Giá vàng trong nước tăng vượt mức 47 triệu đồng/lượng
Vào thời điểm lúc 11h30 giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 46,52 triệu đồng/lượng (tăng 900.000 đồng/lượng so với cuối tuần qua) - bán ra 47,02 triệu đồng/lượng (tăng 950.000 đồng/lượng).
Tập đoàn PNJ - SJC niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức mua vào 46 triệu đồng/lượng (tăng 900.000 đồng/lượng) - bán ra 46,90 triệu đồng/lượng (tăng 1.000.000 đồng/lượng).
Giá vàng SJC niêm yết tại Phú Quý SJC mua vào 46,40 triệu đồng/lượng (tăng 700.000 đồng/lượng) - bán ra 46,90 triệu đồng/lượng (tăng 900.000 đồng/lượng).
Giá vàng SJC của công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá mua vào 46,50 triệu đồng/lượng (tăng 840.000 đồng/lượng) - bán ra 46,95 triệu đồng/lượng (tăng 1.000.000 đồng/lượng).
Giá vàng thế giới tăng vọt lên trên mức 1.660 USD/oune
Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, giá vàng thế giới đã diễn biến hết sức bất thường khi đột ngột lao dốc từ ngưỡng 1.650 USD xuống 1.450 USD ngay thời điểm phiên giao dịch bắt đầu. Giá vàng rơi thẳng đứng và chạm mốc 1.384,1 USD/ounce. Hiện chưa rõ yếu tố nào khiến giá vàng bị tác động mạnh như vậy. Tuy nhiên, ngay sau khi chạm đáy, vàng nhanh chóng bật tăng trở lại và đáng chú ý là đã vượt ngưỡng 1.650 USD và ngưỡng 1.660 USD/oune.
Lúc 7h30 theo giờ Việt Nam, giá vàng lên 1.662,5 USD/ounce, tăng 18,5 USD (1,13%) so với mức chốt cuối tuần trước (tương đương tăng hơn 517.000 đ/lượng quy đổi), đến 11h30 vẫn ở mức 1.660,2 USD/ounce.
Trong tuần qua, giá vàng đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 7 năm trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp và bùng phát tại nhiều quốc gia trên thế giới. Dịch bệnh đã khiến nhiều nhà đầu tư vàng nhận định sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, khi vàng được lựa chọn là kênh trú ẩn an toàn sẽ có cơ hội tăng giá trong thời gian dài.
Về diễn biến tuần này, 93% chuyên gia nhận định giá vàng tăng mạnh, 7% cho rằng giá vàng giảm và không có chuyên gia nào giữ quan điểm trung lập. Còn đối với kết quả khảo sát trực tuyến trên thị trường, 73% nhà đầu tư dự đoán giá vàng tăng, chỉ có 17% cho rằng giá giảm và còn lại 10% dự đoán giá vàng đi ngang.
Thị trường kim loại quý đang tỏ ra hết sức lạc quan về triển vọng trong ngắn hạn khi dịch virus Corona tiếp tục diễn biến theo hướng xấu khi lan rộng cả trong và ngoài đại lục Trung Quốc, nhất là tại Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tại Trung Quốc, chính quyền nước này đã có kế hoạch cho các doanh nghiệp hoạt động trở lại. Thông tin mới phát đi hôm qua cũng cho biết, nỗ lực thúc đẩy thanh khoản và thu hút nhà đầu tư, Ủy ban Quản lý Chứng khoán Trung Quốc sẽ cho phép các ngân hàng thương mại và tổ chức bảo hiểm đủ điều kiện tham gia giao dịch trái phiếu chính phủ kỳ hạn trên Sàn giao dịch tài chính kỳ hạn Trung Quốc trong bối cảnh nước này mở cửa thị trường trái phiếu cho các nhà đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh các chính sách cải cách lãi suất, thay đổi lãi suất cho vay chuẩn và thông báo sẽ còn giới thiệu thêm các công cụ phái sinh khác để giúp phòng ngừa rủi ro lãi suất.
Trước đó một ngày, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc năm 2020 giảm 0,4% so với ước tính hồi tháng 1/2020 xuống 5,6%. Theo nhận định của IMF, các chính sách mới ban hành sẽ giúp kinh tế Trung Quốc phục hồi trong quý II/2020 và tác động đối với nền kinh tế toàn cầu là tương đối nhỏ và chỉ tồn tại trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nhu cầu năng lượng tại nước này giảm đi cũng sẽ tác động trực tiếp tới các nền kinh tế tại Trung Đông.
Từ đầu năm 2020 đến nay, giá vàng liên tục đi lên khi trở thành kênh trú ẩn an toàn của các nhà đầu tư. Theo cuộc khảo sát vàng của Kitco News hàng tuần cũng kỳ vọng rất nhiều về giá sẽ tiếp tục tăng, do sự kết hợp giữa việc phân tích biểu đồ giá cũng như lo lắng liên tục về sự bùng phát của dịch Covid-19.
Nhiều dự báo cho rằng, vàng đang có một xu hướng tăng giá rõ ràng và sẽ hướng tới ngưỡng 1.700 USD/ounce. Một số chuyên gia thậm chí còn dự báo vàng sẽ lên đến 2.000 USD/ounce vì các ngân hàng trung ương thế giới tiếp nới lỏng chính sách tiền tệ.
Theo giới phân tích, giá vàng đang hướng đến ngưỡng 1.700 USD/ounce và thậm chí có thể phá ngưỡng 1.800 USD/ounce (tương đương mức 50 triệu đồng/lượng) trong thời gian tới.
Afshin Nabavi, Chủ tịch phòng giao dịch MKS cũng nhìn nhận, giá vàng đang có nhiều khả năng tăng lên mức 1.675 USD/ounce. Tuy nhiên, vị này cũng đánh giá, vàng đang hiện hữu trong một thị trường không bền vững khi chưa thực sự được kiểm soát.
Richard Baker, báo cáo viên của Eureka cũng cho biết, giá vàng còn có khả năng sẽ có mức tăng nhảy vọt lên mốc 1.800 USD/ounce khi dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu được kiểm soát.
Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs tại Mỹ cũng lập luận rằng, đà tăng giá của vàng vẫn còn cơ sở để “bùng nổ” hơn nữa khi lợi nhuận từ đầu tư chứng khoán của nước này đang trên đà sụt giảm. Giá vàng thực sự có được kiểm soát hay không sẽ phụ thuộc rất lớn vào mức độ phản ứng từ chính sách tiền tệ toàn cầu.

Nguồn: VITIC