Giá lúa mì vẫn ở trong xu hướng đi ngang do tác động trái chiều của nguồn cung
Lúa mì phiên hôm qua đi ngược lại với diễn biến của 2 mặt hàng ngũ cốc còn lại khi lực bán vẫn chiếm ưu thế mặc dù giá vẫn được hỗ trợ mạnh ở mức chặn dưới 623 của vùng nền tích luỹ trước đó. Mở cửa sáng nay, đà giảm vẫn đang được duy trì do áp lực từ xu hướng chung của các mặt hàng nông sản.
Ở Mỹ, lúa mì vụ xuân mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do hạn hán nhưng giai đoạn thu hoạch đang được tiến hành nhanh chóng và thuận lợi. Trong khi đó, lúa mì vụ đông cũng sắp bước vào giai đoạn gieo trồng và thường bắt đầu vào tuần đầu tiên của tháng 9. Lượng mưa đáng kể do những cơn bão gần đây mang lại ở Mỹ sẽ giúp tăng độ ẩm đất và tạo điều kiện thuận lợi trước khi hoạt động gieo trồng diễn ra. Điều này sẽ tạo áp lực nhẹ lên giá lúa mì.
Trong khi đó, triển vọng nguồn cung thắt chặt ở các nước khác vẫn đang hỗ trợ cho giá lúa mì. Cục Thống kê Canada sẽ công bố báo cáo sản lượng lúa mì vụ tiếp theo vào thứ 2, ngày 30/08. Trước đó, các nhà phân tích ước tính toàn bộ sản lượng lúa mì của Canada ở mức 22.6 triệu tấn, thấp hơn đáng kể so với tổng số 35 triệu tấn trong năm ngoái. Bên cạnh nguồn cung sụt giảm ở Canada, sản lượng lúa mì ở Nga bị thiệt hại nặng nề khiến cho giá nội địa tăng vọt trong tháng 8 cũng là yếu tố bullish đối với giá. nề.
Khánh Linh
 
Diễn biến dịch bệnh phức tạp trên toàn cầu có thể tiếp tục hỗ trợ cho giá Cà phê tăng trong hôm nay
Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/8, giá Cà phê trên hai Sở đồng loạt bứt phá. Hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 12 tăng 2.14% lên 185.75 cents/pound, hợp đồng Robusta đóng cửa với mức tăng 3.1% lên 1971 USD/tấn. Khoảng cách giữa hai Sở được thu hẹp lại còn 52% chiết khấu cho giá Robusta.
Nếu như trong đợt tăng giá vì sương giá trước đây, giá Arabica tăng mạnh và kéo theo giá Robusta, thì giờ đây, giá Robusta mới là điểm sáng của thị trường cà phê và thúc đẩy giá Arabica cùng bật tăng.
Đối với thị trường cà phê, yếu tố thời tiết thường là chất xúc tác mạnh mẽ nhất đối với thị trường. Tuy nhiên, hiện tại, thị trường cà phê đang phải đối mặt với rất nhiều rủi ro đến từ đại dịch Covid-19. Đây là biến số lớn, không thường xuất hiện trong lịch sử, vì thế tác động của sự kiện này lên giá cũng sẽ gây bất ngờ với các nhà đầu tư. Hiện nay, các hoạt động sản xuất Robusta ở Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn và làm có thể làm sụt giảm nguồn cung cà phê trên toàn cầu. Tình trạng thiếu hụt containers, và tắc nghẽn hàng ở các cảng biển vẫn là một yếu tố hỗ trợ cho giá Robusta. Bên cạnh đó, bài toán ứng phó với đại dịch Covid-19 vẫn chưa có lời giải, và mặc dù các nước đã đạt được những tiến độ tiêm chủng nhất định, nhưng các biến thể mới liên tục hình thành cũng gia tăng thêm nhiều lo ngại cho các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh lại là yếu tố hỗ trợ rất tốt cho giá Robusta bởi giãn cách và xu hướng làm việc tại nhà sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ loại cà phê này. Do đó, khi giá Robusta tăng mạnh, giá Arabica cũng sẽ được hưởng lợi.
Tiên Phạm
 
Xu hướng giảm vẫn được duy trì ở thị trường kim loại
Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/8, giá hai mặt hàng kim loại quý diễn biến trái chiều. trong khi giá Bạc tăng nhẹ 1% lên 23.89 USD/ounce, giá Bạch kim giảm 0.4% còn 1010 USD/ounce.
Mức tăng giảm của phiên hôm qua không quá đáng kể ở cả hai thị trường trong bối cảnh không có tin tức cơ bản nào có khả năng ảnh hưởng mạnh lên giá. Tâm điểm của giới đầu tư vẫn hướng về hội nghị Jackson Hole vào thứ 5 tuần này nhằm tìm kiếm các tín hiệu thay đổi chính sách tiền tệ từ FED và các Ngân hàng Trung ương khác trên thế giới.
Các số liệu khảo sát mới đây ở Mỹ cho thấy các hoạt động công nghiệp ở nước này đang có dấu hiệu chậm lại trong tháng 8 do bị ảnh hưởng bởi sự lây lan của của biến thế Delta. Công ty IHS Markit công bố khảo sát các nhà quản lý mua hàng ở Mỹ cho thấy chỉ số hoạt động nhà máy ở Mỹ giảm xuống 61.2 điểm, mức thấp nhất trong 4 tháng.
Nếu nền kinh tế vẫn hồi phục yếu kém trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, FED sẽ chưa cắt giảm các chương trình mua tài sản trong cuộc họp tháng 9 sắp tới và sức ép của đồng USD lên thị trường kim loại sẽ được giảm bớt. Tuy nhiên, nhu cầu sản xuất giảm sẽ gây áp lực lên giá của Bạch kim và Đồng.
Tiên Phạm
 
Giá Brent gia tăng khoảng cách với WTI trước sức ép sản lượng tại Mỹ
Giá dầu tiếp tục tăng mạnh ngày hôm qua với giá WTI tăng 2.89% lên 67.54 USD/thùng và giá Brent tăng 3.35% lên 71.05 USD/thùng nhờ triển vọng nhu cầu dần phục hồi trong khi sản lượng suy giảm.
Chênh lệch giữa Brent và WTI tiếp tục tăng dần lên 3.51 USD – mức cao nhất kể từ cuối tháng 4, nguyên nhân là do sản lượng dầu tại Mỹ tăng nhanh hơn so với dự báo trước đó. Theo số liệu mới nhất của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ EIA, sản lượng dầu đã tăng tuần thứ 2 liên tiếp lên 11.4 triệu thùng/ngày – tăng 100,000 so với tuần trước đó. Trong khi đó, Chính quyền Biden cho biết họ sẽ thực hiện lại chương trình cho thuê dầu khí trên đất của liên bang trong tuần tới. Các giấy tờ của toà án cho thấy một cuộc đấu giá sẽ được tổ chức ở Vịnh Mexico ngay vào tháng 10. Thông tin này kết hợp với tồn kho xăng dầu giảm thấp hơn kỳ vọng khiến cho giá dầu chịu áp lực trong phiên sáng.
Mặt khác, tại châu Á, dịch bệnh COVID-19 đang khiến cho tồn kho các sản phẩm lọc dầu tăng lên. Kết hợp với hạn ngạch xuất khẩu thấp và các quy định thuế phí mới tại Trung Quốc, số lượng dầu trữ trên các tàu ngoài khơi Singapore, Malaysia và Trung Quốc đạt 62 triệu thùng – gần mức đỉnh 3 tháng, theo dữ liệu Kpler – đơn vị cung cấp thông tin năng lượng.
Hồng Hoa