Nhiều thuận lợi cho thương mại, đầu tư
Việt Nam đã ký hiệp định RCEP, chính thức kết thúc quá trình đàm phán 8 năm. Hiệp định có sự tham gia của 15 quốc gia (10 nước ASEAN và 5 nước: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, Niu-di-lân).
Với quy mô khu vực thương mại – kinh tế tự do khoảng 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% tổng GDP toàn cầu, khi có hiệu lực thực thi RCEP dự kiến sẽ tạo ra kết nối cung ứng lớn trong khu vực, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc đang tạo ra sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu. RCEP sẽ tạo cơ hội lớn khi Việt Nam là mắt xích trong việc tham gia và vận hành chuỗi cung ứng mới này, đồng thời được hưởng lợi từ việc cắt giảm chi phí giao dịch và môi trường kinh doanh thân thiện hơn nhờ hài hòa hóa các quy định hiện hành và áp dụng chung trong các FTA khác nhau của ASEAN. Với việc các quốc gia tham gia vào Hiệp định có cơ cấu kinh tế mang tính bổ sung cho nhau sẽ tạo ra thuận lợi rất lớn cho các thành viên và doanh nghiệp.
Các khó khăn của Việt Nam trong việc đáp ứng được quy tắc xuất xứ của các đối tác có quy định nhập khẩu khắt khe như Nhật Bản, Úc, Niu-di-lân,… sẽ được tháo gỡ khi RCEP có hiệu lực thực thi. Đây là cú huých lớn cho xuất khẩu hàng hóa bởi nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất được Việt Nam nhập khẩu từ các nước RCEP cũng sẽ được xem như là nguồn nguyên liệu được sản xuất trong nước khi xuất sang các nước có ký kết hiệp định song phương, đa phương với Việt Nam.
Như vậy, RCEP góp phần định hình thị trường xuất khẩu ổn định, bền vững cho Việt Nam và các thành viên trong khu vực ASEAN. Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), nhờ vào việc hài hòa quy tắc xuất xứ nội khối RCEP, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan, từ đó gia tăng xuất khẩu trong khu vực này, đặc biệt là ở các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Niu-di-lân...
Theo nghiên cứu của Dự án Hỗ trợ Chính sách Thương mại và Đầu tư của EU cho Việt Nam (MUTRAP), một số mặt hàng Việt Nam có sức cạnh tranh cao đã thống trị thị trường khu vực và toàn cầu (gạo, cà phê, hạt tiêu và hạt điều…), bên cạnh đó là các sản phẩm nông lâm thủy sản vẫn sẽ đóng một vai trò quan trọng trong mô hình xuất khẩu của đất nước. RCEP có thể cải thiện khả năng tiếp cận thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp, nhờ sự đa dạng các hương vị và thái độ nói chung của người tiêu dùng đối với các sản phẩm này.
Bên cạnh những lợi ích từ thương mại hàng hóa, RCEP dự kiến góp phần gia tăng nguồn vốn FDI vào Việt Nam. FDI từ các nền kinh tế phát triển sẽ có tác động tích cực tới nền kinh tế, trong đó có chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý cho Việt Nam.
Không ít thách thức đang chờ đón Việt Nam
Do cơ cấu thị trường tương tự Việt Nam nên khi RCEP được triển khai, các doanh nghiệp trong nước sẽ phải cạnh tranh với các doanh nghiệp đến từ 14 thành viên còn lại không chỉ trong xuất khẩu mà ngay tại thị trường nội địa. Trong khi hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng của các sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam còn khiêm tốn so với các sản phẩm của các nước, đặc biệt là Trung Quốc – quốc gia mà Việt Nam hàng năm vẫn phải nhập siêu rất lớn.
Triển khai RCEP có thể làm tăng độ mở của nền kinh tế Việt Nam, gia tăng sự phụ thuộc của thương mại vào một số đối tác kinh tế lớn cũng như phụ thuộc nhiều hơn vào việc xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực. Trong bối cảnh biến động của kinh tế, chính trị thế giới được dự báo sẽ diễn biến khó lường, thì việc phụ thuộc ngày càng lớn vào các yếu tố bên ngoài sẽ mang đến nhiều rủi ro cho kinh tế - xã hội Việt Nam.
Theo nghiên cứu của MUTRAP, Việt Nam sẽ phải đối diện với các thách thức lớn hơn, bao gồm giải quyết các vấn đề về chất lượng sản phẩm, nguồn lực để tận dụng lợi thế của các thỏa thuận thương mại, các hàng rào phi thuế quan, trong khi tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam sang một số nước và vùng lãnh thổ truyền thống đã bị thu hẹp, trong khi sang những nước khác cần có thời gian để tìm hiểu, thích nghi…
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tái bùng phát tại một số quốc gia và Hiệp định RCEP đã phải trì hoãn một thời gian dài nên việc RCEP được ký kết đã thể hiện được vai trò chủ tịch ASEAN của Việt Nam. Do đó, việc tận dụng tốt những cơ hội và khắc phục được khó khăn khi RCEP được thực thi dự báo sẽ tác động toàn diện đến nền kinh tế Việt Nam, từ đó giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và sản xuất khu vực, toàn cầu trong thời gian tới./. 

Nguồn: Hải Hà/http://thoibaotaichinhvietnam.vn