Xu hướng lình xình đi ngang có thể sẽ quay trở lại đối với giá ngô trong bối cảnh thiếu vắng thông tin
Mở cửa phiên giao dịch ngày 15/09, giá ngô tiếp tục đà tăng mạnh từ phiên tối qua và đang là mặt hàng có mức tăng lớn nhất thị trường nông sản. Trong bối cảnh các yếu tố cơ bản về nguồn cung ở Mỹ trở nên rõ ràng hơn sau báo cáo Cung – cầu tháng 9, các thay đổi về mùa vụ ở Nam Mỹ và dấu hiệu cho triển vọng nhập khẩu sắp tới của Trung Quốc sẽ là những thông tin tác động mạnh nhất và quyết định xu hướng giá thời gian tới. Tuy nhiên trong vài phiên gần đây, khi thị trường ngô đang trở nên thiếu vắng thông tin thì giá ngô nhìn chung vẫn đang duy trì xu hướng đi ngang và nhạy hơn với các mức kháng cự, hỗ trợ kĩ thuật.
Hiện tại mùa vụ ngô ở Mỹ đang bước vào đầu niên vụ 2021/22 và đây cũng là giai đoạn xuất khẩu cao điểm trong năm. Tuy nhiên, số liệu xuất khẩu gần đây nhất lại cho thấy nhu cầu của thị trường bị suy yếu đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, giá lợn hơi ở Mỹ hiện đang chạm mức thấp nhất trong 6 tháng qua do lo ngại về khả năng nhu cầu xuất khẩu của Mỹ giảm xuống và nguồn cung tăng lên.
Khánh Linh
 
Chuỗi cung ứng cà phê tại Việt Nam bị đứt gãy có thể hỗ trợ giá Robusta tiếp tục tăng
Kết thúc phiên 13/9, diễn biến trái chiều tiếp tục duy trì ở thị trường cà phê. Hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 12 Arabica giảm 0.7% còn 185.45 cents/pound, mức thấp nhất trong vòng 3 tuần. Trái lại, hợp đồng Robusta tiếp tục tăng phiên thứ 3 liên tiếp lên 2063 USD/tấn.
So với giá cà phê Arabica vốn đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các tin tức về thời tiết ở Brazil, giá Robusta được hỗ trợ tốt hơn nhờ những số liệu xuất khẩu có phần kém khả quan ở Việt Nam, quốc gia sản xuất Robusta lớn nhất thế giới.
Có thể thấy, tình hình dịch bệnh phức tạp đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng cà phê và hỗ trợ cho giá Robusta trong thời gian gần đây. Số ca nhiễm mới hàng ngày ở Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại, tuy nhiên, để kiểm soát dịch, các tỉnh sẽ vẫn duy trì các biện pháp giãn cách, và việc lưu thông hàng hóa trong nước cũng sẽ gặp nhiều khó khăn và không thể phục hồi trong ngắn hạn. Triển vọng tăng giá của cà phê Robusta vẫn còn rất sáng sủa. Tuy nhiên, khoảng cách chênh lệch giữa hai sở đang liên tục được thu hẹp trong 2 tuần gần đây, và có thể khiến cho giá Robusta giảm mạnh hơn nếu thị trường bước vào giai đoạn điều chỉnh.
Tiên Phạm
 
Dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc có thể khiến cho giá của Đồng và Bạch kim tiếp tục giảm
Kết thúc phiên 14/9, giá bạch kim giảm gần 2% còn 938.7 USD/ounce, giá đồng giảm 1% còn 4.32 USD/pound, tương đương với mức 9526 USD/tấn.
Bạch kim tuy là kim loại quý, nhưng trong thời gian gần đây, giá của kim loại này phản ứng mạnh hơn với các tin tức liên quan đến những tin tức công nghiệp. Đây là điều dễ hiểu bởi đến 40% nhu cầu tiêu thụ hàng năm của bạch kim được dành cho ngành sản xuất ô tô. Do đó, sự suy yếu nhiều của đồng USD trong phiên hôm qua không làm cho lực mua ở cả hai thị trường bạch kim và đồng mạnh lên.
Sáng nay, Trung Quốc công bố sản lượng công nghiệp tháng 8 chỉ tăng 5.3% so với cùng kì năm trước, thấp hơn so với kì vọng và là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ tháng 8/2020. Số liệu này phản ánh rõ rệt mức ảnh hưởng của biến thể Delta lên nền kinh tế Trung Quốc.
Bên cạnh đó, dịch bệnh tiếp tục bùng phát ở tỉnh Phúc Kiến, nơi có GDP cao thứ 10 của Trung Quốc, đã khiến các nhà lãnh đạo của tỉnh này thực hiện các chính sách giãn cách nghiêm ngặt trở lại.
Tiên Phạm
 
Đà tăng của giá dầu có thể sẽ sớm kết thúc khi các yếu tố hỗ trợ suy yếu
Giá dầu gặp khó khăn trong việc duy trì đà tăng bất chấp các nhận định tích cực của IEA trước sức ép từ Mỹ và Trung Quốc. Giá tăng khá mạnh trong phiên sáng, tuy nhiên đến tối mức tăng đã bị xoá sạch trước sức ép của USD và thông báo bán dầu từ kho dự trữ của Trung Quốc. Kết thúc phiên giao dịch, giá Bent tăng 0.12% lên 73.6 USD/thùng, WTI nhích nhẹ 0.01% lên 70.46 USD/thùng.
Dự báo của các tổ chức lớn cũng không thể hiện thống nhất, với tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ Financial Group kỳ vọng Brent sẽ rơi xuống vùng 64 USD/thùng trong cuối năm, trong khi Goldman Bank kỳ vọng giá sẽ bật tăng lên vùng 80 USD/thùng
Bức tranh thị trường khiến cho việc dự đoán xu hướng trong trung-dài hạn rất khó khăn. Trong ngắn hạn, khi chưa có yếu tố nào đủ mạnh để thiết lập một xu hướng mới, do đó giá có thể sẽ sớm quay trở lại giai đoạn đi ngang trong một vài phiên tới.
Sản lượng sụt giảm do thiên tai tại Mỹ và Mexico là nhân tố chính kéo giá Brent khỏi khoảng giao dịch hẹp 71-72.7 USD/thùng kéo dài suốt 10 phiên. Tuy nhiên, khi hoạt động sản xuất được khắc phục, kết hợp với việc Trung Quốc và Ấn Độ tận dụng kho dự trữ để cải thiện cân bằng cung-cầu, yếu tố này khó có thể thúc đẩy giá Brent quay lại vùng 75 USD/thùng.
Hồng Hoa