Giá các mặt hàng nông sản đồng loạt phá vỡ các hỗ trợ tâm lí quan trọng chỉ trong phiên mở cửa đầu tuần
Chỉ vừa bước vào phiên sáng đầu tuần, bảng giá các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu được giao dịch trên sở CBOT đã chìm trong sắc đỏ. Các mặt hàng tiếp nối đà giảm mạnh từ cuối tuần trước và đều đã phá vỡ vùng hỗ trợ quan trọng. Nếu tuần trước, khi báo cáo Cung- cầu (WASDE) được công bố đã ảnh hưởng và cung cấp cho thị trường bức tranh về yếu tố cơ bản thì tuần này, việc giá đóng cửa hôm nay có duy trì được hỗ trợ tuần trước hay không sẽ là dấu hiệu quan trọng cho các tín hiệu kĩ thuật.

Tong hop cac ban tin ngay

Trong vài tuần gần đây, mỗi lần thị trường nông sản đồng loạt điều chỉnh giảm mạnh, ngô thường là mặt hàng đáng chú ý vì chỉ giảm nhẹ hoặc thậm chí đi ngược lại với xu hướng giảm chung. Tuần giao dịch vừa qua cũng như vậy. Giá hợp đồng ngô kết tuần tăng nhẹ 0.26%, lên mức 684.50 cent/giạ và vượt lên trên giá lúa mì. Báo cáo Cung- cầu được Bộ nông nghiệp Mỹ công bố vào thứ Năm tuần trước đã khiến cho giá ngô tăng mạnh, có thời điểm còn vượt mức kháng cự 700. Tuy nhiên, phiên giao dịch này được cho là do đà hưng phấn thái quá khi những số liệu tích cực cho thấy triển vọng nhu cầu tăng lên và nguồn cung thắt chặt của mặt hàng này đã nằm trong dự đoán của thị trường và được phản ánh vào giá trong đợt tăng trước đó. Chính vì thế, khi thị trường có thông tin bất lợi về nhu cầu thì giá sẽ phản ứng mạnh mẽ. Trong phiên cuối tuần, khi tổng thống Biden tuyên bố sẽ giảm bớt các yêu cầu pha chế nguyên liệu sinh học, khiến cho tiêu thụ ngô trong sản xuất ethanol sẽ giảm xuống thì giá đã giảm rất mạnh. Tuy nhiên, lực mua kĩ thuật tại vùng 670 vẫn đang khá mạnh và đã hạn chế phần nào đà giảm này.
Dự báo tồn kho ngô của Mỹ cả 2 niên vụ đều giảm mạnh, sản lượng của Brazil cũng chỉ đạt 98.5 triệu tấn, kém hơn nhiều so với kỳ vọng ban đầu là 102 triệu tấn. Đây là những số liệu đáng chú ý trong báo cáo vừa qua của USDA và cũng là nguyên nhân khiến giá tăng sau đó. Khi mà yếu tố về thời tiết hạn hán ở Mỹ và Brazil luôn là tác nhân gây ra lo ngại cho nguồn cung và hỗ trợ đà tăng giá trong thời gian qua, thì khi vào cuối tháng 6, như thường lệ trong lịch sử diễn biến giá các năm, ngô có thể sẽ xác nhận đảo chiều và trải qua đợt giảm giá mạnh trong tuần này. Lo ngại giảm xuống, tạo áp lực lên giá nhưng ngô có thể vẫn sẽ khó có khả năng giảm sâu dưới mốc kháng cự 600 do những yếu tố cơ bản vẫn đang bền vững.
Lực bán hiện vẫn đang áp đảo đối với giá ngô. Hỗ trợ 665 có khả năng sẽ bị phá vỡ trong tuần này do các chỉ báo kĩ thuật vẫn ủng hộ xu hướng giảm trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, 2 lần gần nhất ngô vượt giá lúa mì trong năm 2013 thì ngay sau đấy, giá ngô đảo chiều giảm mạnh. Nếu diễn biến này lặp lại, ngô càng có khả năng sẽ quay về vùng hỗ trợ tiếp theo ở mức 605.

Lúa mì đóng cửa tuần cũng giảm 1.02%, về mức 680.75 cent/giạ. Thời tiết thuận lợi cho mùa vụ tại các nước sản xuất chính trên thế giới làm giảm lo ngại về nguồn cung là yếu tố chính tạo áp lực lên giá. Tuy nhiên đà giảm đã được hạn chế nhờ có đơn hàng mới từ tập đoàn chế biến thức ăn lớn nhất Hàn Quốc và việc Nga sẽ tăng thuế xuất khẩu. Tuần vừa qua, lúa mì trải qua các phiên rung lắc khá mạnh nhưng giá đóng cửa chỉ giảm nhẹ cho thấy 2 bên mua – bán đang giằng co mạnh và vẫn chưa xác nhận được xu hướng tiếp theo của giá. Giá ngô tăng và vùng hỗ trợ kĩ thuật cũng đã giúp giá không giảm sâu trước những thông tin cơ bản mang tính “bearish” mạnh.
Giá lúa mì mở cửa đầu tuần cũng giảm mạnh theo đà chung của thị trường nông sản về vùng hỗ trợ ở 666. Đây từng là vùng kháng cự mạnh đã 2 lần giá lúa mì bị đẩy xuống kể từ đầu năm cho tới nay. Chính vì thế nên phiên giao dịch hôm nay rất quan trọng để xác định liệu giá có phá vỡ hỗ trợ hay sẽ tạo ra cây nến rút chân và tiếp tục vùng đi ngang. Nếu giá kiểm tra lại vùng hỗ trợ này thì cũng có thể sẽ chỉ hồi phục nhẹ lên 680. Nhà đầu tư có thể mở vị thế bán ở vùng 668-673 với mức hỗ trợ tiếp theo ở quanh 640.

Đậu tương cũng giảm hơn 75 cents về mức 1508.50 cent/giạ và mở cửa tuần này, giá đã giảm sâu và cách khá xa so với vùng hỗ trợ tâm lý 1500. Tồn kho đậu tương tăng lên trong báo cáo Cung- cầu tháng 6 đã làm áp lực bán tháo càng mạnh lên. Bên cạnh đó, nhu cầu đậu tương trong ép dầu cũng sẽ giảm đi do chính phủ Biden thông báo sẽ giảm các yêu cầu pha trộn nguyên liệu sinh học vào thứ 6 tuần trước. Đây sẽ là thông tin củng cố đà giảm của giá trong vài phiên tới.
Trên biểu đồ ngày đang có mô hình vai – đầu – vai và xuất hiện tín hiệu bán rất. Sau khi phá mức 1500, giá đang trong xu hướng giảm trong khoảng rộng và thiếu hỗ trợ. Việc mở vị thế bán sớm vào lúc này có thể đạt được tỉ lệ Return: Risk khá cao, tuy nhiên cũng đi kèm với rủi ro giá sẽ hồi phục nhẹ kiểm định lại kháng cự trước khi chính thức xác nhận xu hướng giảm. Các chỉ báo kĩ thuật đang thiên về “bearish”, MACD hướng xuống, StochF hướng xuống, RSI hướng xuống. Biên độ Bollinger Bands được mở rộng, giá hướng về biên dưới. Nhìn chung mô hình kĩ thuật đang rất yếu và hoàn toàn nghiêng về bên bán trong ngắn hạn. Hỗ trợ tiếp theo của đậu tương sẽ ở 1446. Ngược lại, kháng cự sẽ ở mức 1530.

Dầu đậu tương đang tiếp nối chuỗi 3 phiên giảm mạnh liên tiếp. Giá dầu đậu tương giảm gần kịch sàn trong ngày thứ Sáu và đóng cửa tuần giảm tới 6.1%. Mức giảm này được dẫn dắt bởi đà giảm của dầu cọ Malaysia khi nhu cầu đang dần hạ nhiệt. Bên cạnh đó, tiêu thụ dầu đậu tương trong pha chế nguyên liệu sinh học cũng sẽ giảm xuống, và sẽ tiếp tục tạo áp lực lên giá. Mở cửa sáng nay, dầu đậu tương đã tạo gap down cho thấy thông tin bearish vẫn đang tác động rất mạnh khiến cho áp lực bán tháo đang tăng lên, đẩy giá xuống dưới vùng hỗ trợ quan trọng. Các chỉ báo kĩ thuật cũng đều ủng hộ xu hướng giảm ngắn hạn. Trong một vài phiên tới, giá dầu đậu tương cũng sẽ tiếp tục giảm về biên dưới của dải Bollinger Band ở quanh vùng 92.

Khô đậu tương cũng tiếp nối đà giảm kể từ đầu tháng 5, với mức giảm 3.26% khi kết tuần. Giá khô đậu tương giảm do ảnh hưởng chung từ mặt hàng đậu tương và dầu đậu tương. Giá đang chạm mốc hỗ trợ 378, tuy nhiên có khả năng trong tuần này mốc hỗ trợ này sẽ bị phá vỡ và khô đậu tương sẽ tiếp tục quay về vùng 370.
 
Thị trường kim loại quý “thấp thỏm” chờ tín hiệu từ Fed
Tuần giao dịch vừa qua kết thúc với diễn biến trái chiều giữa các mặt hàng kim loại quý. Sắc xanh đã quay trở lại với thị trường Bạc khi giá đóng cửa tuần tăng 0.9% lên 28.15 USD/ounce. Trái lại, Bạch kim có tuần thứ 3 liên tiếp đóng cửa với mức giảm, giá giảm 1.14% còn 1151.1 USD/ounce.
Có thể thấy, thị trường Bạc vẫn tiếp tục duy trì trạng thái đi ngang trong biên độ 27.5 - 28.34 USD/ounce, trong khi đó, xu thế giảm dường như đã hình thành rõ rệt ở thị trường Bạch kim. Chắc hẳn việc đi ngược chiều của Bạc và Bạch kim khiến cho các nhà đầu tư kim loại quý cảm thấy bối rối trong việc xác định xu hướng của thị trường.
Trong tuần này, các số liệu lạm phát của các nền kinh tế phát triển như Chỉ số giá tiêu dùng CPI của các nước Châu Âu và chỉ số giá sản xuất PMI của Mỹ được công bố, cùng với đó là Doanh số bán lẻ trong tháng 5. Giới phân tích dự đoán các chỉ số lạm phát sẽ tiếp tục tăng, cùng với mức tăng của các số liệu công nghiệp, như số giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, tâm điểm của toàn thị trường tuần này là nội dung biên bản cuộc họp về lãi suất của Fed.
Rất nhiều ý kiến xoay quanh việc liệu Fed có tăng lãi suất trong bối cảnh vaccine có hiệu quả tích cực và nền kinh tế phục hồi ngày một rõ rệt. Giới chuyên gia cho rằng nhiều khả năng Fed vẫn giữ thái độ ôn hoà như Ngân Hàng Trung Ương Châu (ECB) trước đó. Trong các tuần trở lại đây, các quan chức của Fed và cả Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, Janet Yellen, đều phát biểu rằng lạm phát là điều cần thiết cho sự phục hồi của nền kinh tế. Đồng thời, việc giá cả tăng hiện nay xuất phát từ sự thiếu hụt nguồn cung do sản xuất bị trì hoãn, và sẽ không có chất tính lâu dài. Do đó, Fed nhiều khả năng sẽ giữ nguyên mức lãi suất cùng với tốc độ thu mua tài sản, đồng thời tiếp tục quan sát diễn biến hồi phục của nền kinh tế trước khi có các quyết định thay đổi. Thêm vào đó, Tổng thống Biden cũng đang rất tích cực vận động cho gói ngân sách 6000 tỉ USD, nên chưa chắc Fed sẽ có quan điểm ngược lại với giới cầm quyền.
Trong bối cảnh lãi suất được giữ nguyên, mối lo mất giá của đồng USD sẽ tiếp tục tạo đà tăng cho thị trường kim loại quý, và Bạc sẽ được hưởng lợi nhiều hơn so với Bạch kim nhờ vai trò trú ẩn vượt trội. Ngược lại với các tin tức tích cực, thị trường kim loại quý có thể gặp áp lực từ đà tăng của thị trường chứng khoán, khi cuối tuần vừa qua, chỉ số S&P 500 đã lập đỉnh mới.
Góc nhìn kỹ thuật cho thấy Bạc vẫn đang tích luỹ với biên độ thu hẹp dần và liên tục test mức kháng cự 28 USD/ounce. Lực mua không quá cao cho thấy rất nhiều nhà đầu tư vẫn đang đứng ngoài và chờ đợi các tín hiệu từ thị trường. Nếu Fed tiếp tục giữ nguyên lãi suất trong tuần này, giá Bạc có thể test lại vùng 29 USD/ounce một lần nữa. Tuy nhiên, với những tin tức cơ bản thiếu bất ngờ hiện tại, giá khó có thể giữ được ở vùng này và quay đầu giảm.

Đối với Bạch kim, xu thế giảm đang được hình thành ngày một rõ rệt khi giá liên tiếp không vượt được đường cản trendline và các vùng hỗ trợ thấp hơn đang hình thành. Trong thời gian gần đây, giá Bạch kim không phản ứng tích cực đối với các số liệu về kinh tế, cho thấy vai trò “hàng hoá” của kim loại này đang trội hơn so với vai trò “tiền tệ”. Vì vậy, trong kịch bản Fed giữ nguyên lãi suất hiện tại, tin tức này có thể không tác động quá tích cực đối với thị trường Bạch kim. Giá có thể hồi về các vùng kháng cự 1140 USD hoặc 1160 USD rồi giảm xuống. Nếu không có tin tức cơ bản liên quan đến nhu cầu sản xuất hỗ trợ, rất có thể giá sẽ rơi về test mốc hỗ trợ 1100 USD/ounce.
 
Giá dầu sẽ tăng nhờ các chính sách từ Mỹ
Giá dầu đã đóng cửa tăng 3 tuần liên tiếp sau khi đã phá vỡ các mức kháng cự quan trọng. Việc giá dầu WTI phá vỡ thành công kháng cự 70 USD/thùng chính là tín hiệu cuối cùng xác lập xu hướng tăng của giá. Kết thúc tuần vừa rồi, giá dầu WTI tăng 1.85% lên 70.91 USD/thùng, dầu Brent tăng 1.11% lên 72.69 USD/thùng.
Trong tuần, cả 3 tổ chức lớn về dầu là EIA, OPEC, IEA đều tiếp tục đưa ra các nhận định tích cực về thị trường dầu thông qua các báo cáo hàng tháng và đây chính là yếu tố thúc hỗ trợ đà tăng của giá. Bên cạnh đó, thực tế là các chỉ số đánh giá tình hình giao thông tại Mỹ và châu Âu đều chỉ ra rằng nhu cầu đi lại đường bộ đã quay trở lại mức trước đại dịch, củng cố niềm tin rằng quá trình tiêm chủng vắc-xin COVID-19 sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu sử dụng nhiên liệu trong mùa hè này. Ngoài ra, các cam kết hỗ trợ vắc-xin của Mỹ và EU, kết hợp việc các nước châu Á như Ấn Độ và Singapore nới lỏng các biện pháp phong tỏa cũng cho thấy triển vọng tại khu vực này.
Nhu cầu được đẩy mạnh trong khi nguồn cung đang tăng chậm hơn. Mặc dù IEA kêu gọi nhóm gia tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu, tuy nhiên nhiều khả năng OPEC+ sẽ không vội vàng làm theo khuyến nghị này. Thông qua các cuộc họp vừa rồi, có thể thấy OPEC+ vẫn đang thận trọng trong các quyết định gia tăng sản lượng trở lại, và các thành viên vẫn đang tuân thủ cam kết khá tốt bất chấp việc nhóm liên tục đưa các dự báo tăng trưởng trong thời gian vừa qua.
Thông tin Tổng thống Joe Biden cân nhắc miễn giảm các nhà máy lọc dầu khỏi nghĩa vụ pha trộn nhiên liệu sinh học vào trong xăng cũng đang hỗ trợ cho giá dầu. Theo chính sách hiện nay, các nhà sản xuất buộc phải trộn nhiên liệu sinh học như ethanol vào nhiên liệu hoặc phải mua lại các giấy phép Mã số Nhận dạng Năng lượng tái tạo (RIN credit) từ các nhà sản xuất khác để đảm bảo độ tuân thủ mà Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) đề ra. Giá các giấy phép này đã tăng liên tục kể từ năm ngoái và theo các hãng năng lượng, điều này làm giảm lợi nhuận của họ, vốn đã xuống mức thấp kể từ dịch COVID-19. Nếu đề xuất miễn giảm này được thông qua, nó sẽ đánh dấu sự đảo ngược chính sách “năng lượng xanh” mà Tổng thống Biden thúc đẩy từ khi nhậm chức, minh chứng cho tầm ảnh hưởng của các công ty dầu lớn tại Mỹ, hỗ trợ hoạt động lọc dầu và làm giảm giá các nhiên liệu sinh học như ethanol, dầu cọ, dầu đậu tương.

Về mặt kỹ thuật, các chỉ số kỹ thuật đều đang xác nhận xu hướng tăng, và dải Bollinger mở rộng xác khoảng giao dịch mở rộng cạnh trên là tín hiệu rõ nhất cho thấy giá đang giao dịch với xu hướng tăng. Giá có thể tiến tới vùng giá 72.5 USD/thùng trong tuần này.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)