Giá vàng trong nước biến động nhẹ
Vào thời điểm lúc 11h30 giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 42,20 triệu đồng/lượng (giảm 50.000 đ/lượng so với cuối tuần qua) - bán ra 42,52 triệu đồng/lượng (giảm 100.000 đ/lượng).
Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức mua vào 42,25 triệu đồng/lượng (tăng 200.000 đ/lượng) - bán ra 42,55 triệu đồng/lượng (không đổi).
Giá vàng SJC niêm yết tại Phú Quý SJC mua vào 42,25 triệu đồng/lượng (tăng 50.000 đ/lượng) - bán ra 42,55 triệu đồng/lượng (giảm 100.000 đ/lượng).
Giá vàng SJC niêm yết tại Bảo Tín Minh Châu mua vào 42,26 triệu đồng/lượng - bán ra 42,52 triệu đồng/lượng (không đổi ở cả chiều mua vào và bán ra).
Giá vàng thế giới vẫn ở mức cao
Giá vàng thế giới trên sàn Kitco lúc 11h30 giao dịch ở mức 1.523,7 USD/ounce (giảm 0,3 USD/ounce so với phiên cuối tuần qua).
Giá vàng hôm nay cao hơn 18,9% (242 USD/ounce) so với đầu năm 2019. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 42,2 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn 360 ngàn đồng so với vàng trong nước.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi sự bứt phá của giá vàng ở ngưỡng 1.600 USD/ounce. Tuy nhiên, đà tăng của giá vàng cũng bị kiềm chế lại sau khi Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết 2 bên nên tạo điều kiện cho những tiến triển trong đàm phán và rằng Trung Quốc phản đối leo thang căng thẳng thương mại. Tuy vậy, vàng vẫn đang ở mức cao chót vót, nhiều chuyên gia quốc tế tin rằng, vàng vẫn còn được hỗ trợ tốt chừng nào căng thẳng Mỹ – Trung vẫn còn tiếp diễn. Thêm nữa, nhiều khả năng FED sẽ cắt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng. Trên thực tế FED đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay liên bang hồi cuối tháng 7, sau đó ngân hàng trung ương nhiều nước cũng đua nhau giảm lãi suất nội tệ, khiến vàng càng được ưa chuộng, trở thành nơi trú ẩn của nhiều định chế tài chính và các quỹ đầu tư, nhà đầu tư cá nhân.
Tuy nhiên, những tín hiệu bất ngờ gần đây là các ngân hàng trung ương trên thế giới đang đẩy mạnh việc mua vàng. Theo báo cáo quý II/2019 của Hội đồng Vàng Thế giới, nhu cầu mua vàng trong 6 tháng qua là 2.181,7 tấn, cao nhất trong 3 năm qua. Phần lớn là các ngân hàng trung ương, mua đến 224,4 tấn vàng trong quý II, là mức mua ròng trong 19 năm trở lại đây. Đà tăng của vàng về dài hạn vẫn còn trong bối cảnh ngân hàng trung ương các nước nới lỏng chính sách tiền tệ và bất ổn địa chính trị nhiều nơi trên thế giới. Các quỹ giao dịch vàng lớn trên thế giới cũng đẩy mạnh mua vàng trong thời gian gần đây. Quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust trong tháng 8 đã tăng lượng vàng nắm giữ thêm 6,6%.
Thống kê mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ số giá vàng tháng 8 tăng 4,61% so với tháng trước, tăng 14,33% so với tháng 12/2018 và tăng 14,93% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, bình quân giá vàng thế giới tính đến ngày 24/8/2019 tăng 5,46% so với tháng 7. “Giá vàng trong nước tiếp tục tăng theo giá vàng thế giới do căng thẳng địa chính trị ở khu vực Trung Đông, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung và đồng USD giảm giá khi Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất từ ngày 31/7/2019”, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết.
Giá vàng hiện đang được hỗ trợ bởi những thông tin xung quanh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khi đợt áp thuế bổ sung của Mỹ lên 125 tỷ USD hàng Trung Quốc đã chính thức có hiệu lực từ 1/9/2019.
Trung Quốc cũng đáp trả bằng việc bắt đầu áp các mức thuế bổ sung 5% và 10% đối với 1.717 mặt hàng của Mỹ. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng áp thuế 5% đối với dầu thô của Mỹ. Dự kiến cuối tháng này, các phái đoàn Mỹ và Trung Quốc sẽ họp mặt để thảo luận về các vấn đề thương mại song phương.
Từ cuộc chiến thương mại, Hàn Quốc là nước đang gánh chịu hậu quả khá nặng khi xuất khẩu tháng 8 của nước này tiếp tục sụt giảm, đánh dấu tháng giảm thứ 9 liên tiếp bởi thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước này là Trung Quốc giảm mạnh nhu cầu vì chiến tranh thương mại. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng đang có tranh chấp thương mại với Nhật Bản, khiến khó khăn của nền kinh tế này gia tăng.
Những thông tin kinh tế ảm đảm nói trên cùng với sự mất giá mạnh đáng báo động của đồng peso Argentina đang hậu thuẫn cho giá vàng.
Trong tháng 8 vừa qua, giá vàng thế giới đã tăng hơn 100 USD/ounce và ghi nhận mức cao mới trong 6 năm rưỡi qua: 1.550 USD/ounce. Trong tháng 8, cả Mỹ và Trung Quốc đã phá bỏ thỏa thuận đình chiến và liên tục áp thuế quan lên hàng hóa của nhau. Đồng thời, giới đầu tư cũng tin rằng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trong thời gian tới khi nền kinh tế Mỹ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ chiến tranh thương mại.
Chính quyền ông Donald Trump áp thuế 15% đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tổng trị giá 125 tỷ USD, gồm loa thông minh, tai nghe hồng ngoại bluetooth và nhiều loại giày dép… từ hôm 1/9. Trong khi đó, Bắc Kinh bắt đầu áp các mức thuế bổ sung 5% và 10% đối với cả ngàn mặt hàng của Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết các phái đoàn Mỹ và Trung Quốc vẫn sẽ họp mặt để thảo luận về các vấn đề thương mại vào cuối tháng 9.
Trên thực tế, giá vàng gần đây có dấu hiệu chững lại do giới đầu tư nhận thấy tình hình kinh tế thế giới nói chung không có vẻ nghiêm trọng như trước đây. Vàng có thể trượt thấp hơn trong thời gian tới vì tâm lý nhà đầu tư đã được cải thiện trong tuần qua. Mặc dù vậy, xu hướng tăng dài hạn vẫn còn nguyên.
Một số nhà đầu tư đã tính bán chốt lời, lấy một số lợi nhuận từ vàng trong môi trường thị trường hiện tại, nhưng vẫn sẽ duy trì vị thế cốt lõi vì vọng giá sẽ tiếp tục tăng cao hơn.
Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn: Vinanet