Giá ngô và lúa mì có thể hướng đến các mức kháng cự quan trọng trong phiên hôm nay
Giá ngô đã tăng lên trong phiên hôm qua chủ yếu nhờ dự báo thời tiết quay trở lại khô và nóng trong nửa cuối tháng 7, làm gia tăng lo ngại về nguồn cung và càng khẳng định thêm kỳ vọng của thị trường về mức năng suất ngô sẽ giảm xuống.
Sản lượng ở Mỹ mặc dù vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro về thời tiết nhưng nhìn chung thị trường đã có góc nhìn toàn cảnh về bức tranh nguồn cung ở đây sau khi Bộ nông nghiệp Mỹ đưa ra 2 số liệu quan trọng là diện tích và mức năng suất dự kiến cho niên vụ 2021/22. Nếu không có thay đổi bất ngờ về thời tiết thì giá ngô khó có thể phá vỡ được mức hỗ trợ quan trọng tại vùng 515. Tuy nhiên, để giá ngô lấp lại được khoảng gap down của phiên giao dịch sau ngày nghỉ lễ thì sẽ cần phải có một đợt phục hồi do thời tiết hạn hán hoặc nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc quay trở lại. Trong một vài phiên tới, xu hướng của giá ngô sẽ thiên về giằng co, tích luỹ trên nền đi lên với mức biến động sẽ nhẹ hơn. Thông tin cơ bản cũng sẽ xuất hiện nhiều hơn về nguồn cung ở khu vực Nam Mỹ.

Xuất khẩu ngũ cốc của Brazil trong tháng 7 được dự báo sẽ tăng lên mức 3.04 triệu tấn, so với 2.38 triệu tấn trong báo cáo trước, mức bán hàng ngô niên vụ 2020/21 của Argentina cũng cao hơn cao hơn 2.3 triệu tấn so với thời điểm này năm ngoái. Trong khi đó, báo cáo Export Inspections tuần này lại cho thấy số liệu giao hàng ngô tuần này của Mỹ lại thấp hơn tuần trước và cùng kỳ năm ngoái. Những thông tin này thể hiện sự cạnh tranh hơn của ngô ở các quốc gia Nam Mỹ và tạo áp lực lên giá ngô CBOT.
Mở cửa phiên sáng nay, bên bán đang chiếm ưu thế, ngô được giao dịch quanh mức 540 cent/giạ. Ngô đang ở trong vùng giá “thoáng” kháng cự và mặc dù xu hướng giảm trước đó vẫn chưa bị phá vỡ và cho tín hiệu đảo chiều nhưng nhịp điều chỉnh tăng này có thể sẽ được tiếp tục. Trong phiên hôm nay, giá ngô có khả năng sẽ hướng lên vùng 550.
Giá lúa mì chìm trong sắc đỏ sau một đợt bán kỹ thuật và chốt lời trong phiên hôm qua. Chất lượng lúa mì vụ xuân tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề trong mùa vụ này và dự kiến trong thời gian tới vẫn sẽ không có thêm sự ủng hộ của điều kiện thời tiết tốt hơn. Đây cũng là yếu tố sẽ hỗ trợ cho giá trong những phiên giảm mạnh.
Công ty tư vấn Nga Sovecon đã hạ dự báo mức sản lượng của nước này năm 2021 thấp hơn 2,7%, xuống còn 3,024 tỷ giạ. Những trận mưa lớn gần đây ở phía Nam đã làm chậm quá trình thu hoạch và dẫn đến thiệt hại về sản lượng. Mùa vụ ở Canada cũng đáng lo ngại khi lúa mì ở đây đang trải qua hạn hán không kém so với mùa vụ ở Mỹ. Những thông tin này cho thấy ở các quốc gia sản xuất lúa mì lớn nhất thế giới đều đang gặp khó khăn về thời tiết ảnh hưởng lớn lên sản lượng mùa vụ, khiến cho lo ngại về nguồn cung toàn cầu thắt chặt sẽ tăng lên.
Ngược lại, về nhu cầu, các đơn hàng đấu thầu lớn từ các nước vẫn liên tục xuất hiện trong thời gian gần đây mặc dù chi phí vẫn chuyển cao đã hạn chế phần nào nhu cầu nhập khẩu. Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Iran đã mua tổng cộng hơn 20 triệu giạ lúa mì trong các cuộc đấu thầu gần đây. Với tình trạng nguồn cung đáng lo ngại như hiện nay thì năm nay thị trường sẽ phải đối mặt với tỉ lệ tồn kho/ tiêu thụ lúa mì thế giới thấp nhất trong vòng 14 năm qua.

Mở cửa sáng nay, giá lúa mì đã dẫn dắt đà tăng của toàn nhóm nông sản, kéo các mặt hàng tăng trở lại. Khác với ngô, giá lúa mì thời gian gần đây đang trở nên mạnh hơn, gần như đã lấp lại được khoảng gap down tạo ra từ phiên giảm mạnh trước đó. Với đà tăng hiện tại, trong phiên hôm nay, giá lúa mì có thể tiếp tục hướng lên vùng 652.
Thiếu vắng tin tức cơ bản, thị trường Cà phê có thể đi ngang trong phiên hôm nay
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/7, giá Cà phê trên hai sàn đồng loạt giảm hơn 1%. Đáng chú ý, đây là phiên giảm đầu tiên của Robusta sau chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp.
Giá Arabica hiện nay đang gặp nhiều bất lợi hơn so với giá cà phê Robusta. Số liệu xuất khẩu ở Brazil trong tháng 6 tăng so với cùng kì năm trước làm dịu đi những quan ngại về nguồn cung. Bên cạnh đó, diễn biến dịch phức tạp khiến cho nhiều nước phải thực hiện chính sách giãn cách xã hội trở lại, điều này có thể gây sức ép lên nhu cầu tiêu thụ Arabica nhưng lại thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ cà phê Robusta. Chênh lệch giá Cà phê giữa hai sàn tăng lên 51%, càng củng cố cho triển vọng tăng giá của Cà phê Robusta.
Ngoài các tin tức liên quan tới cung cầu, đồng USD cũng là một tác nhân gây ảnh hưởng lớn tới giá Cà phê. Trong phiên hôm qua, khi đồng bạc xanh vọt tăng, giá của cả hai mặt hàng gặp sức ép rất lớn. Hiện tại, các nhà đầu tư của thị trường Cà phê cũng đang rất chú ý tới động thái của FED về chính sách tiền tệ. Kết quả của phiên điều trần của Chủ tịch FED Jerome Powell vào hôm nay và ngày mai được dự đoán sẽ tiếp tục làm cho đồng USD biến động mạnh, và rất có thể sẽ gián tiếp ảnh hưởng tới giá của cả hai mặt hàng Cà phê.
Xét từ góc nhìn kỹ thuật, giá Arabica vẫn chưa thể vượt qua được mức cản 155 cents/pound và đường cản SMA 20. Giá đóng cửa của các phiên gần đây đang tạo các đáy thấp hơn. Tuy nhiên, triển vọng tăng giá không quá rõ ràng nên giá Arabica có thể đi ngang trong phiên hôm nay với biên độ 150 – 155 cents.

Đối với giá Robusta, giá tăng mạnh trong các phiên gần đây và đạt mức cao nhất trong vòng 3 năm khiến nhiều nhà đầu tư chốt lời ở khu vực này và đẩy giá đóng cửa giảm. Do giá Cà phê Robusta vẫn được hỗ trợ trong dài hạn, nhưng thị trường hiện tại chưa có đủ động lực để đưa giá bật tăng trở lại, nên rất có thể giá sẽ đi ngang trong biên độ 1700- 1720 USD/tấn. Về dài hạn, mục tiêu chốt lời đối với các nhà đầu tư Robusta khoảng 1810 USD/tấn (Fibonacci mở rộng 1.618).

Giá kim loại quý có thể gặp sức ép trong ngắn hạn
Đóng cửa phiên giao dịch 13/7, giá cả hai mặt hàng kim loại quý đều giảm. Giá Bạc giảm 0.4% còn 26.14 USD/ounce, giá Bạch kim giảm 1.05% còn 1111.2 USD/ounce.
Giá của cả hai mặt hàng kim loại quý đều chịu áp lực khi đồng USD tăng mạnh. Chỉ số Dollar Index tăng lên 92.7, cao nhất trong vòng 3 tháng. Bất chấp thang đo lạm phát CPI tăng cao hơn so với dự đoán, giá trị đồng USD vẫn tăng, khi mà các nhà đầu tư đều tin rằng FED sẽ sớm tăng lãi suất để giữ gìn vị thế của đồng bạc xanh.
CME dự báo, tới tháng 12/2022, sẽ có 70% khả năng FED tăng lãi suất, đồng nghĩa với việc FED sẽ tăng sớm hơn thời gian được ước tính trong cuộc họp ngày 16/6 vừa qua là năm 2023. Xác xuất này có thể tăng lên nếu chỉ số giá sản xuất PPI được công bố trong hôm nay cũng tăng so với dự báo.

Giới đầu tư cũng hướng sự chú ý về phiên điều trần của Chủ tịch FED Jerome Powell trước Quốc hội Mỹ vào tối nay, để có thể nắm bắt lập trường của cơ quan này về chính sách tiền tệ trong thời gian sắp tới. Nhiều khả năng, FED vẫn giữ lập trường ôn hòa để không khiến các thị trường đầu tư biến động, tuy nhiên, nếu chủ tịch FED có động thái trấn an Quốc hội về việc kiểm soát lạm phát, giá của Bạc và Bạch kim sẽ gặp rất nhiều sức ép trong ngắn hạn.
Về mặt kỹ thuật, giá Bạc vẫn tích lũy trong biên độ 25.7 – 26.5 USD/ounce. Trong phiên hôm nay, giá được dự báo sẽ tiếp tục dao động trong vùng này nếu các tin tức không gây ảnh hưởng quá tiêu cực đối với thị trường kim loại quý.

Ở thị trường Bạch kim, giá giảm ngay khi chạm cạnh trên của Bollinger Band và bật lên khi gặp cạnh giữa. Rất có thể giá sẽ test lại mức cản 1120 USD/ounce và mức 1130 USD/ounce (cạnh trên Bollinger Band) nếu không có tín hiệu thắt chặt nào được công bố hôm nay.
Xu hướng sáp nhập trong các công ty dầu khí Mỹ sẽ hạn chế nguồn cung dầu đá phiến
Giá dầu tăng trở lại ngày hôm qua khi IEA cảnh báo thiếu hụt nguồn cung dầu sẽ trở nên trầm trọng trong quý III. Kết thúc phiên giao dịch, dầu WTI tăng 1.55% lên 75.25 USD/thùng, dầu Brent tăng 1.77% lên 76.49 USD/thùng.
Trong năm nay, thế giới một lần nữa chứng kiến sức mạnh của OPEC trên thị trường dầu mỏ, với bất kỳ thay đổi nào trong cuộc họp chính sách đều tác động mạnh mẽ lên thị trường. Không khó để nhận ra sức mạnh của OPEC đến từ sự thống nhất của 13 thành viên với 10 nước đồng minh, chiếm hơn 1/3 nguồn cung trên thế giới. Tại Mỹ, một sự thống nhất tương tự cũng đang diễn ra trong ngành công nghiệp dầu khí, với các công ty liên tục thực hiện các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) để gia tăng tầm kiểm soát thị trường.
Theo dữ liệu của Công ty dữ liệu Enverus Inc, tổng giá trị các thương vụ M&A ngành dầu khí tính riêng trong quý II đạt 33 tỷ USD, so với con số 44.5 tỷ USD trong cả năm 2020. Scott Shefield, CEO của Pioneer Natural Resources, một trong những công ty dầu khí hàng đầu tại Mỹ cho biết các thương vụ hợp nhất sẽ giúp tăng kỷ luật sản xuất trong ngành. Nếu như 5 năm trước các công ty dầu đá phiến thu hút các nhà đầu tư bằng số liệu tăng trưởng sản xuất 15-20% thì hiện tại, các công ty cam kết với cổ đông mức tăng sản lượng chỉ từ 3-5%/năm trong 10 năm tới. Các công ty dầu mỏ tại Mỹ giờ đóng vai trò bảo vệ sản lượng thấp và duy trì mức giá cao, trong khi OPEC+ lại có xu hướng gia tăng sản lượng để tối đa hoá các khoản thu.
Với tình hình hiện tại, khi JP Morgan Chase dự đoán cuộc họp của OPEC sẽ hoãn lại trong vài tuần nữa, với khả năng xung đột sẽ chấm dứt với việc Saudi Arabia đạt được thành công, xu hướng kiểm soát chặt chẽ sản lượng tại ngành dầu khí Mỹ sẽ là yếu tố hỗ trợ giá. Thị trường dự đoán tối nay số liệu Báo cáo Tồn kho EIA sẽ cho thấy tồn kho tiếp tục giảm, kéo dài xu hướng trong 2 tháng. Nếu kết quả thực tế tốt như kỳ vọng, giá dầu có khả năng test lại mức 77 USD/thùng trong vài phiên tới.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)