Đà hồi phục của đậu tương có thể sẽ bị hạn chế ở vùng kháng cự tâm lí 1400 trong phiên hôm nay
Mở cửa phiên giao dịch ngày 27/07, đà hồi phục mạnh mẽ trong suốt 3 phiên giao dịch vừa qua của đậu tương đang có dấu hiệu chững lại khi giá chỉ giằng co quanh mức tham chiếu. Lực mua được đẩy mạnh kể từ cuối tuần trước chủ yếu xuất phát từ những lo ngại về hạn hán sẽ tiếp diễn tại Midwest và đe doạ đến năng suất đậu tương Mỹ. Tuy nhiên, giá đã quay trở lại vùng đỉnh trước đó ở vùng 1395 được thiết lập vào giữa tháng 7 nên sẽ chịu áp lực bán ngắn hạn.
Yếu tố quan trọng nhất quyết định xu hướng giá trong trung hạn vẫn đang thiên về tác động “bullish”. Thời tiết sẽ được cải thiện trong tuần này nhưng dự báo vẫn sẽ kém khả quan kể từ đầu tháng 8. Mặc dù dự báo vẫn chưa rõ ràng vì trong khung thời gian khá dài nhưng nếu như mưa xuất hiện trong giai đọan này sẽ hỗ trợ đáng kể cho cây trồng nên lực bán sẽ được thúc đẩy mạnh hơn. Còn nếu trong trường hợp tình hình vẫn duy trì khô hạn thì chúng tôi vẫn cho rằng giá cũng sẽ khó có thể tăng mạnh mà chỉ giằng co quanh mức 1400.
Tại Brazil, mặc dù vừa xong giai đoạn thu hoạch đậu tương với nguồn cung có sẵn đang dồi dào và mức giá cạnh tranh nhưng xuất khẩu từ nước này vẫn không được đẩy mạnh. Hiệp hội Xuất khẩu Ngũ cốc Brazil (ANEC) đã giảm dự báo xuất khẩu đậu tương của Brazil trong tháng 07 xuống còn 7.39 triệu tấn, từ mức 7.79 triệu tấn trong báo cáo tuần trước. Nếu so sánh với năm ngoái, tình hình xuất khẩu năm nay của Brazil rõ ràng có sự suy yếu rõ rệt. Giai đoạn xuất khẩu cao điểm năm nay chỉ đạt mức hàng tháng cao nhất là 13 triệu tấn vào tháng 3 và suy yếu dần. Mặc dù mức giảm này phản ánh những thiệt hại về sản lượng nhưng chủ yếu đến từ việc nhu cầu tiêu thụ suy yếu của Trung Quốc. Nếu vậy, xuất khẩu từ Mỹ sẽ càng trở nên cạnh tranh hơn và đây sẽ là yếu tố hạn chế đà tăng đối với giá đậu tương.

Bông và đường nhiều khả năng tiếp tục diễn biến trái chiều, khi bông nhận được sự hỗ trợ từ lo ngại nguồn cung tại Mỹ
Kết thúc phiên giao dịch 26/07, bông và đường diễn biến trái chiều nhau, trong khi bông có phiên khởi sắc thứ 2 trong tuần, đường giữ nguyên đà giảm 5 phiên trước đó với mức giá thấp nhất trong vòng 1 năm qua, dưới ảnh hưởng từ giá dầu suy giảm.
Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF), cắt giảm triển vọng kinh tế toàn cầu từ 3.6% xuống 3.2%, đây là lần điều chỉnh thứ 3 trong năm của tổ chức này, trước bối cảnh lạm phát và lãi suất gia tăng. Việc điều chỉnh giảm tập trung vào 2 nền kinh tế lớn, trong đó, Trung Quốc được kỳ vọng sẽ giảm 1.1%, làm gia tăng lo ngại về việc giảm nhu cầu nhập khẩu bông từ nước này và gây áp lực lên giá.
Những lo ngại về thời tiết khô nóng tại Texas sẽ ảnh hưởng xấu đến chất lượng mùa vụ bông tại Mỹ đã được phản ảnh trong báo cáo Crop Progess mới nhất, do Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố vào hôm qua. Tỷ lệ tốt – tuyệt vời tại bang này giảm 4% so với tuần trước, bằng với mức giảm trung bình của cả nước. Đồng thời, với mức giảm như trên, tỷ lệ tốt – tuyệt vời đang ở mức 34%, thấp nhất từ đầu năm đến nay, cũng như kỷ lục so với cùng kỳ 5 năm gần nhất. Đặc biệt, thời tiết tiết khắc nghiệt được dự báo vẫn tiếp tục trong tuần này tại Texas, khiến cho lo lắng về suy giảm nguồn cung trở nên sâu sắc, từ đó tác động tích cực lên giá.

Giá đồng có thể tiếp tục giằng co chờ đợi hướng đi mới sau cuộc họp của FED vào đêm nay
Đồng liên tục giằng co quanh mức giá 3.40 USD/pound trong bối cảnh các nhà đầu tư thận trọng trước cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ diễn ra vào đêm nay.
Đà tăng của thị trường đồng trong các phiên giao dịch gần đây được hỗ trợ chủ yếu bởi kỳ vọng về sự hồi phục của thị trường Trung Quốc. Theo đó, người đứng đầu thị trường chiến lược hàng hoá tại Ngân hàng Quốc tế Trung Hoa ở London cho biết, trong tuần này, các ngân hàng chính sách của Trung Quốc đã bắt đầu vòng đầu tiên của các dự án đầu tư mới. Kỳ vọng về sự tăng tốc của các dự án cơ sở hạ tầng dường như đang thúc đẩy niềm tin của thị trường và cho thị trường đồng tín hiệu tích cực sau khi rơi xuống mức giá thấp nhất trong vòng 20 năm.
Ngoài ra, dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy lợi nhuận công nghiệp tháng 6 đã tăng 0.8% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng lần đầu tiên kể từ tháng 3 khi mà tình hình dịch bệnh Covid-19 tại các thành phố lớn cho thấy dấu hiệu cải thiện.
Tuy nhiên, là thước đo sức khoẻ của nền kinh tế, giá đồng đang phải đối mặt với các rủi ro vĩ mô, mà gần nhất là mức tăng lãi suất của FED trong đêm nay. Công cụ theo dõi lãi suất FedWatch của CME Group đang cho thấy có khoảng 75% ý kiến cho rằng FED sẽ tăng 75 điểm cơ bản, trong khi số còn lại đặt cược vào mức tăng 1 điểm phần trăm. Nhiều khả năng 0.75 điểm phần trăm sẽ được bổ sung vào đêm nay, khi mà FED có thể còn đợt nâng lãi suất vào tháng 9 sắp tới và cần thời gian để tiếp tục theo dõi biến động của thị trường. Mức lãi suất cao hơn khiến cho nhà sản xuất và người tiêu dùng phải thu hẹp chi phí và chi tiêu của mình, gây áp lực tới nhu cầu về đồng. Tuy nhiên, trong kịch bản này, giá đồng nhiều khả năng sẽ không sụt giảm quá mạnh do mức tăng không nằm ngoài dự đoán của thị trường. Hơn nữa, tại thị trường tiêu thụ đồng lớn nhất trên thế giới, Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực khôi phục nền kinh tế và điều này sẽ là yếu tố ngăn cản đà giảm sâu của giá đồng trong thời gian tới.

Dầu thô phục hồi trong phiên sáng, tuy nhiên nhiều khả năng sẽ chịu sức ép do cuộc họp của Fed
Giá dầu phục hồi nhẹ trong phiên sáng, khi thị trường đón nhận thông tin tích cực về tồn kho xăng dầu giảm tại Mỹ.
Nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu giảm tại Mỹ trong tháng 7, bất chấp cao điểm giao thông đã và đang là lo ngại lớn của các nhà đầu tư nắm giữ vị thế mua, đặc biệt khi các cuộc khảo sát gần đây cho thấy độ tự tin của người tiêu dùng Mỹ nói chung đang ở mức thấp, và đặc biệt là xu hướng cắt giảm chi tiêu cho chi phí đi lại, theo khảo sát của AAA, bất chấp giá xăng tại Mỹ đã liên tục giảm.
Do đó, việc tồn kho thương mại giảm trong tuần vừa rồi là tín hiệu đáng mừng cho nhiều nhà đầu tư, đặc biệt khi giá WTI hiện vẫn đang ở dưới mức 100 USD/thùng. Con số tồn kho dầu thô giảm 4 triệu, cao hơn đáng kể so với kỳ vọng 1 triệu thùng của Reuters đang là yếu tố chính hỗ trợ lực mua, bất chấp Mỹ đã nâng con số bán từ kho dự trữ chiến lược từ 180 triệu thùng trong năm nay lên 200 triệu thùng.
Ngày hôm nay, thị trường sẽ chờ đợi kết quả thông báo lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed. The CME Watchtool, khoảng 75% thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm phần trăm lên 2.25-2.5% trong đêm hôm nay. Ngoài ra thị trường cũng sẽ chờ đợi thêm manh mối cho các đợt tăng lãi suất khác trong năm. Từ kết quả cuộc họp tháng 6, giới phân tích cho rằng lãi suất cuối năm sẽ đạt 3.5%, tuy nhiên nếu Chủ tịch Powell đưa ra tín hiệu Fed sẽ mạnh tay hơn trong các lần họp tới, tâm lý thị trường sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực, khiến dòng tiền quay về các tài sản trú ẩn và gây áp lực bán cho giá dầu.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV