Liệu đánh giá của USDA trong báo cáo Cung - cầu có đang quá lạc quan?
Mở cửa phiên giao dịch ngày 13/01, giá ngô đang tiếp tục đà suy yếu hôm qua. Đây cũng là phiên giao dịch đầu tiên sau khi Bộ nông nghiệp Mỹ công bố báo cáo Cung – cầu tháng 1 vào báo cáo Tồn kho ngũ cốc hàng quý nên thị trường sẽ có thêm thời gian để phản ứng với các thông tin và số liệu. Trong 2 báo cáo này, các số liệu thực tế không quá chênh lệch so với dự đoán của thị trường. Điều này lý giải cho diễn biến giằng co và rung lắc mạnh của ngô trong phiên hôm qua.
Mặc dù giá đã suy yếu trong phiên công bố báo cáo nghĩa là tác động “bearish” trong ngắn hạn đang chiếm ưu thế hơn. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu vào số liệu, thì xu hướng giá trong trung và dài hạn lại đang thiên về bên mua. Điều này cũng không phải xa lạ sau báo cáo Cung – cầu bởi khi thị trường có thêm thời gian để kiểm chứng thông tin và đào sâu vào các số liệu thì giá có thể hoàn toàn đảo chiều so với xu hướng biến động trong phiên công bố.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Khánh Linh
 
Sự trượt giá của đồng USD và mức tồn kho sụt giảm trên các Sở sẽ hỗ trợ giá đồng trong hôm nay
Thị trường đồng có một phiên giao dịch vô cùng thăng hoa khi giá tăng 3.3% lên 4.56 USD/pound, đồng thời đây cũng là lần đầu tiên giá bứt phá ra khỏi khu vực đi ngang kể từ cuộc khủng hoảng năng lượng hồi cuối tháng 10 vừa qua.
Các chỉ số lạm phát của Trung Quốc không tiêu cực so với dự đoán của giới chuyên gia, và sẽ không kìm hãm việc gia tăng các chính sách nới lỏng của Ngân hàng Trung ương (PBOC).
Bên cạnh đó, mục tiêu số một của Chính phủ Trung Quốc vẫn là ổn định nền kinh tế trong bối cảnh chống dịch, nên các hoạt động sản xuất công nghiệp sẽ không thể bị đình trệ. Vì thế nhu cầu sử dụng đồng trong ngắn hạn vẫn sẽ ổn định.
Bên cạnh đó, dù nguồn cung đồng trong trung hạn và dài hạn không bị thắt chặt, nhưng trong ngắn hạn các nhà sản xuất đang đối mặt với nhiều khó khăn để tiếp cận nguồn cung. Hoạt động của các cảng biển ở Trung Quốc như cảng Thượng Hải (lớn nhất thế giới), cảng Ninh Ba (lớn thứ 4) thế giới đang ngày càng bị đình trệ.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Số liệu xuất khẩu tích cực của Việt Nam có thể gây sức ép lên giá Robusta
Kết thúc phiên hôm qua, giá Arabica tiếp tục tăng 1.6% lên 240.9 cents/pound, còn giá Robusta nhích nhẹ lên 2282 USD/tấn. Trong khi giá Arabica đã hồi phục gần 10% từ đầu năm mới tới nay, giá Robusta chỉ cho thấy lực mua yếu ớt và phần lớn được hưởng lợi từ tâm lý tích cực của các nhà đầu tư. Chênh lệch giá giữa hai Sở lại tăng lên 57% chiết khấu cho giá Robusta.
Trong bối cảnh các số liệu xuất khẩu tháng 12 của Việt Nam và Brazil vẫn chưa được công bố, giá Arabica đang nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn vì nhiều nguồn tin tức phong phú trên thị trường. Mức tồn kho đạt chuẩn trên SỞ ICE giảm mạnh về 1.43 triệu bao. Đáng chú ý, chỉ trong vòng một tuần, mức tồn kho này đã giảm 100,000 bao, và vẫn là mức thấp nhất trong vòng một năm.
Bên cạnh đó, sự suy yếu của đồng USD đã hỗ trợ rất nhiều cho đà tăng của giá hàng hóa, trong đó có giá cà phê. Tỷ giá USD/BRL giảm về mức thấp nhất trong vòng một tháng đã kìm hãm sức bán của các thương nhân, bởi Brazil đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát cao, nên lực bán sẽ mạnh hơn nếu đồng USD tăng giá.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Giá dầu có thể sớm bước vào giai đoạn đi ngang sau khi thất bại trong việc phá kháng cự mạnh
Giá dầu liên tục tăng khi phe mua tập trung vào các yếu tố “bullish” trong báo cáo của EIA tối qua. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 1.75% lên 82.64 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 1.13% lên 84.67 USD/thùng.
Với việc phe mua gần đây liên tục tập trung vào các thông tin tích cực của báo cáo và bỏ qua các rủi ro hiện tại như thị trường hàng thực đã có các dấu hiệu điều chỉnh, như Saudi Arabia và Kuwait, Iran đồng loạt giảm giá bán chính thức trong tháng 2. Bên cạnh đó, nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không cũng có dấu hiệu suy yếu, với số khách tại Mỹ giảm khoảng 11% so với cùng kỳ 2020. Nguyên nhân là do thị trường hiện tại đang đánh cược vào khả năng sẽ xảy ra rủi ro bất thường từ nguồn cung và từ đó đẩy giá tăng vọt, dù chỉ trong thời gian ngắn. Với nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu thế giới hàng năm từ những năm 2010 đến giờ tương đối ổn định và tốc độ thay đổi tương đối chậm, các bất ổn về nguồn cung thường tạo ra phản ứng lớn hơn nhiều. Nhất là ở giai đoạn hiện tại, khi khả năng điều tiết thị trường của OPEC+ đang bị đặt dấu hỏi lớn, trong ngắn hạn khó có thể tìm ra được nguồn thay thế.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV