Kỳ vọng Fed sẽ tạm dừng các đợt tăng lãi suất đang giúp xoa dịu áp lực lên các đồng tiền trong khu vực. Giá dầu thấp hơn cũng là yếu tố tích cực với hầu hết thị trường. Xu hướng này nếu kéo dài có thể thu hút phần nào trong dòng vốn ngoại 14 tỷ USD đã rút khỏi chứng khoán Đông Nam Á năm nay quay trở lại.
“Giá cổ phiếu tại hầu hết thị trường Đông Nam Á đã giảm đáng kể xuống mức khá hấp dẫn”, Narongsak Plodmechai, giám đốc điều hành tại SCB Asset Management, quỹ đầu tư tư nhân lớn nhất Thái Lan, nói. “Chúng tôi lạc quan về triển vọng năm tới”.
Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa năm 2019 sẽ không có rủi ro. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn là mối đe dọa lớn. Singapore và Thái Lan, hai thị trường chứng khoán lớn nhất Đông Nam Á về vốn hóa thị trường, được dự báo tăng trưởng chậm lại đáng kể trong năm 2019. Kinh tế Mỹ cũng có thể chững lại.
Dưới đây là đánh giá về 6 thị trường chứng khoán lớn ở Đông Nam Á.

P/E một số thị trường chứng khoán Đông Nam Á 12 tháng (màu đen) và trung bình 3 năm.
Việt Nam
Tăng trưởng GDP dự kiến: 6,9% năm 2018, 6,6% năm 2019.
Thị trường cận biên Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất thu hút dòng vốn ngoại trong năm nay (Singapore khôn công khai số liệu). Khi kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và dòng FDI tăng mạnh, cổ phiếu Việ Nam không còn rẻ nữa.
Bernard Lapointe, giám đốc phân tích công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt, cho biết ông lạc quan nhưng không quá mức, kỳ vọng VNIndex ở trong khoảng 900 - 1.000 điểm trong năm 2019.
Michel Tosto, giám đốc Giao dịch chứng khoán, Khách hàng tổ chức công ty chứng khoán Bản Việt, cho rằng VNIndex có thể đạt 1.060 vào cuối năm 2019, cao hơn hiện tại 11%. Sự ổn định của VND và dự báo tăng trưởng EPS 16%, so với mức ước tính 19% trong năm nay, sẽ hỗ trợ thị trường.
Thái Lan
Tăng trưởng GDP dự kiến: 4,2% năm 2018, 3,9% năm 2019
Sau khi chuyển sang chính quyền quân sự tháng 5/2014, Thái Lan sẽ tổ chức cuộc bầu cử đầu tiên trong 8 năm vào ngày 24/2 tới. Mức độ suôn sẻ trong quá trình chuyển giao quyền lực cho chính quyền kế tiếp sẽ quyết định hướng đi của thị trường chứng khoán nước này.
Một đợt bầu cử suôn sẻ có thể giúp thu hút lại 9 tỷ USD dòng vốn ngoại thoát ra khỏi thị trường Thái Lan trong năm 2018 vì yếu tố chính trị, theo Narongsak. Chi vận động tranh cử và chính sách kinh tế của chính phủ mới có thể là xúc tác để cải thiện niềm tin kinh doanh và tiêu dùng.
Tuy nhiên, với tình hình gần đây của Thái Lan, một cuộc bầu cử suôn sẻ là điều chưa thể chắc chắn. Kết quả vẫn chưa rõ và tạo ra mối đe dọa tới tâm lý kinh doanh và tiêu dùng nội địa, theo Samsara Wang, chiến lược gia thị trường mới nổi tại Credit Agricode CIB.
Singapore
Tăng trưởng GDP dự kiến: 3,3% năm 2018, 2,7% năm 2019
Với định giá gần đáy kể từ đầu năm 2016, giới phân tích dự báo chỉ số Straits Times Index sẽ phục hồi trong năm tới. Ngân hàng OCBC cho rằng chỉ số này sẽ ở 3.632 điểm vào cuối năm 2019, tăng 18% so với hiện tại. Trong khi đó, ngân hàng UOB và công ty chứng khoán CGS-CIMB lần lượt đưa ra mức tăng là 12% và 7%.
Có khả năng chính phủ Singapore tổ chức bầu cử sớm trong năm 2019 và đưa ra những chính sách bất ngờ mamg đến “cảm giác tốt” trong quá trình tranh cử, theo OCBC và CGS-CIMB.
Dù vậy, dự báo tăng trưởng chững lại và khả năng chịu thiệt hại trong cuộc chiến thương mại vẫn là rủi ro đối với Singapore. Nhà đầu tư nên bám lấy nhóm cổ phiếu phòng vệ, Carmen Lee, giám đốc nghiên cứu đầu tư tại OCBC, nói.
Indonesia
Tăng trưởng GDP dự kiến: 5,2% năm 2018, 5,1% năm 2019.
Đồng rupiah tương đối ổn định sau hàng loạt đợt tăng lãi suất của ngân hàng trung ương Indonesia giúp tạo điều kiện thuận lợi hơn cho chứng khoán nước này. Nomura Holdings đánh giá “tăng tỷ trọng” với chứng khoán Indonesia và đưa ra mục tiêu 6.800 điểm cho chỉ số Jakarta Composite Index vào cuối năm 2019, tăng 10% so với hiện tại.
Khảo sát gần đây cho thấy Tổng thống Joko Widodo đang trên đà thắng cử nhiệm kỳ 2 trong cuộc bầu cử vào tháng 4.
Malaysia
Tăng trưởng GDP dự kiến: 4,7% năm 2018, 4,6% năm 2019
Chính phủ Malaysia sẽ chú trọng giảm thâm hụt ngân sách trong năm 2019, có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Mặt khác, nhà đầu tư có thể kỳ vọng một thị trường minh bạch hơn và chính phủ mới có thể thu hút dòng vốn nước ngoài trở lại.
AmInvestment Bank dự báo chỉ số FTSE Bursa Malaysia Index đạt 1,820 vào cuối năm 2019, tăng 10% so với hiện tại.
Philippines
Tăng trưởng GDP dự kiến: 6,3% năm 2018, 6,4% năm 2019
Lạm phát gia tăng đã khiến Philippines chật vật trong năm nay và dấu hiệu cho thấy lạm phát đã đạt đỉnh sẽ hỗ trợ chứng khoán nước này trong năm sau. Chi hạ tầng của chính phủ Philippines sẽ thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, xu hướng này cũng khiến ngân sách bị hạn chế và gây áp lực lên đồng peso do thâm hụt tài khoản vãng lai gia tăng.
Haj Narvaez, chủ tịch BPI Securities, dự báo chỉ số Philippines Stock Exchange Index sẽ chốt năm 2019 ở 8.300 điểm, tăng 10% so với hiện tại.
Nguồn: Như Tâm/Bloomberg