Thời tiết Nam Mỹ ổn định hơn, thị trường đang chuyển hướng chú ý đến triển vọng diện tích gieo trồng của Mỹ
Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, giá đậu tương có mức tăng khá mạnh theo đà tăng của nhóm nông sản. Tuy nhiên, mức tăng đang dần được thu hẹp khi giá đang ngày càng tiến sát hơn với mức đỉnh được thiết lập vào tháng 6 năm ngoái.
Vào cuối tháng 2 này, USDA sẽ tổ chức Diễn đàn Triển vọng Nông nghiệp năm 2022. Trong đó, số liệu về diện tích gieo trồng đậu tương dự kiến tại Mỹ sẽ có ảnh hưởng lớn đến giá và phản ánh một phần kỳ vọng của nông dân.
Lợi nhuận sẽ là yếu tố quyết định phần lớn trong giai đoạn này, khi thời tiết vẫn chưa phải là mối quan tâm và vẫn còn chưa rõ ràng. Và cụ thể, 2 động lực chính sẽ là triển vọng giá đầu ra và chi phí phân bón. Ngô và đậu tương thường trồng xen canh với nhau tại Midwest, khu vực sản xuất nông sản lớn nhất ở Mỹ. Chính vì thế nên diện tích gieo trồng 2 mặt hàng này thường có tính cạnh tranh với nhau.
Đối với chi phí, ngô là loại ngũ cốc phụ thuộc nhiều hơn khi chiếm 25% diện tích gieo trồng nhưng lại cần tới 40% lượng phân bón ở Mỹ. Chính vì thế, trong bối cảnh giá phân bón đang tăng rất mạnh trong giai đoạn vừa qua và triển vọng nhu cầu thế giới vẫn đang tăng lên, việc gieo trồng ở đậu tương chỉ tính về chi phí sẽ có lợi hơn.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Khánh Linh
 
Các tín hiệu giao dịch ở thị trường Robusta đang rõ ràng hơn so với thị trường Arabica
Kết thúc tuần vừa qua, giá hai mặt hàng cà phê đồng loạt suy yếu. Hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 3 giảm 0.7% 237.9 cents/pound, hợp đồng Robusta cùng kỳ hạn cũng đóng cửa thấp hơn 0.7% về 2213 USD/tấn. Chênh lệch giá giữa hai Sở vẫn duy trì ở mức 58% chiết khấu cho giá Robusta.
Các tin tức về triển vọng nguồn cung của niên vụ tới đều đang thuận lợi với cả hai mặt hàng cà phê, nhưng đây lại là yếu tố tiêu cực đối với giá. Giá Arabica được hỗ trợ nhiều hơn, bởi mức tồn kho trên Sở ICE US vẫn liên tục giảm mạnh, và hiện đang là 1.36 triệu bao, mức thấp nhất trong 13 tháng. Ngoài ra, các tháng sắp tới cũng chưa đến mùa xuất khẩu cao điểm của Brazil nên nguồn cung cà phê trong ngắn hạn vẫn có thể đối diện với tình trạng bị thiếu hụt.
Đối với thị trường Robusta, mức chệnh lệch lớn giữa hai Sở có thể coi là yếu tố duy nhất hỗ trợ cho giá trong ngắn hạn, bởi nguồn cung trên thế giới sẽ được bổ sung từ sản lượng vừa thu hoạch của Việt Nam. Tuy nhiên, theo số liệu của Cục Thống kê Đồng Nai, tính đến cuối năm 2021, tổng diện tích cây cà phê trên địa bàn Đồng Nai chỉ còn hơn 7,000 ha, giảm gần 1,400 ha so với năm ngoái.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Thị trường đồng có thể không biến động quá mạnh trong bối cảnh các nhà đầu tư e ngại rủi ro
Giá đồng lần đầu tiên đóng cửa tuần trên mức 4.5 USD/pound kể từ giữa tháng 10/2020. Thị trường hầu như không có các tin tức để hỗ trợ nhưng giá đồng vẫn nhận được lực mua rất lớn. Các nhà đầu tư đang kỳ vọng lớn vào triển vọng của thị trường đồng bởi đây vẫn là nguyên liệu quan trọng đối với các ngành năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, việc kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán và kỳ Thế Vận hội mùa đông đang đến gần có thể khiến cho các hoạt động sản xuất và các hoạt động vận chuyển bị đình trệ. Nguồn cung đồng trên toàn cầu cũng không đối mặt với những áp lực quá lớn.
Mức tồn kho trên Sở LME tăng lên gần 100,000 tấn và là mức cao nhất trong vòng 3 tháng. Lượng đồng dự trữ ở các tỉnh lớn ở Trung Quốc giảm 3,500 tấn nhưng lượng đồng ở khu vực ngoại quan tăng lên gần 8,000 tấn. Đây cũng là tuần làm việc cuối cùng của các nhà máy ở Trung Quốc nên mức tồn khó có thể tiếp tục tăng lên.
Vắng bóng các tin tức có tính đột phá về cung cầu, giá đồng sẽ phản ứng với các yếu tố vĩ mô và chuyển động liên thị trường trong phiên giao dịch tối.
 

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Giá dầu có thể tiếp tục điều chỉnh trong phiên hôm nay cho đến khi phe mua có tín hiệu mới
Giá dầu tăng tuần thứ 5 liên tiếp và chạm mức đỉnh 7 năm trong tuàn vừa rồi khi các căng thẳng địa chính trị lên cao. Cụ thể, giá WTI tháng 3 tăng 2.09% lên 84.14 USD/thùng trong khi giá Brent tháng 4 tăng 2.03% lên 87.08 USD/thùng.
Các quỹ tiếp tục gia tăng vị thế mua ròng dầu thô trong tuần vừa rồi, phần nào thể hiện quan điểm chủ đạo trên thị trường hiện tại là giá dầu còn khả năng sẽ tiếp tục tăng. Với việc căng thẳng giữa NATO và Nga ngày càng leo thang cộng với bất ổn tiềm tàng tại Trung Đông kịch bản này tương đối khả thi.
Rủi ro chiến tranh luôn có tác động lớn tới tâm lý thị trường và lịch sử đã chứng minh các cuộc chiến tại tranh như tại Iraq, Iran những năm 1970-1980 hay chiến tranh tại Libya năm 2011-2012, dù sản lượng dầu thô thế giới thực tế không sụt giảm quá mạnh, tuy nhiên lại tạo ra tâm lý sợ hãi lớn trên thị trường.
Tương tự, hiện tại dù cán cân cung – cầu thực tế không chênh lệch quá lớn, và thậm chí nguy cơ dư cung vẫn còn, giá dầu vẫn đạt trên 80 USD/thùng, do rủi ro chiến tranh. Tuy vậy, tại vùng giá này, dầu thô nhiều khả năng diễn ra các phiên điều chỉnh nhẹ, cho đến khi có các tín hiệu rõ ràng hơn.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV