Diễn biến cụ thể ở một số thị trường chủ chốt như sau:
Mỹ. Phố Wall trở thành một thỏi nam châm hút vốn khi các nhà đầu tư đặt cược mạnh vào triển vọng tăng trưởng kinh tế khả quan, lợi nhuận vững của các doanh nghiệp, và hy vọng Tổng thống Donald Trump sẽ nới lỏng các quy chế giám sát. Ngoài ra, ông Trump cũng giúp chứng khoán Mỹ tăng điểm bằng kế hoạch cải tổ thuế lớn nhất trong 3 thập niên của Mỹ. Dow Jones nhảy vọt 25% lên 24.719,22 điểm, S&P 500 tăng 20% lên 2.673,61 điểm và Nasdaq Composite tăng mạnh nhất với 29% lên 6.903,39 điểm. Theo một số nhà phân tích, những nhân tố từng giúp chứng khoán Mỹ bùng nổ trong năm 2017, vẫn tiếp tục tồn tại trong năm 2018. Tuy nhiên, một số người hoài nghi về triển vọng sáng sủa này khi cho rằng rất khó để lặp lại “kỳ tích” của năm 2017 và năm 2018 có thể sẽ là một năm bất ổn hơn đối với thị trường.
Argentina. Chỉ số Merval của Argentina nhảy vọt 73% trong năm 2017, và chạm mức kỷ lục mới sau ngày Giáng sinh. Sự kiện bầu chọn cho Tổng thống Argentina Mauricio Macri cuối năm 2015 dường như là một thời điểm chuyển mình quan trọng của Argentina: Nền kinh tế tăng trưởng mạnh và chứng khoán nước này cũng nhảy vọt. Trong năm 2016, chỉ số Merval leo dốc 45%. Tổng thống Macri đã theo đuổi nhiều chương trình cải cách kinh tế trong năm 2017, qua đó góp phần cải thiện niềm tin vào doanh nghiệp. “Tổng thống Macri đã đối phó khá tốt với các rủi ro chính trị trong năm 2017, và với việc không có cuộc bầu cử nào trong năm 2018, Argentina thực sự trở nên nổi bật như là một nơi trú ẩn an toàn về chính trị ở khu vực Mỹ Latinh trong năm 2018”, công ty quản lý tài sản Algebris Investments cho biết. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều vấn đề mà chính phủ cần phải giải quyết như lạm phát hơn 20% và đồng nội tệ liên tục suy yếu.
Nigeria. Chỉ số chứng khoán All-Share Index của Nigeria đã tăng 43% trong năm 2017, mặc dù vẫn còn cách khá xa so với mức kỷ lục được xác lập vào đầu năm 2008. Trước đó, trong các năm 2015 và 2016, chỉ số All-Share đã bị tác động nghiêm trọng khi giá dầu thấp, các cuộc tấn công quân sự, các vấn đề về tiền tệ, những cuộc bầu cử và dịch bệnh Ebola tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư. Với việc giá dầu thô quay đầu tăng mạnh trong năm 2017, Ngân hàng Trung ương Nigeria đã tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc hoán đổi tiền tệ và nền kinh tế thoát khỏi cuộc suy thoái kinh tế. Nhiều nhà phân tích lạc quan dự báo chứng khoán Nigeria sẽ tiếp tục tăng điểm trong năm 2018. Theo ông Zin Bekkali, nhà sáng lập và CEO của Silk Invest, “Nếu xết đến vị thế của thị trường chúng tôi, thì thị trường Nigeria vẫn là một trong những thị trường có giá rẻ nhất trên hành tinh”.
Thổ Nhĩ Kỳ. Một cuộc đảo chính trong năm 2016 và hàng loạt đợt tấn công khủng bố đã làm chao đảo cả nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ. Dẫu vậy, chỉ số chứng khoán chuẩn của nước này vẫn tăng vọt 43% trong năm 2017, khi Chính phủ thực hiện các đợt cắt giảm thuế tạm thời và tiến hành chương trình đảm bảo cho các khoản vay – một điều khuyến khích các ngân hàng cho các doanh nghiệp nhỏ vay nợ. Tăng trưởng GDP tăng vọt, lên tới 11,1% trong quý 3/2017. Ngoài ra, thị trường chứng khoán nước này còn hưởng lợi từ đà suy yếu của đồng Lira. Tuy nhiên, các chuyên gia đang lên tiếng cảnh báo rằng khoảng thời gian tốt đẹp sẽ không kéo dài mãi mãi. “Theo quan điểm của chúng tôi, kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến gần hơn tới tình trạng quá nhiệt”, Daniel Salter, Trưởng Bộ phận Cổ phiếu toàn cầu tại Renaissance Capital, cho hay.
Châu Á. Năm 2017 chứng khoán châu Á xác lập nhiều kỷ lục cao mới. Các thị trường từ Ấn Độ cho tới Indonesia và Hàn Quốc đều chạm ngưỡng kỷ lục, do căng thẳng địa chính trị tại Triều Tiên, chiến dịch tháo gỡ đòn bẩy tài chính của Trung Quốc và đồng yen tăng giá. Kết thúc năm, chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương vượt đỉnh cao của năm 2007. Cổ phiếu công nghệ “thăng hoa” với mức tăng mạnh nhất 8 năm (tăng 54%) nhờ thành công của ứng dụng nhắn tin WeChat của Tencent Holdings, mảng kinh doanh thương mại điện tử của Alibaba Group và các dòng sản phẩm của Samsung Electronics. Tuy nhiên, định giá cổ phiếu của chứng khoán châu Á vẫn thấp hơn so với thế giới.
Hong Kong và Nhật Bản là hai thị trường chứng khoán tạo ra nhiều lợi nhuận nhất cho các cổ đông, với tổng vốn hóa mới là 2,5 nghìn tỷ USD.

Tại Nhật Bản, chỉ số Topix cũng tăng 20%, đưa thị trường chứng khoán nước này lên cao nhất kể từ năm 1991. Theo khuyến nghị của BlackRock Inc., quỹ quản lý tài sản lớn nhất thế giới, giới đầu tư nên giữ các cổ phiếu của Nhật Bản bởi thu nhập của các công ty khá ổn định và định giá cổ phiếu vẫn hấp dẫn.

Tại Hồng Kông, chỉ số Hang Seng nhảy vọt gần 35% trong bối cảnh các chỉ số chính của Trung Quốc là Shanghai Composite và Shenzhen Composite đều thất thường. Đó là nhờ cổ phiếu của ông lớn công nghệ Tencent – vốn niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông – tăng hơn gấp đôi trong năm vừa qua, và có lúc giá trị vốn hóa của công ty vượt qua cả Facebook. WeChat của Tencent – ứng dụng nhắn tin trên điện thoại di động phổ biến ở Trung Quốc – có gần 1 tỷ người dùng, và nhà đầu tư cũng tỏ ra phấn khích vì những đột phá trong lĩnh vực game điện thoại và video trực tuyến. Trong lúc đó, thị trường chứng khoán ở Thượng Hải và Thâm Quyến đã tụt lại phía sau khi các cơ quan chức trách khuyến nghị các nhà đầu tư địa phương nên tỏ ra cẩn trọng. Chiến dịch tháo gỡ đòn bẩy tài chính của chính phủ Trung Quốc là “đòn giáng” đối với thị trường chứng khoán Trung Quốc lục địa, khiến chỉ số Shanghai Composite chỉ tăng nhẹ 6,2% trong năm qua. Trong khi đó, giới đầu tư chủ yếu đổ vốn ồ ạt vào các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn hóa lớn, tạo ra khoảng cách rất lớn với phần còn lại của thị trường.
Số liệu của Bloomberg cho thấy Việt Nam là thị trường cận biên tăng mạnh nhất (tính theo %) của châu Á trong năm 2017. Vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng gấp đôi trong năm qua, chủ yếu nhờ một số thương vụ thoái vốn khỏi các công ty nhà nước và các cổ phiếu mới lên sàn. Chỉ số VN-Index đã tăng 47% trong năm 2017; vốn hóa thị trường tăng hơn 70%; tổng giá trị danh mục nhà đầu tư nước ngoài vượt 31 tỷ USD; giá trị mua ròng của khối ngoại trên cả cổ phiếu và trái phiếu đạt hơn 44 nghìn tỷ đồng; những phiên thoái vốn “tỷ đô”;…Nhiều chuyên gia cho rằng, sự tăng trưởng của TTCK là một “điểm sáng” của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2017, thậm chí vượt qua cả những dự báo tích cực nhất về thị trường đưa ra vào thời điểm đầu năm. Về triển vọng chứng khoán Việt Nam năm 2018, một số chuyên gia cho rằng, việc định giá thị trường tăng nhanh có thể làm giảm đi sức hấp dẫn của thị trường trong năm 2018. Bên cạnh đó, một số chuyên gia cho rằng, năm 2018, kinh tế thế giới có thể tiềm ẩn nhiều biến động, trong đó, động thái nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cần được dõi theo cẩn trọng. Tuy nhiên, ý kiến của nhiều chuyên gia có điểm chung rằng, năm 2018 nhiều khả năng thị trường chứng khoán sẽ có thêm những “kỷ lục” mới. Đặc biệt, chỉ số VN-Index rất có thể sẽ có thêm nhiều “đỉnh mới”. Có ý kiến cho rằng, sang năm 2018, có thể sau 10 năm chỉ số sẽ trở lại “đỉnh cao”, bản chất thị trường đã chuyển biến theo chiều hướng tích cực, bền vững hơn. Theo đó, năm 2018, thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục được hỗ trợ tích cực từ nền kinh tế vĩ mô. Sự tăng trưởng ổn định của kinh tế vĩ mô sẽ tạo kỳ vọng cho dòng tiền đầu tư vào Việt Nam ở mức cao, tính trên cả phương diện trực tiếp và gián tiếp vào thị trường cổ phiếu. Tương tự năm 2017, điểm nhấn của thị trường chứng khoán 2018 dự báo vẫn nằm ở hoạt động IPO, thoái vốn. Theo đó, có thể 2018 sẽ là năm cao điểm của quá trình IPO, thoái vốn nhà nước và điều này là “sức hấp hút riêng có” của thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, làn sóng niêm yết mới trong năm 2018 cũng sẽ tạo sức hút đối với dòng tiền tham gia thị trường, trong đó, đáng quan tâm là sự gia nhập của các “ông lớn” (tập đoàn, tổng công ty) và các ngân hàng. Do vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường chứng khoán năm 2018 sẽ tiếp tục nhận được sự tham gia của dòng tiền, đặc biệt là dòng tiền khối ngoại.
Riêng với thị trường chứng khoán, cùng các sản phẩm mới trên thị trường phái sinh, thị trường trái phiếu, thì sản phẩm Chứng quyền có bảo đảm dự kiến sẽ được vận hành chính thức trong năm 2018 cũng là một điểm tích cực. Song song với đó là nỗ lực hoàn thiện chính sách hỗ trợ thị trường, tăng cường thanh tra, giám sát, nâng hạng thị trường chứng khoán,… đến từ cơ quan quản lý sẽ góp phần giúp thị trường tăng trưởng bền vững hơn trong năm 2018.
Ấn Độ là thị trường chứng khoán đắt đỏ nhất châu Á với tổng vốn hóa thị trường đạt 2,4 nghìn tỷ USD. Giới đầu tư kỳ vọng chứng khoán Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng. Giới phân tích tại Công ty Chứng khoán và Tư vấn tài chính Nomura (Ấn Độ), Ấn Độ đang ở đỉnh của chu kỳ kinh doanh. Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn đang thận trọng theo dõi tình hình chính trị trước thềm bầu cử năm 2018. Chứng khoán Hàn Quốc tăng vọt, với dòng vốn đổ vào lên tới 8 tỷ USD do căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên. Chỉ số Kospi theo đó đã lập kỷ lục vài lần trong năm qua.
Pakistan và Lào là hai thị trường duy nhất tại châu Á giảm điểm, với chỉ số KSE100 (Pakistan) giảm 16% và Laos Composite (Lào) giảm 1,6%.
Qatar. Trong khi hầu hết thị trường chứng khoán chính trên thế giới đều tăng mạnh thì Qatar ngược lại giảm điểm mạnh nhất thế giới. Chỉ số chính của thị trường chứng khoán quốc gia vùng Vịnh này đã giảm 19% trong bối cảnh cuộc khủng hoảng quan hệ ngoại giao giữa Qatar với một loạt nước láng giềng như Saudi Arabia, Bahrain và UAE khi các quốc gia này cáo buộc Qatar ủng hộ khủng bố, dù chính quyền Doha hoàn toàn phủ nhận. Hồi tháng 6, các nước này cắt quan hệ ngoại giao và thương mại với Qatar do cáo buộc nước này tài trợ khủng bố - một cáo buộc mà Qatar phủ nhận. Đến nay, mọi nỗ lực nhằm "phá băng" quan hệ giữa Qatar với láng giềng đều thất bại, trong khi Doha phải áp dụng nhiều chiến lược và sử dụng các tuyến giao thương thay thế để giảm bớt ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt của các nước này. Tác động đến kinh tế đã phần nào được khắc phục, nhưng mọi chuyện còn cần rất nhiều thời gian để giải quyết.

Nguồn: Vinanet