Đà tăng của ngô và lúa mì sẽ chậm lại trước thềm công bố Báo cáo Cung- cầu

Trải qua 1 tuần tăng giá không nghỉ, giá ngô đã nhảy vọt 8.76%, lên mức 732.25 cents/giạ. Ngô là mặt hàng có sức tăng mạnh nhất và dẫn dắt xu hướng chung của thị trường nông sản. Nhờ ảnh hưởng từ đà tăng của ngô, giá lúa mì kết phiên cuối tuần cũng lên mức 761.75 cents/giạ, tăng 3.67%. Chuỗi tăng giá liên tiếp của cả 2 loại ngũ cốc này trong tuần vừa qua đã chứng tỏ tâm lí lo lắng của các nhà đầu tư đang gia tăng về nguồn cung ngày càng hạn hẹp trong khi nhu cầu thế giới tăng lên và liên tục đặt dấu hỏi nghi ngờ về thời điểm kết thúc của chu kì tăng này.

Trong tuần vừa qua, các nước xuất khẩu lúa mì chính như Pháp, Úc đã đồng loạt đưa ra các báo cáo cho thấy các số liệu về mức tồn kho và xuất khẩu lúa mì bị ảnh hưởng tiêu cực bởi nguồn cung năm nay. Ngoài ra, các ảnh hưởng từ thời tiết khô hạn ở North Dakota – Mỹ và Úc đã giúp củng cố sức tăng của mặt hàng này.

Thị trường nông sản đang trải qua đợt tăng mạnh nhất trong vòng 8 năm qua và thậm chí trong tuần này, giá của 2 loại ngũ cốc này còn có thể sẽ tiếp tục tăng lên hơn nữa trước thềm công bố Báo cáo cung – cầu thế giới tháng 5. Báo cáo sẽ được Bộ nông nghiệp Mỹ phát hành vào 23h tối thứ 4 ngày 12/05 theo giờ Việt Nam và lần đầu tiên cung cấp những số liệu về sản lượng và tồn kho các loại nông sản của nước này trong niên vụ 2021/22. Hãng phân tích Reuters vừa tổng hợp và đưa ra dự đoán về mức tồn kho niên vụ 2021/22 là 1.344 tỷ giạ, cao hơn tồn kho niên vụ 2020/21 là 1.275 tỷ giạ. Tuy nhiên, con số này có khả năng sẽ giảm xuống nếu tình hình thời tiết khô hạn năm nay ở Midwest, Mỹ vẫn không được cải thiện.

 

Đường và các mặt hàng cà phê có thể khó tăng mạnh trong phiên đầu tuần

Kết thúc tuần giao dịch 03/05 – 09/05, các mặt hàng cà phê và đường tiếp tục duy trì xu hướng tăng với các mức tăng rất mạnh.

Giá cà phê Arabica tháng 7 trên sàn ICE US đóng cửa tuần tăng đột biến 8.09% lên mức 152.90 cent/pound. Đây đã là tuần tăng thứ 5 liên tiếp của giá Arabica và cũng là tuần biến động mạnh nhất tính theo phần trăm của mặt hàng này kể từ giữa tháng 9 năm ngoái đến nay. Hiện tại, giá Arabica cũng đang ở mức cao nhất kể từ tháng 1/2017.

Lo ngại về nguồn cung cà phê do tác động từ thời tiết xấu cùng với chu kỳ giảm của mùa vụ Arabica tại Brazil vốn đã tác động đến giá cà phê trong suốt 1 tháng qua, thì trong tuần vừa rồi, việc biểu tình chặn lại các hoạt động xuất khẩu của người dân Colombia để phản đối chính sách thuế mới của chính phủ càng khiến cho sự thiếu hụt này trầm trọng hơn. Bên cạnh đấy, không thể không kể đến tác động của việc đồng Real tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm đã khiến các hoạt động bán hàng từ nông dân Brazil suy giảm.

Diễn biến ở Colombia hiện tại vẫn đang là ẩn số, khi mà chính phủ dù đã hủy bỏ chính sách thuế mới và Bộ trưởng Tài chính đã từ chức cũng không làm giảm sự giận dữ của người dân nước này. Nếu tình trạng bạo động vẫn còn tiếp tục diễn ra và chưa có một giải pháp nào xoa dịu, nhiều khả năng giá cà phê sẽ khó mạnh được ở thời điểm này.

Giá Robusta kỳ hạn tháng 7 trên sàn ICE EU đóng cửa tuần tăng rất mạnh 5.7%, lên mức 1539 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 2/2019 đến nay. Đây cũng đã là tuần tăng thứ 5 liên tiếp của Robusta, được hỗ trợ bởi lo ngại về dịch bệnh bùng phát tại các quốc gia Nam Á và Đông Nam Á, kết hợp với việc đồng Dollar giảm mạnh về mức thấp nhất kể từ giữa tháng Hai đến nay.

Tình hình dịch bệch vẫn đang diễn biến rất phức tạp, khi số ca nhiễm mới liên tục tăng ở Việt Nam còn tại Ấn Độ, ghi nhận một con số đáng buồn về việc số người tử vong đạt mức cao kỷ lục hơn 4,000 người/ngày. Đây vẫn sẽ là các yếu tố hỗ trợ giá Robusta trong thời gian tới.

Giá đường tuần vừa rồi đã tăng mạnh trở lại sau khi đà tăng bị chững lại trong tuần trước đó. Kết thúc tuần, hợp đồng đường tháng 7 tăng 3% lên 17.49 cent/pound. Mặc dù cũng có chuỗi 5 tuần tăng liên tiếp giống với nhóm cà phê, nhưng nhiều khả năng đà tăng của giá đường sẽ chững lại trong tuần này khi giá dầu thô có thể chịu nhiều áp lực lớn.

Cung cầu đối với đường cũng sẽ chưa có gì đáng chú ý, khi sản lượng sụt giảm tại Brazil sẽ được bù đặp bởi nhu cầu dư thừa từ Ấn Độ do tác động bởi đại dịch, và mùa vụ củ cải đường thuận lợi ở châu Âu.

 

Nhóm kim loại có thể tiếp tục tăng mạnh trong tuần này

Kim loại quý

Nhóm kim loại quý vừa trải qua tuần tăng tốt nhất kể từ đầu năm khi giá vàng vượt qua ngưỡng 1800 USD và áp sát mốc 1850 USD/ounce sau một loạt các thông tin thiếu tích cực của kinh tế Mỹ làm gia tăng tâm lý trú ẩn rủi ro.

Chung xu hướng với vàng, giá bạch kim cũng ghi nhận tuần tăng giá mạnh nhất kể từ tháng 4 khi đóng cửa tuần ở mức 1.249 USD/ounce, tăng 4,2% so với mức chốt tuần trước. Trong khi giá bạch kim kỳ hạn tháng 7 cũng tăng 4,5% lên 1257,7 USD/ounce.

Trước mắt, giá bạch kim sẽ gặp ngưỡng kháng cự rất mạnh tại vùng 1.300 USD/ounce, nếu vượt qua, giá bạch kim nhiều khả năng sẽ thiết lập được các mức đỉnh lịch sử mới.

Giá bạc giao ngay cũng ghi nhận mức tăng 5,9% trong tuần lên mức 27,43 USD/ounce. Trong khi giá kỳ hạn giao tháng 7 cũng tăng lên 27,477 USD/ounce, tăng 6,2%. Giá bạc hiện chỉ gặp ngưỡng kháng cự gần nhất ở vùng 28,3 USD/ounce được thiết lập vào tháng 8/2020. Vượt qua ngưỡng này, giá bạc có thể duy trì vững chắc kênh tăng giá trong ngắn hạn.

Kim loại cơ bản

Giá quặng sắt 62% FE, cũng thiết lập đỉnh mới trong tuần qua khi đóng cửa mức 204,35 USD/dmtu, tương đương tăng 3,37%.

Giá đồng giao tháng 7/2021 kết thúc ngày 7/5 dừng ở mức 4,7485 USD/Pounce, tăng 6,3% so với chốt tuần trước và thiết lập vùng giá cao nhất lịch sử.

Sự bật tăng mạnh của nhóm kim loại cơ bản diễn ra từ đầu tháng 4 sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden phác thảo một kế hoạch hơn 2.000 tỷ USD nhằm đầu tư cho việc sửa chữa cơ sở hạ tầng và ứng phó với biến đổi khí hậu với mục tiêu thúc đẩy việc làm ở Mỹ. Gói kích thích này sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với kim loại đỏ và các mặt hàng công nghiệp trong cùng nhóm ngành.

Giá kim loại cơ bản dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới khi nhu cầu đầu tư xây dựng cơ bản sẽ phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19.

 

Giá dầu có thể tiếp tục tăng trong phiên hôm nay

Kết thúc tuần giao dịch đầu tháng 5, dầu thô tăng mạnh bất chấp những kỳ vọng trái chiều về cán cân cung – cầu thế giới trong nửa cuối năm 2021. Cụ thể, giá dầu thô WTI tăng 2.08% lên 64.9 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 2.28% lên mức 68.28 USD/thùng.

Giá dầu tăng trong những phiên đầu tuần nhờ tiến triển tiêm chủng văc-xin thuận lợi tại Mỹ và châu Âu thúc đẩy đà phục hồi kinh tế. Các bang của Mỹ như New York dự kiến mở cửa hoàn toàn vào tháng 5 trong khi EU đẩy mạnh sử dụng “Hộ chiếu Covid” như biện pháp chính để mở cửa ngành du lịch cho du khách thế giới. Tuy nhiên, việc giá Brent không phá vỡ kháng cự thành công mức 70 USD/thùng, kết hợp với Saudi Arabia giảm giá bán chính thức các mặt hàng xăng dầu tháng 6 (OSPs) cho châu Á do lo ngại tình hình COVID tại khu vực này khiến giá quay đầu giảm.

Bên cạnh nhu cầu giảm, nguồn cung tại các nước sản xuất lớn vẫn tiếp tục tăng. Liên tục trong 3 tháng đầu năm, các thành viên OPEC+ là Nga, Iraq và South Sudan sản xuất quá mức hạn ngạch trong cam kết, với sản lượng vượt mức 3.316 triệu thùng/ngày trong tháng 3. Cùng với thông tin giàn khoan dầu Mỹ tăng thêm 8 chiếc và kỳ vọng Iran sẽ tăng sản lượng thêm 700.000 thùng/ngày trong 3 tháng tiếp theo trong trường hợp Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận. 

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)