Giá ngô tiếp tục giảm do áp lực bán trước ngày FND

Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/04, giá hợp đồng ngô tháng 7 tiếp tục giảm 1.6%, về mức 644.00 cents/giạ. Đây đã là phiên điều chỉnh thứ 2 sau chuỗi tăng liên tục của ngô. Vừa bước vào phiên giao dịch buổi sáng, giá ngô đã giảm mạnh 25 cents. Tuy nhiên, càng về giữa và cuối phiên, lực mua dần mạnh hơn đã hỗ trợ giá ngô. Đợt tăng vừa rồi của ngô đã chứng kiến sự tăng vọt của thanh khoản, số lượng hợp đồng khớp lệnh lên mức kỉ lục cho thấy tâm lí hào hứng của giới đầu cơ trên thị trường. Chính vì thế, khi ngày thông báo đầu tiên - First Notice Day (FND) của hợp đồng ngô tháng 5 đang tới gần, giá ngô càng chịu áp lực lớn hơn từ đợt bán chốt lời và thanh lí vị thế.

Theo thông tin của hãng tư vấn APK-Inform, tồn kho ngô cuối niên vụ 2020/21 của Ukraine có thể đạt 2.7 triệu tấn, sẽ cao hơn 70% so với niên vụ trước. Bên cạnh đó, trong vài ngày tới, dự báo thời tiết sẽ có mưa xuất hiện tại các bang phía nam khu vực gieo trồng ngô chính của Mỹ sau đợt khô hạn kéo dài vừa qua, cũng giúp giảm bớt các lo lắng về mùa vụ và tạo áp lực lên giá.

Ngược lại, theo báo cáo của Cơ quan thông tin năng lượng Hoa Kỳ – EIA, sản lượng ethanol của Mỹ tuần kết thúc ngày 23/04 đạt 945 nghìn thùng, cao hơn so với tuần trước đó. Số liệu này cho thấy nhu cầu ethanol đang tăng lên, kéo theo nhu cầu về ngô cũng tăng. Ngoài ra, ở Mexico, tình trạng hạn hán đã gây thiệt hại tới mùa vụ, đặc biệt là tại Sinaloa, bang sản xuất ngô lớn nhất nước này, khiến cho mức sản lượng ngô dự kiến của bang này giảm từ 5.4 triệu tấn xuống 4.85 triệu tấn. Những thông tin này cũng đã giúp hạn chế đà giảm của ngô trong phiên hôm qua.

Hiện nay, hầu hết các lo ngại về nguồn cung hay thời tiết đều đã phản ánh vào đợt tăng giá trước đó. Những phiên rung lắc mạnh với biên độ lớn gần đây của giá ngô phần lớn là do hành động của giới đầu cơ trước ngày FND và 2 phiên giảm với khối lượng giao dịch tăng vọt đã phản ánh tâm lí lo lắng của nhà đầu tư sau chuỗi tăng giá liên tục của ngô. Sau ngày FND, thị trường có thể sẽ ổn định hơn và chờ đợi các số liệu ước tính cụ thể về thiệt hại năng suất để có bức tranh hoàn thiện hơn về nguồn cung mùa vụ năm nay.

 

Các chỉ số kinh tế tích cực có thể hỗ trợ giá đường và cà phê trong hôm nay

Kết thúc phiên giao dịch 28/04, giá Robusta tiếp tục tăng nhẹ, thu hẹp khoảng cách chênh lệch với giá Arabica khi mặt hàng này hầu như không đổi. Trong khi đó, đường tiếp tục là mặt hàng có mức biến động mạnh nhất trong nhóm công nghiệp, với mức giảm lên đến hơn 3%.

Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 7 trên sàn ICE US giảm duy nhất 0.05 cents, về mức 145.85 cent/pound. Giá có gapdown ngay đầu phiên do ảnh hưởng tiêu cực từ mức giảm mạnh của nhóm nông sản. Tuy nhiên lo ngại về nguồn cung khi thời tiết vẫn đang thiếu mưa ở các vùng trồng cà phê chính của Brazil đã kéo giá tăng trở lại ngay sau đó.

Trong hôm nay, thị trường sẽ chờ đợi các số liệu về GDP quý I của Mỹ cùng với số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu. Dự đoán trung bình về GDP hiện đang ở mức 6.1%, tăng đáng kể so với 4.3% trong quý IV/2020. Các số liệu tích cực về kinh tế có thể tiếp tục hỗ trợ giá cà phê trong thời gian tới.

Về mặt kỹ thuật, nhiều khả năng giá vẫn sẽ hướng đến mức kháng cự tâm lý 150 cents, trùng với đường Fibo 361.8% trước khi có sự điều chỉnh.

 

Giá bạc sẽ hồi phục trở lại khi thị trường kì vọng vào sự công bố của các chỉ số kinh tế vĩ mô

Kết thúc phiên giao dịch 28/4, hầu hết các mặt hàng kim loại được giao dịch tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam đều cho thấy sắc đỏ. Trong đó, giá bạc giảm mạnh 1.23%, kết phiên xuống mức 26.085 USD/ounce, ngược chiều với giá vàng thế giới.

Đồng USD đảo chiều giảm trong phiên hôm qua, khi chỉ số Dollar Index đóng cửa xuống còn 90.61 điểm. Mặt khác, các chỉ số chứng khoán chính của Hoa Kỳ cũng đồng loạt giảm nhẹ khi Fed giữ nguyên lãi suất và ám chỉ tiếp tục nới lỏng tiền tệ, bất chấp kinh tế và lạm phát tăng tốc.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày trong rạng sáng hôm nay. Theo đó, Fed cho thấy một cái nhìn lạc quan về triển vọng phát triển kinh tế Mỹ, thừa nhận rằng lạm phát đang tăng tốc, nhưng vẫn giữ nguyên lãi suất gần 0% ở thời điểm hiện tại.

Đây được đánh giá là một động thái khá bất ngờ của Fed, khi mà cơ quan này trong những cuộc họp thời gian qua luôn phủ nhận về sự gia tăng của lạm phát, đồng thời cũng cho rằng tỉ lệ lạm phát vẫn được kiểm soát chặt chẽ và hợp lý. Bên cạnh đó, Fed cho biết sẽ tiếp tục duy trì lập trường nới lỏng tiền tệ, trong bối cảnh số liệu lạm phát dài hạn được đặt mục tiêu ở mức 2%, và Fed sẽ duy trì chính sách đến khi mục tiêu này hoàn thành.

 

Giá dầu tiếp tục tăng nhờ triển vọng nhu cầu phục hồi, triển vọng lạc quan

Giá dầu tiếp tục tăng trong phiên hôm qua nhờ triển vọng nhu cầu thế giới phục hồi tích cực. Kết thúc phiên giao dịch, dầu WTI tăng 1.46% lên 63.86 USD/thùng trong khi dầu Brent tăng 1.28% lên 67.27 USD/thùng.

Giá đi lên khi nhu cầu dầu thô thế giới năm nay vẫn được dự báo tăng, bất chấp việc Ấn Độ - nước tiêu thụ dầu lớn thứ 3 thế giới đang hứng chịu làn sóng nhiễm COVID cao nhất từ trước đến nay. Ngân hàng Goldman Sachs kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng thêm mức kỷ lục 5.2 triệu thùng/ngày trong 6 tháng tới khi chiến dịch vắc-xin ở châu Âu tăng tốc kéo theo du lịch thế giới tăng. Ngân hàng này cũng dự đoán việc nới lỏng các hạn chế đi lại quốc tế trong tháng tới sẽ khiến nhu cầu nhiên liệu máy bay tăng thêm 1.5 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, Bank of America cho rằng dầu thô sẽ thiếu hụt trung bình 1.3 triệu thùng/ngày trong năm 2021.

Giá dầu còn được hỗ trợ khi báo cáo sản lượng của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại tuần vừa rồi chỉ tăng nhẹ 90,000 thùng, thấp hơn hẳn con số dự báo tăng 0.66 triệu thùng. Nhiên liệu chưng cất giảm mạnh 3.3 triệu thùng so với mức giảm 1.1 triệu thùng của kỳ báo cáo trước do nước Mỹ bước vào mùa trồng trọt và tiêu thụ nhiều diesel. Điều này cho thấy nhu cầu dầu của Mỹ vẫn đang trên đà phục hồi.

Trong tuần này, thị trường đang được hỗ trợ tâm lý nhiều khi các tổ chức lớn tiếp tục dự báo nhu cầu phục hồi tại Mỹ và châu Âu sẽ bù đắp mức giảm tiêu thụ tại Ấn Độ. Các nhà phân tích cho rằng GDP sơ bộ quý I của Mỹ sẽ tăng mạnh lên 6.1% và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp duy trì ở mức xấp xỉ 550,000, ngang với tuần trước và thấp nhất trong 1 năm trở lại đây. Số liệu chính thức sẽ được thông báo vào lúc 19h30 tối nay, và nếu các chỉ số đều đạt kỳ vọng, khả năng cao giá sẽ tiếp tục tăng và vượt ngưỡng 64.4 USD/thùng.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam