Quá trình đàm phán, bắt đầu từ năm 2012, không có nhiều tiến triển do các thành viên còn nhiều bất đồng. Ví dụ, Ấn Độ lo ngại nguy cơ nhập khẩu ồ ạt hàng hóa Trung Quốc. Các thành viên còn lại trong RCEP gồm 10 quốc gia ASEAN, Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc.
Giới phân tích nhận định tiến độ đàm phán những vấn đề tồn đọng đã nhanh hơn trong năm nay, khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung làm gia tăng lo ngại liên quan tăng trưởng kinh tế và an ninh khu vực.
“Chúng tôi nghe nói có ánh sáng cuối đường hầm và đó vốn là một đường hầm ngắn”, theo Tang Siew Mun, trưởng Trung tâm Nghiên cứu ASEAN, Viện Yusof Ishak, Singapore.
“Vấn đề lúc này là các chính trị gia hoàn tất thỏa thuận”.
Thái Lan, đang là quốc gia chủ tịch ASEAN, hồi đầu tháng cho biết đàm phán về tiếp cận thị trường hoàn tất 80,4%. Các thành viên đã nhất trí 14 trên tổng số 20 chương. Đàm phán giữa các thành viên RCEP sẽ diễn ra sau hội nghị thượng đỉnh ASEAN – diễn ra từ ngày 31/10 đến 4/11 – tại Bangkok.
“Một số quốc gia Đông Nam Á sẽ thể hiện rằng họ có thể giúp cho quá trình hội nhập của khu vực thành công, bất chấp căng thẳng Mỹ - Trung”, Benjamin Bland, giám đốc dự án Đông Nam Á tại Viện Lowy, Sydney, Australia, nói.
Tại châu Á, Trung Quốc không phải quốc gia chịu sức ép từ chiến tranh thương mại.
Dù một số công ty đã chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc để né thuế của Mỹ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán tăng trưởng của 5 nền kinh tế hàng đầu ASEAN sẽ giảm còn 4,8% trong năm nay từ 5,3% trong năm 2018. Quỹ ước tính tăng trưởng của Ấn Độ giảm từ 6,8% về 6,1%.
Các quốc gia phụ thuộc vào Mỹ để làm đối trọng với sức ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực ngày càng hoài nghi khả năng của họ trong nỗ lực này.
Các thành viên của RCEP, bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc và Thái Lan, đều có thặng dư thương mại lớn với Mỹ - mối lo đối với Tổng thống Donald Trump.
Quan hệ thương mại Mỹ - Thái gần đây cũng trở nên căng thẳng. Washington đã rút lại ưu đãi với 1,3 tỷ USD hàng hóa Thái Lan hôm 25/10, cáo buộc Bangkok không bảo vệ quyền lợi công nhân.
‘Dấu hiệu cảnh báo’
“Căng thẳng thương mại nên là tín hiệu cảnh báo cuối cùng về việc châu Á cần một nền tảng chung và một nơi để tham gia các vấn đề kinh tế”, Deborah Elms, giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại châu Á, Singapore, nói.
Đó sẽ là một “cơ hội lớn bị bỏ lỡ” nếu lãnh đạo các nước không thông báo về sự thành công của thỏa thuận tại cuộc họp tuần này. RCEP mang mục tiêu tiếp tục xây dựng các thỏa thuận tự do thương mại mà ASEAN đang có với những nước thành viên còn lại.
RCEP được coi là phương án thay thế, được Trung quốc ủng hộ, cho Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). CPTPP gồm 11 nước quanh Thái Bình Dương, sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
RCEP mang ít tham vọng hơn trong những lĩnh vực thương mại sẽ được mở cửa và những điều kiện thành viên phải đáp ứng. Tuy nhiên, thỏa thuận vẫn được kỳ vọng mang lại lực đẩy mạnh cho thương mại khu vực, trong bối cảnh chính quyền Trump thách thức nhiều thỏa thuận thương mại đa phương.
“Hoàn tất đàm phán RCEP sớm nhất có thể là đóng góp đáng kể cho sự ổn định dài hạn, thịnh vượng và phát triển của khu vực”, Li Chenggang, trợ lý Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc, nói ngày 28/10.
“Quá trình đàm phán đang ở giai đoạn nước rút”.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường xác nhận dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN trong khi Mỹ chưa thông báo đại diện nào ngoài trợ lý ngoại trưởng David Stilwell.
Năm ngoái, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence thay mặt Tổng thống Trump gặp các lãnh đạo ASEAN.
“ASEAN hy vọng ít nhất có thể thông báo có tiến triển đáng kể, đảm bảo giữ đà”, Peter Mumford, công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group, nhận định.

Nguồn: Như Tâm/Người đồng hành (Theo Reuters)