Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nhiều thách thức cho hàng hóa Việt Nam trong vấn đề cạnh tranh, xuất xứ hàng hóa và vấn đề về phòng vệ thương mại (PVTM).
Trong thời gian qua, có hiện tượng khi bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp sản xuất chịu ảnh hưởng tìm cách khắc phục bằng việc chuyển sản xuất ra khỏi nước/nền kinh tế bị áp dụng biện pháp. Do có chính sách thuận lợi đối với đầu tư nước ngoài, Việt Nam là một trong những lựa chọn của các doanh nghiệp đó khi quyết định dịch chuyển sản xuất. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận năng lực sản xuất mới, xuất khẩu từ Việt Nam tăng nhanh khiến Việt Nam dễ trở thành đối tượng theo dõi, điều tra áp dụng các biện pháp PVTM bổ sung của nước nhập khẩu.
Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này là do các đối tác nhập khẩu nghi ngờ hàng hóa chưa đáp ứng điều kiện “chuyển đổi đáng kể” tại Việt Nam. Đặc biệt, các nghi ngờ về hàng hóa của Việt Nam “chuyển đổi đáng kể” tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào các mặt hàng đang bị áp thuế phòng vệ thương mại được xuất khẩu với số lượng lớn, gia tăng đột biến sang các nước hoặc các mặt hàng bị nghi ngờ về năng lực sản xuất của Việt Nam.
Trong giai đoạn 2000 – 2016, đã có 15 vụ việc điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trung bình 01 vụ/năm. Tuy nhiên, trong các năm 2017 – quý I/2020, đã có thêm 07 vụ việc mới được khởi xướng điều tra, trung bình mỗi năm đã có 02 vụ việc được tiến hành khởi xướng điều tra. Dự kiến xu hướng này sẽ tiếp tục gia tăng khi Việt Nam do đã có những dấu hiệu về dịch chuyển đầu tư cũng như phạm vi, số lượng sản phẩm bị áp dụng biện pháp PVTM hiện nay đang gia tăng.
Nếu Việt Nam không có các biện pháp tích cực để xử lý vấn đề lẩn tránh bất hợp pháp biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt thông qua gian lận xuất xứ, thì có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, ngành hàng cụ thể, mà lâu dài còn tác động tiêu cực tới sức cạnh tranh của cả nền kinh tế nước ta đặc biệt trong bối cảnh tham gia hàng loạt FTA có yêu cầu cao về xuất xứ. Đặc biệt, trong bối cảnh xu thế bảo hộ đang gia tăng, đặc biệt đối với nhiều nhóm sản phẩm như thép, nhôm, nông sản, thủy sản, v.v., để giảm thiểu khả năng bị áp dụng biện pháp PVTM cần có một chiến lược tổng thể, dài hạn trong việc phát triển chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai nhiều biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Tuy nhiên, dù các Bộ, ngành đã nỗ lực trong cảnh báo hành vi lẩn tránh, siết chặt quản lý, giám sát nhưng cho tới nay, nguy cơ lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ vẫn đang gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ-Trung leo thang, Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA.
Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 04/7/2019 ban hành Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng, để xử lý hiệu quả vấn đề này, bên cạnh nỗ lực của chính phủ, doanh nghiếp cũng đóng vai trò quan trọng, mang tính quyết định để hạn chế nguy cơ bị khởi kiện lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ. Doanh nghiệp cần không tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp: thực tiễn cho thấy, nếu phát hiện các hành vi này, nước nhập khẩu sẽ áp dụng chế tài “trừng phạt” rất nặng, trong nhiều trường hợp doanh nghiệp sẽ “mất” toàn bộ thị trường xuất khẩu liên quan. Bên cạnh đó, nếu phát hiện các dấu hiệu vi phạm, doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra, ngăn chặn, tránh để hành vi của một vài doanh nghiệp làm ảnh hưởng tới các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.

Nguồn: doanhnghiepvn.vn