Áp lực chốt lời trong phiên cuối tháng có thể khiến đà tăng của giá đậu tương bị hạn chế ở vùng 1460
Mở cửa phiên giao dịch cuối tuần, giá đậu tương vẫn chỉ đang giằng co quanh mức tham chiếu. Tuy nhiên, lực mua vẫn đang chiếm ưu thế hơn nhờ nối tiếp xu hướng từ 5 phiên tăng mạnh trước đó. Giá đậu tương đã liên tiếp phá vỡ cả 2 vùng đỉnh được thiết lập trước đó trong tháng 7 cho thấy xu hướng giá đang chuyển dần sang bên mua. Đây cũng thường là giai đoạn biến động rất mạnh của giá nông sản hàng năm do nguồn cung ở quốc gia sản xuất lớn nhất là Mỹ đang bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi yếu tố thời tiết. Nếu quay trở lại thời điểm này năm ngoái, giá đậu tương cũng trải qua diễn biến tương tự là lao dốc vào tháng 6 rồi bước vào xu hướng đi ngang với biên độ rộng cho tới khi nguồn cung dần ổn định vào trước giai đoạn thu hoạch.
Thị trường đậu tương vẫn tiếp tục thiếu vắng thông tin cơ bản mới, dự báo về lượng mưa ở khu vực Midwest gần như là yếu tố duy nhất quyết định đến xu hướng giá. Phía nam khu vực Midwest dự báo vẫn sẽ nhận được lượng mưa lớn trong 5 ngày tới và có thể sẽ xảy ra ngập lụt cục bộ. Ngược lại, nhiệt độ gần mức bình thường cùng với thời tiết khô ráo hơn sẽ được ghi nhận ở các khu vực phía bắc. Không khí nóng sẽ mở rộng dần từ phía tây vào trung tâm Midwest trong tuần tới, gây ảnh hưởng tới chất lượng cây trồng, Hạn hán cũng đang được dự báo là sẽ kéo dài trong suốt giai đoạn phát triển còn lại của đậu tương Mỹ.
Bên cạnh đó, diễn biến của 2 mặt hàng thành phẩm là khô và dầu đậu cũng phần nào có ảnh hưởng lên giá đậu tương. Trong chuỗi hồi phục liên tiếp vừa qua, 2 mặt hàng này đều lần lượt thay thế nhau ghi nhận mức tăng vọt. Với kịch bản giá dầu đậu vẫn tiếp tục hồi phục trong phiên hôm nay khi điều chỉnh kĩ thuật sau xu hướng giảm mạnh, trong khi giá khô đậu đang gặp phải kháng cự quan trọng thì giá đâu tương có thể sẽ chỉ giằng co và đà tăng sẽ chậm lại.

Đường khả năng cao quay lại đà giảm dưới tác động nguồn cung nới lỏng tại Ấn Độ và Brazil
Kết thúc phiên giao dịch 28/07, cả 2 mặt hàng bông và đường đều có sự khởi sắc. Trong đó, đường tăng mạnh hơn 4%, thoát khỏi mức giá thấp nhất trong hơn 1 năm qua, bông nối tiếp đà tăng từ đầu tuần, do lo ngại thời tiết khô hạn kéo dài tại Texas làm thu hẹp nguồn cung.
Bắt đầu từ hôm nay, giá xăng tại Brazil chính thức chạm mốc 3.71 Real/lít, nhờ việc điều chỉnh giảm giá 3.88% của Petrobras, tập đoàn dầu khí đa quốc gia tại Brazil. Đây là lần điều chỉnh thứ 2 trong tháng của tập đoàn này, khi vào thứ 4 tuần trước, họ cũng điều chỉnh giảm 5% giá xăng dầu. Việc giá dầu suy giảm tại Brazil sẽ thúc đẩy các nhà máy ép mía ưu tiên lượng mía ép cho sản xuất đường, khiến nguồn cung nới lỏng và gây sức ép lên giá.
Bên cạnh đó, Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu đường lớn thứ 3 thế giới, cũng cho phép các công ty sản xuất đường nước này xuất khẩu thêm 1 triệu tấn đường, chủ yếu là đường thô, nhằm giải quyết lượng tồn kho đang ở mức dư thừa sau lệnh cấm xuất khẩu hồi tháng 05, giúp nguồn cung trên toàn cầu tiếp tục nới lỏng và hạn chế lực mua trên thị trường.
Về mặt kỹ thuật, mặc dù có phiên tăng mạnh trong hôm qua, giá đường vẫn nằm rất sâu dưới 2 đường trung bình SMA13 và SMA34, cùng với đó, đường MACD giao nhau với đường Signal, đi xuống dưới đường 0, càng củng cố hơn cho xu hướng giảm giá. Rất có thể sự khởi sắc của đường trong phiên hôm qua chỉ là một nhịp hồi, tạo đà giảm cho phiên hôm nay, giá đường 11 kỳ hạn tháng 10 có thể sẽ quay về mức 17.52 USD.

Đà tăng của giá đồng nhiều khả năng sẽ bị chặn lại tại vùng kháng cự tâm lý 3.58 USD/pound
Trong phiên giao dịch sáng nay, giá đồng tiếp tục được hưởng lợi khi đồng Dollar Mỹ suy yếu do các nhà đầu tư đặt cược vào đà tăng lãi suất không quá mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong thời gian tới. Bên cạnh đó, yếu tố rủi ro nguồn cung suy yếu tiếp tục hỗ trợ cho giá đồng trong phiên. Glencore, tập đoàn sản xuất đồng lớn thứ hai tại Trung Quốc ghi nhận sản lượng đồng trong nửa đầu năm giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 510.200 tấn. Tương tự như các đơn vị sản xuất đồng khác, theo Reuters, Glencore cũng cắt giảm mức hướng dẫn sản lượng đồng trong cả năm vào hôm qua.
Tuy nhiên, mức tăng của giá đồng khó có thể vượt qua kháng cự 3.57 USD/pound khi triển vọng kinh tế toàn cầu đang cho thấy bức tranh không mấy tích cực. GDP quý II của 2 quốc gia lớn trên thế giới, Mỹ và Trung Quốc đều tăng trưởng âm. Trong khi Mỹ vẫn bám chặt mục tiêu thắt chặt tiền tệ gây ra lo ngại suy thoái, còn Trung Quốc đang loay hoay trong lĩnh vực khủng hoảng bất động sản, giá đồng nhiều khả năng sẽ gặp thách thức.
Theo một Tuyên bố sau một cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc vào ngày hôm qua, các quan chức đã không đề cập đến về mục tiêu kinh tế quốc gia như đã nêu tại cuộc họp vào hồi tháng 4. Điều này có thể cho thấy rằng Chính phủ Trung Quốc đang hạ thấp mục tiêu tăng trưởng 5.5% cho năm nay mà hầu hết các nhà kinh tế đánh giá sẽ khó có thể đạt được. Các chuyên gia của Bloombergs đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc xuống 4%, trong khi Quỹ tiền tệ quốc tế IMF cho thấy lăng kính tiêu cực hơn khi đưa ra con số 3.3%. Cuộc họp của Chính phủ Trung Quốc hôm qua cũng chỉ nói về chỉ thị chung trong việc "ổn định thị trường bất động sản", mà không đề cập cụ thể đến các biện pháp hỗ trợ nhiều hơn. Thị trương tiềm năng cho nhu cầu về đồng vẫn sẽ gặp trở ngại lớn.

Dầu thô nhiều khả năng duy trì trong khoảng giao dịch hẹp khi thị trường chưa tìm được hướng đi
Giá dầu tăng nhẹ trong phiên giao dịch sáng nay, khi thị trường tiếp tục giằng co giữa 1 bên là rủi ro suy thoái kinh tế trong nửa cuối năm nay và một bên là nguồn cung có nguy cơ thiếu hụt dàu khi OPEC và Mỹ, 2 lực lượng sản xuất lớn trên thị trường đều báo hiệu về nguy cơ cạn kiệt khả năng tăng sản lượng.
Bất chấp các cảnh báo về điểm giá “hủy diệt nhu cầu”, trước mắt, thị trường vẫn đang ở trong tình trạng “bù hoãn bán” (backwardation), tức là giá các hợp đồng tháng gần cao hơn hợp đồng tháng xa, cho thấy thị trường vẫn đang trong tình trạng khan hiếm dầu. Crack spread 3-2-1 đang ở mức cao khoảng 150 USD/thùng, trong khi năm ngoái ở mức 70 USD/thùng, khi không chỉ dầu thô mà công suất lọc dầu đều đang bị suy yếu, đặc biệt khi Trung Quốc và Nga đều đang giảm hoạt động. Điều này giúp cho giá Brent liên tục duy trì trên vùng 100 USD/thùng, bất chấp một số dự đoán cho rằng giá sẽ hạ nhiệt xuống dưới vùng 65 USD/thùng, như Citibank kỳ vọng.
Bên cạnh đó, Nga liên tục cắt giảm sản lượng khí đến châu Âu cũng tạo ra hỗ trợ không chỉ cho thị trường khí tự nhiên mà còn cho thị trường dầu nói chung, do châu Âu nhiều khả năng sẽ phỉa chuyển dổi sang sử dụng các năng lượng thay thế trong mùa đông, bát chấp định hướng năng lượng xanh của nước này. Ngoài ra cũng khó có thể loại trừ trường hợp Nga áp dụng chính sách hạn chế khối lượng dầu bán cho các nước G-7 để phản đối chính sách nâng trần giá.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV