Việc các quốc gia nhập khẩu vẫn đẩy mạnh mua hàng vì lo ngại giá lúa mì sẽ tiếp tục tăng sẽ là yếu tố hỗ trợ cho mặt hàng này
Giá lúa mì mở cửa phiên sáng nay đang là mặt hàng đứng đầu mức tăng của thị trường nông sản. Trong phiên hôm qua, mặc dù vọt lên tăng mạnh theo xu hướng chung của cả nhóm nhưng mức tăng của lúa mì đã bị thu hẹp đi hơn một nửa và thậm chí còn chưa lấy lại được mức giảm của phiên trước đó. Điều này đang cho thấy lực bán ở vùng giá cao này của lúa mì vẫn rất mạnh và giá có thể sẽ biến động đi ngang trong tuần này.
Mặc dù giá lúa mì đã tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua nhưng điều này vẫn chưa tác động hạn chế lên nhu cầu. Chỉ số lạm phát của Mỹ đã tăng cao nhất trong vòng 30 năm qua đang làm gia tăng lo ngại cho các quốc gia nhập khẩu nông sản của quốc gia này.
Cú sốc lạm phát này có thể sẽ tiếp tục kéo dài và tiếp tục làm giá nông sản tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Chính vì thế nên một số quốc gia đã liên tục mua hàng trong tuần vừa qua khiến thị trường hàng thực trở nên sôi động hơn nhiều.
Khánh Linh
 
Giá cà phê Arabica có thể tăng lên mức cao nhất 10 năm trước khi điều chỉnh
Kết thúc phiên giao dịch 17/11, giá Arabica kỳ hạn tháng 03 trên sở ICE US bất ngờ tăng vọt hơn 10 cents lên mức cao nhất kể từ tháng 01/2012. Trái với dự đoán của giới phân tích, lo ngại về lạm phát khiến giới đầu cơ đẩy mạnh việc mua vào mà không cần chờ đợi bất cứ nhịp điều chỉnh nào. Vì thế việc giá có thể chạm đến vùng giá 240 cents, mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây là hoàn toàn khả thi.
Tuy nhiên, các yếu tố cơ bản và cả kỹ thuật đều cho thấy giá cà phê đang được đầu cơ quá mức. Nhiều chuyên gia cho rằng, vùng giá 240 – 250 sẽ là “overvalued” đối với giá cà phê tại thời điểm này, khi mà thời tiết đang thuận lợi tại Brazil.
Bên cạnh đấy, rủi ro Fed tăng lãi suất cơ bản có thể tác động đến giá cà phê bất cứ lúc nào và khiến giá rơi mạnh sau đó khi chi phí đầu cơ tăng cao, cũng sẽ khiến lực mua suy yếu ở vùng giá trên.
Về kỹ thuật, giá cũng bắt đầu đi vào vùng quá mua, và vượt ra ngoài cạnh trên của Bollinger Band. Nhiều khả năng giá Arabica sẽ giằng co với biên động rộng 4-5 cents quanh mức tham chiếu trong phiên hôm nay.
Tiên Phạm
 
Triển vọng nhu cầu giảm xuống trong ngắn hạn vẫn đang là yếu tố tạo áp lực lên giá đồng
Giá đồng kết thúc phiên giao dịch ngày 17/11 đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong hơn 1 tháng qua và lần đầu tiên rơi khỏi kênh xu hướng đi ngang kéo dài từ cuối tháng 10 cho tới nay. Nếu như nguồn cung thắt chặt khi dự trữ đồng ở Sở LME bất ngờ giảm xuống mức thấp nhất lịch sử là yếu tố khiến giá tăng mạnh trong nửa đầu tháng 10 thì khi lo ngại này được giải quyết phần nào sẽ tạo sức ép, khiến giá đồng quay trở về gần vùng giá trước khi tăng.
Bên cạnh đó, triển vọng nhu cầu cũng không khả quan trước các số liệu tiêu cực về ngành bất động sản ở Trung Quốc và giá nhà ở bắt đầu yếu hơn dự kiến ở Mỹ đã khiết tâm lí thị trường chuyển sang thận trọng hơn. Số liệu từ Nhật Bản cho thấy doanh số bán dây cáp đồng của nước này trong tháng 10 đã giảm 2.7% xuống còn 55,100 tấn. Mặc dù, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng lượng đồng tiêu thụ sẽ tăng lên gấp 4 lần trong vòng 30 năm nữa nhưng trong ngắn hạn, nhu cầu vẫn đang thiên về tác động bearish.
Trên góc nhìn kĩ thuật, giá đồng đang xuất hiện các tín hiệu bán khá mạnh sau khi giảm dưới hỗ trợ của khoảng tích luỹ đi ngang.
Tiên Phạm
 
Giá dầu nhiều khả năng sẽ duy trì đà giảm do áp lực lớn từ nguồn cung
Sau một thời gian dài giằng co, phe bán đã thành công trong việc đẩy giá xuống dưới vùng 80 USD/thùng. Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, giá WTI giảm 2.97% xuống 78.36 USD/thùng, giá Brent giảm 2.61% xuống 80.28 USD/thùng.
Như các phân tích chỉ ra trước đó, không còn nhiều yếu tố cơ bản để hỗ trợ cho giá dầu duy trì trên vùng 80 USD/thùng. Sản lượng dầu gia tăng trở lại không chỉ ở Mỹ mà ngay cả nội bộ các thành viên OPEC+ khiến cho lo ngại về thiếu sản lượng thấp dần. Thực tế nhìn vào chênh lệch cung - cầu dầu thô trong năm nay, chỉ có quý III thâm hụt tăng đột biến, do ảnh hưởng của các cơn bão tại Vịnh Mexico. Còn hiện tại, cân bằng thị trường trong quý IV được cho là sẽ cải thiện đáng kể, do đó không có nhiều yếu tố hỗ trợ để giá duy trì tại vùng này.
Đứng về góc độ các nhà sản xuất, giờ là lúc họ tranh thủ lợi nhuận sau 1 thời gian dài hạn chế sản lượng: Theo số liệu của Baker Hughes, số lượng giếng dầu hiện tại là 454, chỉ bằng một phần so với con số 1500-1600 thời điểm 2014 khi giá dầu cũng đang giao dịch ở vùng 80 USD/thùng.
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV