Giá vàng trong nước giảm
Vào thời điểm lúc 16h giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 52,75 triệu đồng/lượng lượng (tăng 190.000 đ/lượng so với cuối giờ chiều qua) - bán ra 55,60 triệu đồng/lượng (giảm 800.000 đ/lượng).
Tập đoàn PNJ - SJC niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức mua vào 53,40 triệu đồng/lượng (tăng 200.000 đ/lượng) - bán ra 55,60 triệu đồng/lượng (giảm 600.000 đ/lượng).
Giá vàng SJC niêm yết tại Phú Quý SJC mua vào 53,70 triệu đồng/lượng (giảm 300.000 đ/lượng) - bán ra 55,50 triệu đồng/lượng (giảm 850.000 đ/lượng).
Giá vàng SJC của công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá mua vào 53,70 triệu đồng/lượng (giảm 100.000 đ/lượng) - bán ra 55,48 triệu đồng/lượng (giảm 720.000 đ/lượng).
Giá vàng thế giới 1.929 - 1.930 USD/ounce
Giá vàng thế giới hôm nay giao dịch trong khoảng 1.929 - 1.930,2 USD/ounce, tăng 8,1 USD/ounce so với sáng hôm qua.
Đêm 12/8 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.940 USD/ounce. Vàng giao tháng 12 trên sàn Comex New York ở mức 1.946 USD/ounce.
Giá vàng hiện cao hơn khoảng 27,5% (419 USD/ounce) so với đầu năm 2020. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 55,0 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 1 triệu đồng/lượng so với trong nước.
Vàng thế giới tăng giá khá mạnh trở lại sau cú lao dốc không phanh trong phiền liền trước. Giới đầu tư bắt đáy, đánh cược vào một con sóng tăng giá mạnh thứ 2 của mặt hàng kim loại quý này.
Sau khi giảm mạnh về dưới ngưỡng 1.870 USD/ounce vào sáng ngày 12/8, giá của kim loại quý đã hãm được đà "rơi" và hồi phục khá nhanh vào chiều ngày 12/8 trong bối cảnh số liệu Chính phủ Anh công bố ngày 12/8 cho thấy, nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới này đã rơi vào suy thoái sau khi giảm hai quý liên tiếp. Cụ thể, nền kinh tế Anh đã giảm kỷ lục 20,4% trong giai đoạn từ tháng 4-6/2020. Điều này làm gia tăng lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra.
Bên cạnh đó, giới chuyên gia cũng cảnh báo, nền kinh tế số một thế giới cận kề nguy cơ suy thoái nghiêm trọng nếu Chính phủ và Quốc hội Mỹ không đạt thỏa thuận về gói cứu trợ tài chính mới liên quan dịch Covid-19. Ngày 11/8, lãnh đạo phe đa số của đảng Cộng hòa tại Thượng viện đã hối thúc Nhà trắng và các nghị sĩ đảng Dân chủ nhanh chóng khởi động lại đàm phán. Ngoài ra, việc ngân hàng trung ương các nước in tiền nhiều hơn, môi trường lãi suất thấp, căng thẳng địa chính trị tiếp tục gia tăng, quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ - Trung ngày càng xấu đi, đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp... vẫn sẽ là động lực tăng giá chính đối với vàng.
Trên Bloomberg, theo đánh giá của Ngân hàng Saxo Bank A/S, giá vàng giảm trong phiên vừa qua là “quá đà”. Theo đó, sự điều chỉnh không phải là tín hiệu kết thúc xu hướng tăng giá của mặt hàng kim loại này. Đại diện của DoubleLine Capital LP kỳ vọng vàng sẽ lên các mức cao hơn.
Trong phiên giao ngày ngày 12/8, giá vàng thế giới giao ngay đã giảm tới 5,7%, mức giảm mạnh nhất trong vòng 7 năm và xuống tới ngưỡng 1.860 USD/ounce. Tuy nhiên, giá kim loại này đã và đang hồi phục nhanh chóng. Tính từ đầu năm tới nay, vàng vẫn ghi nhận mức tăng khoảng 27%. Vàng vẫn nhận được nhiều dự báo tăng giá từ hàng loạt tổ chức tài chính uy tín trên thế giới. Bank of America Corp. dự báo vàng sẽ lên ngưỡng 3.000 USD/ounce (85 triệu đồng/lượng).
Theo các chuyên gia, kỳ vọng vào sự hồi phục nhanh theo hình chữ V của các nền kinh tế trên thế giới sau đại dịch Covid là khá xa vời. Nhiều yếu tố vẫn hỗ trợ cho triển vọng của vàng. Tuy nhiên, về ngắn hạn, vàng có thể vẫn chịu áp lực củng cố lại.
Về dài hạn, vàng được dự báo vẫn ở trong xu hướng tăng. Căng thẳng Mỹ-Trung và đại dịch Covid còn phức tạp và quan trọng hơn là một khối lượng tiền khổng lồ được các nước bơm ra thị trường là các yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ đối với vàng. Theo các chuyên gia, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang in hàng nghìn tỷ USD, trong khi chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết không có kế hoạch tăng lãi suất.

Nguồn: VITIC