Giá ngô quay đầu giảm, kết thúc chuỗi 6 phiên tăng

Kết thúc phiên giao dịch 27/04, giá ngô hợp đồng tháng 7 bất ngờ giảm 0.46% sau 6 phiên tăng liên tục, xuống mức 654.50 cents/giạ. Đây là một phiên rung lắc mạnh khi có lúc giá hợp đồng ngô tháng 5 đã tăng lên chạm mức limit up mở rộng là 40 cents. Tuy nhiên, càng về giữa và cuối phiên, lực bán càng ngày được nâng cao kéo theo giá giảm mạnh do tâm lý chốt lời của giới đầu cơ khi ngày thông báo đầu tiên - First Notice Day (FND) của hợp đồng ngô tháng 5 đang tới gần.

Theo số liệu mới nhất trong báo cáo Daily Export Sales của Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA), 101,600 tấn ngô đã được bán cho một nước giấu tên. Thông tin này cùng với lực mua kĩ thuật ở mốc 650 đã giúp giá ngô không giảm quá sâu trong phiên hôm qua. Thêm vào đó, dự báo thời tiết khô hạn sẽ tiếp tục kéo dài tại khu vực gieo trồng ngô vụ 2 ở Brazil, và nhu cầu thế giới tăng lên trong công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi và sản xuất nhiên liệu sinh học vẫn là những yếu tố hỗ trợ cho giá ngô trong dài hạn. Phiên giảm hôm qua có thể là nhịp điều chỉnh để tạo nền cho mặt bằng giá mới sau chuỗi tăng liên tục của ngô trong thời gian qua.

Những phiên biến động mạnh với biên độ rộng trong vài ngày vừa qua đã làm không ít nhà đầu tư hồi hộp. Việc giá ngô biến động bất ngờ và khó lường đã đặt ra câu hỏi đặt ra cho giới phân tích là khi nào thì giá ngô sẽ bình ổn trở lại. Trong ngắn hạn, giá ngô nhiều khả năng vẫn sẽ duy trì được xu hướng hiện tại và có thể ổn định hơn sau ngày 30/04 - ngày FND của hợp đồng tháng 5, khi mà giới đầu cơ đã thanh lí vị thế mua của mình và áp lực bán sẽ giảm bớt.

Ngoài ra, với thị trường nông sản, nông dân sẽ thường có 3 chu kỳ chính để tận dụng lợi thế của việc định giá cây trồng: lập kế hoạch năm sau, gieo trồng và thu hoạch. Trong đấy, giai đoạn gieo trồng thường sẽ đi kèm với nhiều rủi ro khó kiểm soát, đặc biệt là tác động từ thời tiết khắc nghiệt. Bên cạnh đó, giá ngô tăng lên trong thời gian vừa qua phần lớn là do áp lực từ nguồn cung toàn cầu đang bị thắt chặt. Chính vì thế, khi mà những nghi ngờ về nguồn cung toàn cầu được làm rõ sau giai đoạn gieo trồng mùa vụ ngô Mỹ thì giá ngô nhiều khả năng bình ổn hơn.

 

Mức giảm mạnh của nông sản có thể tác động tiêu cực đến giá đường và cà phê

Kết thúc phiên giao dịch 27/04, giá đường và cà phê đồng loạt tăng rất mạnh. Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ở cả Brazil lẫn Ấn Độ, các quốc gia xuất khẩu cà phê và đường hàng đầu thế giới gây ra lo ngại về gián đoạn nguồn cung toàn cầu trong thời gian tới, vẫn là yếu tố hỗ trợ chính cho giá các mặt hàng này.

Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 7 trên sàn ICE US tăng mạnh 1.78% lên mức 145.90 cent/pound. Nông dân Brazil hiện tại đã bán hơn 90% sản lượng của niên vụ 20/21, và hơn 30% sản lượng của niên vụ 21/22. Lượng hàng có sẵn không nhiều, cũng như các hoạt động thương mại không được tập trung khi gần đến thu hoạch khiến lực bán suy yếu rõ rệt.

Mặc dù không chịu áp lực của ngày First Notice Day giống như nông sản, nhưng mức sụt giảm mạnh của nhóm này có khả năng sẽ tác động tiêu cực đến các mặt hàng công nghiệp trong phiên hôm nay và cản lại đà tăng. Tuy nhiên xu hướng chính trong dài hạn vẫn đang thiên về “bullish”.

Về mặt kỹ thuật, mức kháng cự tiếp theo của Arabica sẽ là vùng giá tâm lý quan trọng 150 cents, cũng trùng với đường Fibo 361.8%. MXV News dự đoán, giá hoàn toàn có thể chạm đến mức này trong thời gian tới trước khi có sự điều chỉnh.

 

Giá kim loại quý giảm điểm mạnh trong hôm nay trước thềm cuộc họp FOMC

Kết thúc ngày giao dịch 27/4, tất cả các mặt hàng kim loại được giao dịch trên Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam tiếp tục cho thấy sắc xanh. Trong đó, giá bạc tăng 0.77% lên mức 26.41 USD/ounce, còn giá bạch kim tăng 0.35% lên mức 1249.5 USD/ounce.

Đồng USD bất ngờ quay đầu tăng điểm, khi chỉ số Dollar Index hồi phục lên mức 90.91 điểm, kéo giá vàng thế giới giảm điểm ở cuối phiên. Bên cạnh đó, việc Hoa Kỳ công bố chỉ số niềm tin tiêu dùng tăng điểm, vượt mức dự đoán của giới phân tích cũng làm giảm sức hấp dẫn của các mặt hàng kim loại quý, vốn phụ thuộc nhiều vào nhu cầu trú ẩn của nhà đầu tư.

Trong phiên hôm nay, MXV News dự đoán rằng giá bộ đôi kim loại quý sẽ giảm mạnh trước sự hồi phục của đồng USD và tâm lý chần chừ của giới đầu tư trước khi cuộc họp Ủy ban thị trường mở (FOMC) kết thúc.

Theo đó, cuộc họp FOMC, tổ chức bởi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed,) sẽ kéo dài trong 2 ngày kể từ tối hôm nay theo giờ Việt Nam. Đây là cuộc họp được kì vọng sẽ chứng kiến các nhà hoạch định chính sách công bố duy trì quan điểm rằng lãi suất cho vay sẽ không tăng cho tới năm 2024, và thời điểm này là quá sớm để công bố chương trình mua tài sản trị giá 120 tỉ USD, hay còn gọi là hoạt động nới lỏng định lượng.

Có thể nói, thị trường kim loại quý phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến cuộc họp FOMC ở thời điểm hiện tại. Mặc dù vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng giá kim loại quý vẫn có thể tăng điểm, nếu những phát biểu của chủ tịch Fed Jerome Powell về triển vọng phát triển kinh tế Hoa Kỳ trong tương lai không kích hoạt xu hướng bán tháo trái phiếu của giới đầu tư.

 

Giá dầu tăng nhờ triển vọng lạc quan của OPEC, thị trường chờ đợi báo cáo của EIA

Kết thúc phiên hôm qua, dầu thô tăng giá nhờ OPEC+ giữ nguyên quan điểm tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm nay bất chấp diễn biến COVID tiêu cực tại Ấn Độ. Cụ thể, dầu WTI tăng 1.66% lên 62.94 USD/thùng, dầu Brent tăng 1.17% lên 66.42 USD/thùng.

Tối qua, Ủy ban Giám sát chung cấp bộ trưởng JMMC đề xuất giữ các chính sách phục hồi sản lượng mà nhóm đưa ra trước đó. OPEC+ cũng hủy cuộc họp cấp bộ trưởng ngày hôm nay, thay vào đó nhóm đặt lịch họp mới vào ngày 1/6 để giám sát thị trường và đưa ra quyết định sản lượng trong tháng 7 và 8. Như vậy, trong tháng 5 này, OPEC+ sẽ tăng sản lượng thêm 350.000 thùng/ngày và Saudi sẽ phục hồi 250.000 thùng/ngày từ mức cắt giảm tự nguyện 1 triệu thùng/ngày. Như vậy, nhóm vẫn giữ quan điểm lạc quan về triển vọng nhu cầu dầu mỏ nửa cuối năm 2021. Theo báo cáo của OPEC, dự kiến dự trữ dầu thương mại của OECD trong tháng 7 sẽ giảm xuống còn 2.95 tỉ thùng trong tháng 7, rơi xuống dưới mức trung bình giai đoạn 2015-2019, trong khi dự trữ trong cả năm 2021 thấp hơn 70 triệu thùng so với giai đoạn. Trước đó, nhóm kỳ vọng dự trữ năm 2021 thấp hơn 20 triệu thùng so với giai đoạn.

Tuy nhiên, đà tăng của giá bị hạn chế bởi diễn biến COVID nghiêm trọng tại Ấn Độ. Theo Bloomberg ước tính, mức tiêu thụ dầu diesel và xăng của Ấn Độ trong tháng 4 có thể giảm tới 20% so với tháng 3 khi nhu cầu di chuyển tại các thành phố lớn giảm mạnh. Nhiều khả năng nhu cầu sẽ giảm mạnh hơn trong tháng 5 khi chính quyền Ấn Độ chưa có các biện pháp hữu hiệu để kiềm chế dịch. Trong tháng 3 vừa rồi Ấn Độ tiêu thụ 7.22 triệu tấn diesel và 2.74 triệu tấn xăng, do đó mức giảm 20% trở lên sẽ tương đương giảm 2 triệu tấn nhu cầu nhiên liệu. Với hệ số 7.41 thùng dầu = 1 tấn, sản lượng tăng thêm của OPEC sẽ rơi vào khoảng 2.43 triệu thùng dầu thô. Trong khi đó, số liệu của Viện Dầu khí Mỹ API 3h30 sáng nay cho thấy tồn kho dầu kho dầu thương mại Mỹ tăng 4.3 triệu thùng trong tuần vừa rồi, lớn hơn nhiều so với dự báo 0.7 triệu thùng giới phân tích đưa ra trước đó. Điều này cho thấy nhu cầu dầu của Mỹ trong tuần vừa rồi chưa phục hồi như mức kỳ vọng, có khả năng xảy ra dư cung trong ngắn hạn.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam