Giá ngô có khả năng sẽ lấy lại mốc hỗ trợ 600 do triển vọng mùa vụ ở Mỹ sẽ kém hơn dự kiến
Mở cửa phiên giao dịch ngày 21/07, giá ngô đã tiếp tục đà suy yếu từ 2 phiên trước đó. Tuy nhiên, diễn biến chung vẫn đang cho thấy sự giằng co và phân vân giữa bên mua và bên bán khi giá chỉ biến động ở trong khoảng giao dịch của phiên giảm đầu tiên. Xét về mặt cơ bản, thời điểm này cũng không phải là lúc mà thị trường đang kỳ vọng nhiều vào các thông tin mới có ảnh hưởng tới giá. Thay vào đó, các số liệu hàng tuần phản ánh nhu cầu, cùng với tác động của thời tiết đang dần cho thấy triển vọng cơ cấu cung cầu và tác động đáng kể tới xu hướng tiếp theo của ngô.
Trong báo cáo WASDE tháng 7, USDA đã dự báo năng suất ngô niên vụ 22/23 của Mỹ ở mức 177 giạ/mẫu, tương đương với niên vụ 21/22. Sau giai đoạn nắng nóng và hạn hán nghiêm trọng vừa qua khiến chất lượng mùa vụ liên tục giảm sút, những thiệt hại đối với cây trồng sớm từ Kentucky đến Nebraska đã khá rõ ràng. Có thể con số trên sẽ chỉ nằm trong khoảng 175 -177 giạ/mẫu. Dự báo thời tiết cho thấy một lượng mưa sẽ quay trở lại ở phía đông khu vực Midwest trong tuần tới và giảm bớt căng thẳng đối với cây trồng. Ngô đang ở trong giai đoạn phát triển quan trọng nhất nên kì vọng của thị trường vào mức độ cải thiện trong tuần sau cũng cao hơn. Tuy nhiên, nếu như độ ẩm sắp tới vẫn không đủ và không bổ sung lại được mức thâm hụt trong thời gian qua thì mức năng suất theo chúng tôi đánh giá còn có thể giảm xuống mức 172 giạ/mẫu. Nếu giả định con số này ở mức 174.5 thì sản lượng dự báo của Mỹ trong niên vụ 22/23 có thể giảm xuống 5 triệu tấn. Điều này đồng nghĩa với việc phân bố nguồn cung cho xuất khẩu cũng sẽ thắt chặt hơn.
Trong khi đó, khu vực EU với mùa vụ ngô đang trong giai đoạn nở hoa nhưng lại chịu thời tiết nắng nóng nghiêm trọng nhất trong vòng 5 năm qua. Các thông tin này đều hướng tới triển vọng nguồn cung toàn cầu thắt chặt hơn trong thời gian tới.

Arabiaca khả năng cao tiếp tục đà tăng trong phiên hôm nay nhờ ảnh hưởng từ tiến độ thu hoạch tại Brazil
Kết thúc phiên giao dịch 20/07, cà phê vẫn duy trì đà tăng từ đầu tuần, những lo ngại về nguồn cung khi tồn kho đạt chuẩn của Arabica trên Sở ICE US giảm xuống mức thấp nhất trong gần 23 năm trở lại đây, tiếp tục là nhân tố chính hạn chế lực bán.
Cooxupe, hợp tác xã sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất tại Brazil, cho biết thu hoạch cà phê tại khu vực này tính đến 18/07, đã đạt 42.78% dự kiến sản lượng, tăng so với tuần trước nhưng vẫn thấp hơn mức 43.72% cùng kỳ năm ngoái, điều này càng dấy lên lo ngại về nguồn cung cà phê khi tồn kho đạt chuẩn của Arabica trên sàn ICE US vẫn tiếp tục giảm về mức kỷ lục trong gần 23 năm. Tuy vậy, ở vùng sản xuất chính như Minas Gerais đã ghi nhận tốc độ thu hoạch ấn tượng hơn với 48.17% dự kiến.
Về mặt kỹ thuật, giá đang nằm giữa đường SMA13 và SMA34, cùng với đường MACD giao nhau với đường Signal đi ngang dưới đường 0, thể hiện xu hướng giằng co của giá. Kết hợp với thông tin cơ bản có tác động tích cực lên giá, nhiều khả năng trong phiên hôm nay, giá Arabica sẽ tăng nhẹ lên 221 USD.

Giá đồng nhiều khả năng sẽ đi ngang trong thời gian tới khi vắng bóng các tin tức cơ bản
Trong một tuần trở lại đây, giá đồng đang cho thấy xu hướng dao động với biên độ khá hẹp sau khi trượt dốc xuống mức thấp nhất trong vòng 20 tháng. Các thông tin hiện tại phần lớn đều phản ánh bức tranh không mấy khả quan cho triển vọng kinh tế, từ đó gây sức ép đối với thị trường đồng.
Mới đây, dữ liệu trên thị trường bất động sản, vốn chiếm khoảng 18% GDP của Mỹ tiếp tục cho thấy những dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Doanh số bán nhà giảm tháng thứ 5 liên tiếp xuống mức 5.12 triệu căn trong tháng 6, tương đương với mức giảm 5.4% so với tháng trước đó. Lãi suất tăng cao khiến cho các khoản vay thế chấp bất động sản trở nên đắt đỏ hơn và làm hạn chế nhu cầu mua nhà của người tiêu dùng. Tăng trưởng chậm lại trong lĩnh vực bất động sản sẽ làm gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ. Bên cạnh đó, khoảng 40% lượng cầu về đồng tại Mỹ phục vụ cho lĩnh vực xây dựng. Do đó, nhu cầu về đồng vẫn sẽ khó có thể được hỗ trợ trong thời gian tới.
Tuy nhiên, về cơ bản, các thông tin tiêu cực đã được thị trường hấp thụ và giá đồng đã liên tục chịu sức ép bán tháo trước đó. Trong khi tâm lý các nhà đầu tư đang tương đối tích cực khi xem xét các kết quả kinh doanh khả quan hơn kỳ vọng của các doanh nghiệp. Niềm tin rằng suy thoái có thể chưa đến sớm đã hạn chế đà giảm sâu của đồng như giai đoạn tháng trước.
Tối nay, tâm điểm của thị trường hướng về cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) khi lần đầu tiên tăng lãi suất sau 11 năm, nhằm bình ổn đà tăng phi mã của giá cả hàng hoá. Vào tháng trước, Chủ tịch ECB, bà Christine Lagarde khẳng định mức tăng lãi suất 25 điểm cơ bản. Tuy nhiên, theo các nguồn tin gần đây cho biết, khả năng ECB sẽ bổ sung 0.5 điểm phần trăm trong cuộc họp lần này khi mà lạm phát đang vượt kỳ vọng của thị trường. Điều này tiếp tục làm dấy lên lo ngại về tăng trưởng chậm lại đối với khu vực tiên phong trong lĩnh vực năng lượng xanh, vốn chiếm lượng lớn nhu cầu về đồng.

Giá dầu thô có thể tiếp tục giảm do sức ép kép từ triển vọng tiêu thụ giảm và các rủi ro vĩ mô
Giá dầu hiện đang tiếp tục giảm trong phiên sáng, trong bối cảnh thị trường hầu như vắng bóng các tin tức hỗ trợ cho giá.
Báo cáo của Cơ quan Quản lý Năng lượng Mỹ (EIA) tiếp tục cho thấy nhu cầu tiêu thụ xăng ở Mỹ đang suy yếu. Tồn kho xăng tăng 3.5 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 15/7, vì thế, ngay cả khi tồn kho dầu thô giảm cũng không thể thu hút sức mua cho thị trường.
Bên cạnh đó, tiêu thụ xăng trong tuần trước dù tăng lên 8.52 triệu thùng, tuy nhiên vất thấp hơn mức 9.3 triệu thùng của năm ngoái và mức trung bình 4 năm là 8.73 triệu thùng. Đây là giai đoạn tiêu thụ cao điểm mùa hè, và giá xăng đã giảm liên tiếp trong vòng 36 ngày, với một số bang giá đã giảm xuống dưới mức 4 USD/thùng, tuy nhiên những điều này là không đủ để lôi kéo nhu cầu tiêu thụ.
Có thể thấy áp lực lạm phát, đặc biệt là chi phí năng lượng đã khiến cho người tiêu dùng cắt giảm nhu cầu. Ngoài ra, sức mua trên thị trường dầu bị kiềm chế khá nhiều khi mà triển vọng tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu ngày càng kém khả quan. Các nhà phân tích tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc xuống 3.9%, do nền kinh tế thứ hai toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch bệnh.
Trong hôm nay, Ngân hàng Trung ương EU (ECB) sẽ có cuộc họp lãi suất. Nếu cơ quan này tăng lãi suất nhiều hơn mức dự báo là 0.25%, nhu cầu tiêu thụ dầu có thể sẽ còn suy yếu mạnh hơn trước những rủi ro về suy thoái của khu vực EU. Lần tăng lãi suất đầu tiên trong 11 năm có thể sẽ gia tăng thêm sự bất ổn cho mền kinh tế khu vực đồng tiền chung Euro vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng lạm phát.
Hiện nay, các yếu tố tiêu cực về nhu cầu tiêu thụ đang lấn át những lo ngại về nguồn cung, nên giá dầu có thể sẽ chưa lấy lại sắc xanh.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV