầu năm 2021, khi Trung Quốc đặt ra mục tiêu phục hồi nhanh chóng sau đại dịch.
Trái lại, mục tiêu năm nay của Bắc Kinh bao gồm các mục tiêu, ổn định nền kinh tế, đẩy mạnh các sử dụng năng lượng xanh và phòng chống dịch.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Dầu thô có thể đón nhận các phiên điều chỉnh trước khi phá vỡ kháng cự trên
Một loạt các bất ổn về phía nguồn cung đã đẩy dầu thô kéo dài đà tăng tuần thứ 3 liên tiếp, với giá WTI tăng 4.91% lên 78.9 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 4.89% lên 81.75 USD/thùng.
Mở đầu tuần mới, giá dầu chuyển sang xu hướng giằng co với một bên là các bất ổn chính trị tại khu vực Trung Đông và một bên là khả năng nhu cầu tiêu thụ dầu giảm dần khi Trung Quốc ngày càng gia tăng các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 khi mà biến thể Omicron đang lan gần đến thủ đô Bắc Kinh trong khi sắp đến ngày nước này tổ chức Thế vận hội Olympic. Với chi tiêu cá nhân tại một số nước ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 như Delta đang sụt giảm, hình mẫu tương tự có thể lặp lại tại Trung Quốc, khiến hoạt động sản xuất đi xuống theo.
Điều này sẽ khiến cho không chỉ nhu cầu tiêu thụ xăng dầu, nhiên liệu chưng cất giảm mà tiêu thụ các nguyên liệu công nghiệp khác như đồng, sắt đi xuống. Không khó để thấy tại sao giới phân tích bắt đầu đưa ra những nhận định như diễn biến giá hàng hóa trong năm 2022 sẽ phụ thuộc vào cách Trung Quốc đối đầu dịch.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV