Ngày 30/6/2019 đã đi vào lịch sử hội nhập của Việt Nam khi diễn ra sự kiện ký kết thành công Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
 Ngày 12/2/2020, Nghị viện châu Âu phê chuẩn Hiệp định và mới đây nhất, 30/3/2020, Hội đồng châu Âu đã hoàn tất việc phê duyệt EVFTA, chính thức hoàn thiện mọi thủ tục liên quan ở phía EU.
 Nếu Quốc hội phê chuẩn Hiệp định ngay tại kỳ họp cuối tháng 5 tới theo kế hoạch, EVFTA dự kiến sẽ có hiệu lực vào khoảng tháng 7/2020.
 Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác phê chuẩn tại Quốc hội, thời gian qua Bộ Công Thương đặc biệt chú trọng đến công tác chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định ở cả cấp Chính phủ, cấp Bộ, ngành, địa phương và trong nội bộ của Bộ Công Thương.
 Từ kinh nghiệm từ thực thi những FTA trước đây, với Hiệp định EVFTA, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để chủ động chuẩn bị trước các bước cần thiết, hướng tới thực thi Hiệp định một cách hiệu quả nhất, hiện thực hóa những cơ hội mà Hiệp định mang lại ngay tại thời điểm Hiệp định có hiệu lực.
 Đối với Kế hoạch thực hiện của Chính phủ, Bộ Công Thương cho biết đã dự thảo các nội dung chính của Kế hoạch hành động của Chính phủ để chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định EVFTA. Kế hoạch hành động thực thi Hiệp định EVFTA xác định rõ mục tiêu, các nhiệm vụ chủ yếu và các đơn vị phối hợp tổ chức thực hiện kế hoạch.
 Trong đó, các nhiệm vụ chủ yếu bao gồm 5 nhóm chính: Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường của các nước EU; công tác xây dựng pháp luật, thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; và chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
 Dự thảo Kế hoạch này đã được đưa vào bộ hồ sơ trình các cấp về việc phê chuẩn Hiệp định. Sau khi Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA, dự thảo Kế hoạch sẽ tiếp tục được hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ chính thức ban hành.

Mới đây nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí trình Quốc hội xem xét, quyết định phê chuẩn toàn văn EVFTA trong Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV

 Mới đây nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí trình Quốc hội xem xét, quyết định phê chuẩn toàn văn EVFTA trong Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV
Đối với Kế hoạch thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương, ngày 8/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương chủ động xây dựng Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA để kịp thời ban hành ngay tại thời điểm Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
 Theo đó, để đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất giữa các cơ quan trung ương và địa phương nhằm bảo đảm việc thực thi Hiệp định được hiệu quả và đầy đủ, Bộ Công Thương đã xây dựng mẫu Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA và gửi các Bộ, ngành, địa phương tham khảo trong quá trình xây dựng kế hoạch thực hiện của cơ quan mình.
 Về phía mình, để có sự chuẩn bị tốt nhất cho việc thực thi Hiệp định sau này, không đợi đến khi Hiệp định có hiệu lực, ngày 20/3/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định triển khai một số hoạt động chuẩn bị cho việc phê chuẩn và thực thi Hiệp định EVFTA giai đoạn từ tháng 3/2020 đến khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
 Theo đó, bên cạnh việc triển khai các công việc phục vụ cho Quốc hội xem xét phê chuẩn Hiệp định, Bộ cũng sẽ triển khai một loạt các hoạt động để chuẩn bị cho công tác thực thi Hiệp định EVFTA sau này, cụ thể như tuyên truyền, phổ biến về Hiệp định dưới nhiều hình thức; rà soát và xây dựng sớm các văn bản pháp luật để bảo đảm có đầy đủ và kịp thời cơ sở pháp lý khi Hiệp định chính thức có hiệu lực; nghiên cứu, xây dựng các kịch bản khai thác, phát triển thị trường theo các nhóm ngành hàng mà Việt Nam có lợi thế để thúc đẩy xuất khẩu sang EU… Đây được coi như là bước đệm để việc thực thi đạt hiệu quả tối đa.
 Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã hoàn thiện về cơ bản Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA của Bộ cho giai đoạn 2020 và 2021-2025 trên cơ sở cụ thể hóa các hoạt động thuộc phạm vi phụ trách trong dự thảo Kế hoạch thực thi của Chính phủ.
 Dự kiến ngay sau khi Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện của Chính phủ (khi Hiệp định EVFTA được Quốc hội phê chuẩn và chính thức có hiệu lực) thì Bộ cũng sẽ ban hành Kế hoạch thực hiện của Bộ.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh làm việc với lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị chức năng liên quan về công tác chuẩn bị thực thi EVFTA

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh làm việc với lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị chức năng liên quan về công tác chuẩn bị thực thi EVFTA
Sẵn sàng khai thác cơ hội từ Hiệp định
Bên cạnh việc đẩy sớm quá trình chuẩn bị cho ban hành Kế hoạch thực thi Hiệp định EVFTA ở các cấp khác nhau, với những nhóm công việc trong dự thảo Kế hoạch của Chính phủ, Bộ Công Thương cũng đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương để đẩy nhanh khâu chuẩn bị như xây dựng dự thảo các văn bản pháp luật cần ban hành, đổi mới phương thức tuyên truyền, phổ biến về Hiệp định EVFTA trong bối cảnh tình hình dịch bệnh.
 Nhằm bảo đảm có cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc thực thi Hiệp định EVFTA ngay khi Hiệp định có hiệu lực, Bộ Công Thương đã liệt kê các văn bản quy phạm pháp luật cần phải được ban hành ngay thời điểm Hiệp định EVFTA có hiệu lực; và theo đó đã kiến nghị Thủ tướng giao các Bộ, ngành triển khai ngay việc xây dựng và/hoặc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật này với mục tiêu là ban hành cùng với thời điểm có hiệu lực của Hiệp định EVFTA.
 Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ về việc rà soát để triển khai việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản bản pháp luật để thực thi EVFTA, Bộ Công Thương đã gửi công văn cho tất cả các Bộ, ngành cập nhật về tình hình phê chuẩn của Việt Nam và EU, dự kiến thời gian Hiệp định chính thức có hiệu lực, cung cấp kết quả rà soát của Bộ Công Thương về danh mục các văn bản pháp luật cần ban hành ngay và nhóm cam kết áp dụng trực tiếp khi Hiệp định có hiệu lực, cũng như cung cấp các thông tin cần lưu ý để các Bộ, ngành tham khảo trong quá trình rà soát và xây dựng, sửa đổi các văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách.
 Đối với các văn bản pháp luật do Bộ Công Thương chủ trì xây dựng, cụ thể là Thông tư quy định về xuất xứ hàng hóa để thực thi EVFTA, Bộ cũng đã chủ động xây dựng dự thảo từ tháng 12/2019, hiện đang trong quá trình tổng hợp lấy ý kiến và sẽ bảo đảm ban hành có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Hiệp định EVFTA.
 Liên quan đến việc chuẩn bị thực thi của phía EU, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với EU trong quá trình xây dựng và hoàn thiện cơ chế cấp hạn ngạch thuế quan cho các loại gạo của Việt Nam có trong danh mục được hưởng hạn ngạch với thuế suất trong hạn ngạch là 0% khi xuất khẩu sang EU.

Bộ Công Thương phối hợp với EU hoàn thiện cơ chế cấp hạn ngạch thuế quan 0% cho gạo Việt Nam xuất khẩu sang EU

 Bộ Công Thương phối hợp với EU hoàn thiện cơ chế cấp hạn ngạch thuế quan 0% cho gạo Việt Nam xuất khẩu sang EU
Mặt khác, nhằm phổ biến Hiệp định EVFTA tới đông đảo người dân, đặc biệt là đối tượng doanh nghiệp và cán bộ quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, Bộ Công Thương đã thiết lập trang điện tử chuyên sâu về Hiệp định EVFTA tại địa chỉ evfta.moit.gov.vn, để cung cấp thông tin, giải thích cam kết cũng như kết nối với người dân và doanh nghiệp về EVFTA.
 Ngoài ra, Bộ cũng đã lên kế hoạch đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về Hiệp định thông qua việc tổ chức các hội thảo, khóa tập huấn chuyên sâu trải dài hầu khắp các tỉnh thành, tập trung tại các địa phương có các đơn vị được Bộ Công Thương ủy quyền cấp C/O; và/hoặc nơi tập trung các khu công nghiệp lớn, có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu. Từ giờ đến cuối năm 2020, trong trường hợp tình hình dịch bệnh Covid-19 kết thúc, Bộ Công Thương sẽ cho triển khai đồng bộ các hoạt động này.
 Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh, Bộ Công Thương đã lên phương án đổi mới phương thức tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến bằng cách xây dựng các khóa đào tạo, tập huấn dưới hình thức trực tuyến cho các đối tượng là cán bộ các Sở, ngành và doanh nghiệp địa phương để nâng cao nhận thức và kiến thức về các cam kết cụ thể trong từng lĩnh vực của Hiệp định.

Nguồn: Tapchicongthuong.vn