Bên trong nhà máy sản xuất của Gỗ Trường Thành tại Bình Dương
“TTF sẽ vượt kế hoạch ngay trong quý 3 năm nay”, là lời khẳng định của ông Võ Trường Thành - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Tập Đoàn Kỹ Nghệ Gỗ Trường Thành (HOSE: TTF).

Như trong quý 2/2015, Ban lãnh đạo TTF ước ghi nhận hơn 100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (LNTT). Như vậy, lũy kế qua nửa đầu năm TTF đã thu về hơn 130 tỷ LNTT, thực hiện gần 70% kế hoạch năm (194 tỷ đồng).

Trao đổi với người viết, ông Thành cho biết, kết quả kinh doanh ghi nhận trong quý 3 năm nay nhiều khả năng sẽ tương đồng với quý 2, hay nói một cách khác, xác suất rất cao khả năng TTF vượt kế hoạch năm sau khi chốt sổ sách vào cuối quý 3.

Gỡ dần nút thắt nợ vay và tồn kho “khủng” 

Theo như báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2015 mà TTF vừa công bố, tiến trình tái cơ cấu của công ty đã thực hiện được 80% chặng đường, dự kiến 20% còn lại đến 30/08 này sẽ hoàn tất. Thông qua DATC, TTF đã tái cơ cấu các khoản nợ vay ngân hàng mà TTF một thời khốn đốn, từ ngắn hạn thành trung và dài hạn và gia giảm mức lãi suất ấn định từ 17-18% xuống chỉ còn 7-8%/năm.

Ông Thành cho biết DATC còn dự kiến sẽ chuyển đổi 5% khoản nợ vay trên thành vốn góp trong thời gian tới đây. Điều này sẽ giúp những doanh nghiệp trong ngành gỗ như TTF giải quyết được bài toán lãi vay “ăn mòn” lợi nhuận dai dẳng trong nhiều năm suy thoái.

Kết quả kinh doanh quý 1 năm nay đã phần nào thể hiện được điều đó, khi biên lợi nhuận gộp của TTF giảm mạnh do lượng hàng tồn giá cao bắt đầu đưa vào sản xuất kinh doanh.

Đây là bước ngoặt trong hoạt động của TTF bởi giai đoạn trước đó, ngoài vấn đề về nợ vay thì TTF cũng rất rối đầu về lượng lớn hàng tồn kho không đưa được vào hoạt động sản xuất kinh doanh do phần lớn đều thế chấp cho nhiều khoản vay ngắn hạn ở các ngân hàng.

Diễn biến hàng tồn kho của Gỗ Trường Thành từ 2011 đến hết quý 1/2015
Nguồn: VietstockFinance

Nói về vấn đề này, ông Thành chia sẻ hiện giá vốn của các doanh nghiệp gỗ trong ngành tầm 70-75%, trong khi đó TTF lên đến 80-85% do lượng hàng tồn kho giá cao kể trên khi đưa vào sản xuất kinh doanh đã làm giá vốn của TTF độn lên một khoản không hề nhỏ.

Đến nay, TTF đã giải quyết được gần 40% trên tổng giá trị hàng tồn kho kể trên, tương ứng giá trị 800 tỷ đồng và phần còn lại sẽ tiếp tục xử lý trong thời gian còn lại năm nay. Chính vì vậy, kỳ vọng biên lãi gộp của TTF muốn thấy rõ sự cải thiện nhanh nhất cũng phải vào đầu năm sau.

Thị phần nội địa tăng trưởng “cậy nhờ’ sóng bất động sản

Với chuỗi giá trị khép kín với gần 14,000 ha rừng tràm đáp ứng các tiêu chuẩn về nguồn gốc, xuất xứ gỗ là lợi thế cạnh tranh lớn của TTF so với các doanh nghiệp gỗ trong nước. Với diện tích này, mỗi năm TTF sẽ trồng mới và khai thác tầm 1,000 ha gỗ vào sản xuất kinh doanh cũng như thương mại cho các đối tác.

Với độ tuổi khai thác của giống cây tràm từ 9-10 năm, lượng gỗ nguyên liệu trên đủ để TTF xoay vòng lượng gỗ cũng như trồng mới để đảm bảo yếu tố phát triển doanh nghiệp bền vững – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Võ Trường Thành chia sẻ.

Hiện nay, TTF được Chính phủ cùng các Ban ngành địa phương cấp đất trồng rừng lên đến 100,000 ha trên 3 tỉnh thành Dak Nông, Dak lak và Gia Lai.

Ông Thành cho biết: “Ban lãnh đạo TTF đang cân nhắc việc tiếp tục đổ vốn cho các công ty liên doanh với các tập đoàn nước ngoài để mở rộng vùng nguyên liệu, song thời gian tới vẫn chỉ tập trung vào nhóm cây gỗ tràm vốn có vòng đời thu hoạch ngắn. Muốn tập trung vào các giống cây gỗ có giá trị cao có vòng đời từ 20-30 năm, TTF nói riêng và doanh nghiệp trong ngành gỗ nói chung cần phải có lượng vốn rất lớn, đủ sức để “gồng gánh” trong cả chục năm trời – điều mà TTF chưa thể thực hiện được vào lúc này”.

Cũng theo ông Thành, mặc dù thương hiệu mà TTF đã gầy dựng được đã ít nhiều bị “sứt mẻ” trong những năm khủng hoảng vừa qua, song thị trường đã đón nhận sự trở về của TTF rất tích cực. Bằng chứng là các đơn đặt hàng trong và ngoài nước TTF nhận được đã “kín room” cho hết năm nay và lấn một phần qua các quý năm sau.

Ông Thành chia sẻ, bất động sản trong nước ấm lên, các doanh nghiệp lớn trong ngành này đã tìm đến TTF như đối tác cung cấp gỗ thành phẩm cho các dự án lớn của mình. Điển hình nhất trong số này TTF đã và đang nhận thầu chỉ định cho hàng loạt các dự án lớn của Vingroup (HOSE: VIC) được triển khai trong 2-3 năm tới như Vinhome Central Park, Time City…

“Chúng tôi ước doanh thu ghi nhận lên đến 4,000 tỷ đồng sẽ đến từ các dự án của VIC trong ít nhất trong 3 năm tới đây” – ông Thành khẳng định.
Ngoài ra, chuỗi trung tâm thương mại Vinmax của Vingroup hình thành ở đâu đều sẽ có siêu thị/cửa hàng gỗ nội thất của TTF.

Kế hoạch mở rộng điểm bán/siêu thị/cửa hàng của TTF trong năm nay vì thế cũng chuyển dịch sang hướng tập trung sang các siêu thị được mở song song với chuỗi trung tâm thương mại Vinmax.

Hướng đi mới: Bò sữa và mắc ca

Một thông tin cũng rất đáng chú ý được ông Thành tiết lộ là TTF đang hợp vốn liên doanh để nuôi bò sữa và trồng cây mắc ca trên diện tích rừng trồng của mình. Với diện tích nuôi bò sữa hiện 3,000 ha, nhiều khả năng dự án này sẽ mở rộng quy mô lên hơn 5,000 ha trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo ông Thành, hiện TTF chỉ góp một lượng vốn rất ít (dưới 5%) vào liên doanh này vì chính ông cũng như ban lãnh đạo doanh nghiệp biết cổ đông công ty hẳn nhiên sẽ không muốn TTF dàn trải đầu tư và phân tán sự tập trung đi quá nhiều, nhất là khi công ty vừa bước qua giai đoạn “nước sôi lửa bỏng” của 2-3 năm trước.

“Trường hợp dự án liên doanh bò sữa tiến triển thuận lợi và chứng minh được khả năng mang lại nhiều nguồn lợi lớn trong tương lai thì tầm cuối năm TTF sẽ tiến hành tổ chức ĐHĐCĐ bất thường để công bố thông tin và thông qua kế hoạch đầu tư mới của TTF vào đây.”, ông Thành nói thêm.

Theo Đức Phương
Vietstock

Nguồn: Vietstock