Ngày 29/9, UBCKNN chỉ đạo VSD xây dựng phương án giai đoạn 1 triển khai rút ngắn chu kỳ thanh toán. Cụ thể, rút ngắn chu kỳ thanh toán cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư hiện đang áp dụng từ 9h ngày T+3 về 16h30 ngày T+2. Thời gian triển khai áp dụng kể từ ngày 01/01/2016.

Trao đổi với Vinanet, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư CTCP CK Maybank Kim Eng cho rằng chu kỳ thanh toán này hầu như không thay đổi về ý nghĩa so với thanh toán T+3. 

Ông Khánh phân tích, thời gian của 2 ngày này quá sát nhau 16h30' chiều của T+2 với 9h sáng của T+3 hiện tại. Thời gian đó thị trường đã đóng cửa và các NĐT cũng phải đợi sang sáng hôm sau mới đặt lệnh được giống như bây giờ (thậm chí nhiều hệ thống của CTCK cũng đã cho phép đặt lệnh vào chiều ngày T+2 và tự động gán số lượng CP về TK vào sáng ngày T+3 cho NĐT).

Ở một góc nhìn khác, ông Hoàng Thạch Lân, một chuyên gia chứng khoán bày tỏ, đây chỉ là 1 giải pháp kỹ thuật để TTCK VN tiến tới thông lệ quốc tế. Hiện nay NĐTNN đã quan tâm nhiều hơn và tham gia giao dịch nhiều hơn trên TTCK VN, nên điều này sẽ được coi là "đồng bộ hóa" cơ chế giao dịch giữa VN với thế giới. Nhìn ở góc độ này, rõ ràng đây là 1 sự thay đổi. Hơn nữa, cơ quan quản lý muốn nâng hạng TTCK VN thì đây cũng là việc nên làm ngay.

Tuy nhiên, đối với NĐT, ông Lân cũng đồng quan điểm nhìn từ góc độ giao dịch thì gần như không thay đổi gì, cổ phiếu họ mua sẽ vẫn phải chờ đến 9h sáng ngày T+3 mới được đặt bán. Tiền thì vốn đã về tài khoản cuối ngày T+2.

Nhiều người cho rằng, cái "được" duy nhất mà T+2 này đi vào hiệu lực là cổ phiếu sẽ về tài khoản sớm hơn 1 ngày, nhà đầu tư sẽ bớt được tiền lưu ký. Ông Khánh nói lợi ích này không đáng kể. 

"Hiện nay phí lưu ký là 0,4 đồng/cp/ngày, lại có tình huống nhiều cổ đông lớn, ít giao dịch họ rút lưu ký (tức làm sổ cổ đông mang về giữ), như vậy không bị tác động gì. Còn NĐT nhỏ lẻ thì phí lưu ký tiết kiệm được cũng chả là bao", ông Lân cho biết.

Điều đáng ghi nhận nhất từ T+2, theo ông Khánh là tác động tốt về mặt tâm lý với NĐT nhiều hơn một lợi ích thực chất, ngay cả các NĐT sử dụng margin họ cũng không có thêm lợi ích nào đáng kể.

Đánh giá khái quát tác động, ông Hoàng Thạch Lân nêu giải pháp này không nhắm vào đối tượng NĐT, mà chỉ là sửa đổi lại 1 chút cơ chế chuyển tiền và CK giữa VSD với các thành viên lưu ký. Đây là điều nên nói rõ để tránh gây hiểu lầm.

"Tôi cũng hiểu NĐT thì bao giờ cũng muốn mua khớp được là giây sau được đặt lệnh bán liền (và ngược lại), xét ở góc độ này thì giải pháp nói trên cũng là giải pháp cuối cùng, không thể rút ngắn hơn, vì nếu không sẽ tạo ra rủi ro rất lớn", ông Lân nhấn mạnh. 

Để giải quyết được tận gốc nhu cầu được giao dịch ngay của NĐT, theo ông Lân phải chuyển sang cơ chế cho vay CK (để bán), mà cơ chế này cũng cần có sự thay đổi lớn giữa VSD với các thành viên lưu ký. 

Khổng Chiêm