Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các bộ ngành, địa phương cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện những nhiệm vụ cơ bản.
Trong đó, việc tuyên truyền, phổ biến thông tin về EVFTA và thị trường của các nước EU phải đến được các đối tượng có liên quan, nhất là nông dân, ngư dân, công nhân… qua các phương tiện truyền thông, trang thông tin điện tử.
Bên cạnh đó là đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại - đầu tư tại các nước EU nhằm thông tin cho cộng đồng doanh nghiệp các nước về cơ hội và lợi thế môi trường kinh doanh đầu tư của Việt Nam, qua đó phát triển quan hệ thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực trọng điểm; xây dựng các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành hàng, doanh nghiệp.
Đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, nông dân, phù hợp với cam kết quốc tế; chuẩn bị những giải pháp ứng phó, hỗ trợ đối với những ngành hàng, mặt hàng chịu tác động lớn, trực tiếp từ việc thực thi hiệp định; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu…
Hiệp định EVFTA đã được đàm phán từ năm 2012 đến năm 2015 và chính thức được kí kết ngày 30/6/2019 tại Hà Nội, Việt Nam.
Hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong thúc đẩy hợp tác thương mại giữa Việt Nam và EU, và mở ra cơ hội cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU.
Đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Nguồn: Kinh tế và Tiêu dùng