Giá vàng trong nước tăng gần 1 triệu đồng/lượng
Giá vàng tăng nhanh trong những ngày đầu năm mới và đang hướng tới ngưỡng 45 triệu đồng/lượng trong bối cảnh một số khu vực trên thế giới đã rơi vào tầm khó kiểm soát và sự bất định vẫn ngự trị trên nhiều thị trường.
Giá vàng trong nước liên tục xác lập những mặt bằng cao mới và có dấu hiệu khó có thể trở về các mức thấp trước đây trong bối cảnh các tin xấu vẫn dồn dập đến với thế giới và nhu cầu đối với mặt hàng kim loại quý vẫn rất lớn.
Sau 5 năm nằm im quanh ở mức 36 triệu đồng/lượng (giá doanh nghiệp bán ra), giá vàng trong hơn nửa năm qua tăng rất mạnh , dồn dập lên mức 37 triệu đồng/lượng hồi tháng 6/2019 rồi tăng vọt và ổn định trên mức 41 triệu đồng/lượng trong 3 tháng cuối năm trước khi bật tăng tiếp trong những phiên gần đây.
Giá vàng SJC giao dịch tuần qua từ ngày 30/12/2019 - 4/1/2020 tăng mạnh cả hai chiều mua bán, đạt mức kỉ lục mới. Tại phiên giao dịch đầu tuần ngày 30/12/2019, giá vàng tăng 50.000 - 100.000 đồng/lượng so với tuần trước đó, hôm sau tiếp tục tăng 200.000 - 350.000 đồng/lượng. Đà tăng tạm lắng vào ngày 2/1/2020, sau Tết Dương lịch 2020. Sau đó, xu hướng tăng lại xuất hiện trong các phiên giao dịch tiếp theo, với mức tăng 80.000 - 420.000 đồng/lượng.
Kết thúc tuần giao dịch ngày 4/1/2020, giá mua vào vàng miếng SJC là 42,92 triệu đồng/lượng và giá bán ra 43,32 triệu đồng/lượng
Tính chung cả tuần, giá vàng SJC tăng trong 780.000 - 910.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước, đây là tuần tăng liên tiếp thứ ba trong hơn một tháng vừa qua.
Giá vàng thế giới đạt gần mức cao nhất trong 6 năm rưỡi
Trên thị trường thế giới, giá vàng tuần qua tăng cao do đồng USD suy yếu trong bối cảnh những diễn biến mới của thị trường có lợi cho kim loại quí. Cụ thể, tại phiên giao dịch đầu tuần, giá vàng duy trì đà tăng của tuần trước đó, đạt trên 1.500 USD/ounce khi lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu và tình hình thương mại Mỹ - Trung Quốc đã giảm nhu cầu về đồng bạc xanh. Sau đó, giá vàng bật tăng cao nhất trong hơn 3 tháng tại phiên giao dịch ngày 31/12/2019 khi đồng USD suy yếu đã khuyến khích giới giao dịch đầu tư vào vàng - tài sản an toàn. Đà tăng tiếp tục kéo dài khi USD xuống gần mức thấp nhất trong 6 tháng trong bối cảnh sự vượt trội về kinh tế của Mỹ có thể sắp kết thúc và tăng thêm hơn 1% tại phiên giao dịch ngày 3/1/2020 đạt gần mức cao nhất trong 6 năm rưỡi vì các nhà đầu tư đổ xô vào tài sản an toàn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh không kích và giết chết tướng Iran Qassim Soleimani ngay tại sân bay quốc tế Baghdad mà không có sự thông qua của Quốc hội Mỹ. Quyết định của ông Donald Trump xảy ra ngay sau khi đại sứ quán Mỹ tại Iraq hôm cuối năm bị người biểu tình thiêu trụi mà theo cáo buộc của người đứng đầu Nhà Trắng là do Iran đứng đằng sau.
Chốt phiên giao dịch ngày 4/1/2020, vàng giao ngay đạt 1.552,3 USD/ounce theo Kitco; vàng giao tháng 12 đạt 1.555,15 USD/ounce.
Vàng cũng được hỗ trợ bởi thông tin nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, từ tăng trưởng suy giảm, làn sóng vỡ nợ trái phiếu cho tới lạm phát tăng nhanh… Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vừa ra quyết định sẽ hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các thể chế tài chính bớt khoảng 50 điểm cơ bản kể từ ngày 6/1/2020 để thúc đẩy nền kinh tế, động thái này sẽ giúp các ngân hàng có thể bơm thêm khoảng 115 tỷ USD vào nền kinh tế.
Trước đó, trong năm 2019, vàng đã tăng gần 18,6% và khép lại một năm tăng ấn tượng nhất trong vòng gần 1 thập kỷ trong bối cảnh bất ổn trong quan hệ Mỹ-Trung, căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông, bán đảo Triều Tiên và triển vọng đi xuống của nền kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó sự bất ổn hậu Brexit, làn sóng phản đối tại Hong Kong, vấn đề Đài Loan… đều đang là các yếu tố hỗ trợ cho vàng trong năm 2020.
Trên thực tế, theo Kitco, vàng tăng mạnh trong tuần cuối và đầu năm mới chủ yếu là do căng thẳng leo thang bất ngờ tại khu vực Trung Đông. Vụ Mỹ chủ động phóng tên lửa giết chết tướng Soleimani, nhân vật được cho là quyền lực thứ 2 tại Iran và là người đứng đầu đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), khiến cho căng thẳng Mỹ và Iran lên mức cao chưa từng có.
Vấn đề đáng lo ngại là ở chỗ Iran tuyên bố Mỹ đã bước qua lằn ranh đỏ và Iran sẽ trả đũa tàn khốc. Lãnh tụ Khamenei thậm chí còn cho biết tất những người sùng bái thánh chiến sẽ báo thù cho cái chết của Soleimani.
Chưa biết hậu quả sẽ như nào nhưng nhiều người đã nghĩ tới một cuộc chiến khốc liệt giữa Mỹ và Iran, trước hết mục tiêu có thể là những cơ sở, tổ chức và cá nhân người Mỹ tại khu vực Trung Đông và không loại trừ khả năng một làn sóng chống lại Mỹ ở nhiều nơi trên thế giới. Hội đồng an ninh tối cao Iran triệu tập cuộc họp bất thường và cảnh báo hành động này sẽ có phạm vi ở cấp độ toàn khu vực.
Như vậy, sau một cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung lên cao trong năm 2019 và đã giúp vàng tăng gần 19% thì nhiều khả năng trong năm 2020 Mỹ sẽ đối mặt với một cuộc chiến mới, lần này là ở Trung Đông. Thế giới trong năm mới đang trở nên nguy hiểm hơn và đây là yếu tố có lợi cho vàng.
Trên Kico, nhiều chuyên gia cho rằng 2020 tiếp tục sẽ là một năm “rối loạn và bất ổn”. Vàng theo đó sẽ tiếp tục tăng giá. Mặt hàng kim loại quý thậm chí còn lên tới 5.000 USD/ounce (tương đương khoảng 140 triệu đồng/lượng) trong một thập kỷ tới.
Trước đó, Citigroup từng có dự báo vàng có thể lập kỷ lục 2.000 USD/ounce trong 2020 và 2021 khi mà tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ phai nhạt và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) duy trì lãi suất thấp và các nước vẫn đẩy mạnh mua vàng.
Lý do vàng được dự báo tăng mạnh không chỉ vì bất ổn địa chính trị mà còn là do xu hướng “in tiền chưa có tiền lệ” tiếp diễn ở khăp nơi trên thế giới. Các chính sách tiền tệ siêu nới lỏng sẽ tiếp tục nhấn chìm các nền kinh tế bằng những đồng tiền.
Ngay đầu năm mới, Trung Quốc đã nới lỏng tiền tệ. Còn trước đó, trong năm 2019, NHTW các nước đã có hàng chục lần cắt giảm lãi suất. Trong tháng cuối năm, Nhật giữ nguyên lãi suất siêu thấp, ngắn hạn ở mức -0,1% và định hướng tỷ lệ lãi suất dài hạn vào khoảng 0%. Mỹ, châu Âu, Ấn Độ, New Zealand, Thái Lan… tất cả đều đang nới lỏng hết mức có thể.
Nhiều chuyên gia lo ngại, làn sóng lãi suất âm có nguy cơ lan rộng ra toàn cầu vào năm 2020, chứ không chỉ còn ở Nhật Bản và châu Âu như trong năm trước đó. Số lượng trái phiếu lợi suất âm trong năm qua đã chạm mức kỷ lục mới. Và tình hình này có thể còn tiếp diễn.

Nguồn: VITIC