Hiện xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19 song TS. Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định rằng, xuất khẩu của Việt Nam vẫn có cơ hội sau dịch.
Phân tích cụ thể, bà Trang chỉ ra: Thứ nhất, về cầu thì trong thời gian dịch bệnh, Việt Nam đã nâng được uy tín của mình từ việc kiểm soát tốt dịch bệnh, có sự ứng xử nhân văn với các nước đối tác, nước bạn. Thứ hai, một số mặt hàng như lương thực thực phẩm, vật tư y tế, thiết bị máy tính có thế mạnh xuất khẩu thì nhu cầu trên toàn cầu cũng tăng lên.
Ngoài ra, ở thị trường EU, việc hiệp định EVFTA đi vào thực tế cũng tạo cho Việt Nam nhiều cơ hội. Lý do, EU là thị trường xuất khẩu lớn, trên 400 triệu dân và cũng là khu vực có sức mua lớn thứ 2 thế giới. Đặc biệt, các đối thủ cung cấp hàng hóa có tính cạnh tranh với Việt Nam tại EU như Trung Quốc đều chưa có hiệp định với nền kinh tế này. Do đó, về dài hạn, cơ hội là có và chúng ta làm tốt vẫn có thể tận dụng được.
Một điểm đáng chú ý khác, EVFTA mang đến cơ hội lớn nhất là thuế quan, giúp hàng hoá cạnh tranh hơn về giá. Trong khi đó, khó khăn mà COVID-19 gây ra cho thương mại là làm giảm nhu cầu, tăng tính cạnh tranh ở nguồn cung. Do đó, khi EVFTA đi vào thực tế thì lợi thế về giá giúp Việt Nam có thêm một chút lợi thế trong việc cung ứng hàng hóa, nhưng nó không làm thay đổi nhu cầu. Hiệp định này giúp các nhà xuất khẩu Việt Nam một phần nhưng không khắc phục được hết những khó khăn mà họ đang đối mặt sau dịch bệnh.
Theo các chuyên gia, ở thời điểm hiện tại dù xuất khẩu đi các thị trường nói chung và EU nói riêng có sụt giảm nhưng đây chỉ là trong ngắn hạn. Về vấn đề này, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan - cho biết, trước mắt, xuất khẩu từ Việt Nam sang liên minh châu Âu (EU) có thể bị sụt giảm, không đạt được như kỳ vọng được đặt ra (trước khi có dịch bệnh) mà ta trông chờ vào EVFTA, EVIPA. Thế nhưng, sự sụt giảm này chỉ trong ngắn hạn, về lâu dài sẽ tăng. Lâu nay, xuất khẩu nhiều nhưng 70% là đến từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Cũng như bà Trang, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) khẳng định: Sau dịch ngành thủy sản xuất khẩu sẽ có những cơ hội nhất định. Cụ thể các quốc gia sản xuất thủy sản cạnh tranh chính với Việt Nam như Ấn Độ, Ecuado phải phong tỏa cách ly chống dịch dẫn đến sự sụt giảm 50% sản lượng sản xuất, xuất khẩu; Indonesia hay Philippines, Thái Lan cũng giảm khoảng 30%. Các nước này sẽ có độ trễ đáng kể hơn Việt Nam về phục hồi sản xuất sau dịch để duy trì nguồn cung thủy sản cho thế giới. Đây là cơ hội lớn cho thủy sản Việt Nam…
Đặc biệt, khi EVFTA được thực thi doanh nghiệp thủy sản sẽ có thêm lợi thế về thuế suất cũng như thuận lợi hơn các thủ tục pháp lý liên quan sang EU. Bởi lẽ EU là thị trường quan trọng với thủy sản và để tận dụng được lợi ích về thuế quan các doanh nghiệp thủy sản đã chuẩn bị hệ thống tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế, cập nhật thông tin hoạt động chế biến, logistics… nên sẽ đáp ứng được các nội dung đưa ra trong Hiệp định EVFTA.
Với các ngành hàng khác như nông sản, gỗ hay lúa gạo cũng được doanh nghiệp kỳ vọng rất lớn sau dịch và đều có sự chuẩn bị sẵn sàng. Trong đó ngành hàng rau củ đã nhanh chóng nắm bắt yêu cầu của thị trường bằng việc tăng diện tích vùng trồng theo chuẩn quốc tế; còn doanh nghiệp ngành lúa gạo đã tăng liên kết với người nông dân để sản xuất theo yêu cầu của thị trường.

Nguồn: Congthuong.vn