Trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề triển khai EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (IPA) tại buổi họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV do Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức chiều nay 18/10, ông Lê Anh Tuấn, Ủy viên thường trực Ủy ban đối ngoại của Quốc hội cho hay: Hiện nay, hai bên đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ, thủ tục nội bộ để trình phê chuẩn trong thời gian tới. 
Về phía Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn chỉnh báo cáo tác động về kinh tế. Bộ Tư pháp đang hoàn tất quá trình rà soát hệ thông pháp luật để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật Việt Nam với các cam kết trong các hiệp định. 
Ủy ban đối ngoại của Quốc hội sau khi nhận đầy đủ hồ sơ sẽ tiến hành thẩm tra theo quy định luật pháp quốc tế.
Về phía EU, dự kiến đầu năm 2020 Nghị viện châu Âu mới có phiên họp toàn thể để xem xét EVFTA. Theo lộ trình này, EVFTA có thể được phía EU phê chuẩn trong nửa đầu năm 2020. Theo quy định, hiệp định có hiệu lực 2 tháng sau đó hoặc vào thời điểm do 2 bên thống nhất. 
Với EVIPA, hiện nay chưa có dự kiến về lộ trình và thời gian có hiệu lực. 

EVFTA và EVIPA chính thức được ký kết vào ngày 30/6/2019. Theo thỏa thuận, Việt Nam sẽ giảm 65% thuế nhập khẩu đối với hàng EU ngay khi EVFTA có hiệu lực và phần còn lại sẽ được xóa trong giai đoạn 10 năm. 

Ngược lại hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được giảm hơn 70% thuế quan với thời gian để xóa thuế nhập khẩu còn lại là 7 năm. 99% thuế quan đánh vào hàng hóa giao thương giữa hai phía sẽ được xóa bỏ. 
Bên cạnh việc mang lại những cơ hội kinh tế quan trọng, EVFTA cũng đảm bảo rằng thương mại, đầu tư và phát triển bền vững luôn song hành, bằng cách thiết lập các tiêu chuẩn cao nhất về bảo hộ lao động, an toàn, bảo vệ môi trường và người tiêu dùng. 
Trong khi đó, EVIPA sẽ giúp bảo vệ và tăng đầu tư của EU vào Việt Nam. Điều này hứa hẹn đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm hoạt động thương mại và đầu tư của EU tại Đông Nam Á.
Nguồn: Thanh Nguyễn/Hải Quan