Hàn Quốc sáng 25/2 công bố 60 ca nhiễm mới virus corona nâng tổng số người nhiễm ở nước này lên 893 trường hợp, trở thành nước đứng thứ 2 về số ca nhiễm chỉ sau Trung Quốc. Cho đến nay, Hàn Quốc đã có 8 ca tử vong.

Chuyên gia về virus tại Mỹ - Tiến sĩ Hakim Djaballa cho rằng, giả thuyết về thời gian ủ bệnh của virus SARS-CoV-2 kéo dài 14 ngày là chưa chuẩn xác. Tiến sĩ Hakim Djaballah nhấn mạnh điều này cho thấy chúng ta cần phải thay đổi cách thức ứng phó, đặc biệt là với những trường hợp nghi nhiễm virus SARS-CoV-2. Tiến sĩ Hakim Djaballah nhấn mạnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 dễ lây lan hơn MERS bởi chủng virus này thâm nhập vào cơ thể người qua miệng, cổ họng và phế quản (phổi trên), trong khi MERS gây tổn thương ở phần phổi dưới. Điều này cũng có nghĩa các phương tiện công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm... là môi trường lý tưởng để truyền bệnh khi có nhiều người cùng ở trong không gian chật chội. – Theo Bnews/TTXVN

Trong số các ca nhiễm mới, có 16 ca ở thành phố đông nam Daegu và 33 ca ở tỉnh Bắc Gyeongsang xung quanh. Gần như toàn bộ các tỉnh và thành phố lớn của Hàn Quốc đều đã phát hiện ca nhiễm. Thủ đô Seoul có hai ca nhiễm mới.
Hai ổ dịch lớn nhất của Hàn Quốc là các chi nhánh giáo phái Tân Thiên Địa ở Daegu và bệnh viện Daenam ở Cheongdo, đều thuộc tỉnh Bắc Gyeongsang.
Khoảng 60% tổng số 833 ca nhiễm tại Hàn Quốc có liên quan đến nhà thờ ở Daegu của giáo phái Tân Thiên Địa và 15% liên quan đến bệnh viện Daenam. Giới chức Hàn Quốc đã yêu cầu hơn 9.000 tín đồ giáo phái Tân Thiên Địa tự cách ly. Trong số này, 1.248 trường hợp xuất hiện triệu chứng nhiễm virus, tính đến chiều 24/2. Chính quyền thành phố Daegu cũng xác nhận sẽ cho kiểm tra khoảng 28.000 người có triệu chứng cúm trong vòng 2 tuần qua. Chính quyền cho biết sẽ nhanh chóng xét nghiệm virus corona đối với tất cả tín đồ của giáo phái Tân Thiên Địa. Giáo phái này đã đồng ý cung cấp danh sách các tín đồ và thông tin liên hệ.
Những diễn biến mới nhất cho thấy tình hình dịch bệnh đang dần ổn định ở tâm dịch ban đầu tại Trung Quốc, nhưng những mối đe dọa mới nổi lên ở nhiều nước vượt khỏi phạm vi của châu Á.
Tại Italia đến hết ngày 24/2 đã ghi nhận 229 ca nhiễm nCoV, trong đó 7 người đã tử vong. 101 người đang điều trị trong bệnh viện, 27 người được chăm sóc đặc biệt.
Vùng Lombardy, khu vực ở phía bắc Italia với thủ phủ Milan, ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất với 172 trường hợp, trong đó 5 người tử vong. Ít nhất 10 thị trấn miền bắc Italia với dân số khoảng 50.000 người đã bị phong tỏa từ ngày 23/2 để ngăn virus lây lan.
Italia hiện là ổ dịch nCoV lớn thứ tư trên thế giới, sau Trung Quốc đại lục, Hàn Quốc và du thuyền Diamond Princess. Chính quyền vùng Lombardy và Veneto, nơi dịch Covid-19 bùng phát và đang lây lan nhanh chóng, đã yêu cầu các trường học ngừng hoạt động trong ít nhất một tuần, đóng cửa bảo tàng, rạp chiếu phim, đồng thời hủy hai ngày cuối của lễ hội Venice.
Tại Iran, đến hết ngày 24/3 đã có 61 trường hợp lây nhiễm, trong đó có 12 ca tử vong. Tỷ lệ tử vong do virus được xác nhận ở Iran cao hơn ở bất kỳ quốc gia nào khác, kể cả Nhật Bản và Hàn Quốc, nơi dịch bệnh lan rộng hơn.
Iran đã đóng cửa các trường học trên cả nước trong ngày 24/3.
Các nước láng giềng với Iran bao gồm Iraq, Kuwait, Bahrain, Oman và Afghanistan đều ghi nhận những ca nhiễm đầu tiên, tất cả đều bắt nguồn từ Iran. Một số nước phải đóng cửa biên giới với Iran.
Tại Trung Quốc, đến hết ngày 24/2 có thêm 71 ca tử vong do virus corona, nâng tổng số ca tử vong trên toàn đại lục lên 2.663 trường hợp. Số ca nhiễm mới cùng ngày được xác nhận là 503 ca, đưa tổng số ca nhiễm mới tính tới sáng 25/2 lên 77.658 trường hợp.
Riêng tại Hồ Bắc, trong ngày hôm qua có 68 trường hợp tử vong và 499 ca nhiễm mới, tăng so với 398 ca nhiễm mới của ngày trước dó.
Vài ngày qua, nhiều tỉnh Trung Quốc không xuất hiện trường hợp nhiễm dịch Covid-19 mới nào, và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 24/2 cho rằng dịch bệnh đã “đạt đỉnh” ở Trung Quốc đại lục.
Hàng chục nghìn y bác sĩ Trung Quốc vẫn đang nỗ lực làm việc để ngăn chặn sự lây lan của virus Corona. Các ca nhiễm bệnh của đội ngũ y tế chủ yếu xảy ra tại tỉnh Hồ Bắc, nơi được xem là tâm dịch corona tại Trung Quốc. Đã có hơn 3.000 nhân viên y tế tại nước này đã bị nhiễm Covid-19. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 19/2 đã kêu gọi tăng cường các biện pháp bảo vệ đội ngũ nhân viên y tế đang chiến đấu với dịch corona, sau khi nhiều y bác sĩ qua đời vì nhiễm virus Covid-19.
Hơn 30.000 nhân viên y tế, bao gồm lực lượng quân y, đã được huy động từ khắp cả nước để tới hỗ trợ thành phố Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc trong cuộc chiến chống dịch corona. Mặc dù vậy, các y bác sĩ vẫn phải chịu sức ép rất lớn do số lượng bệnh nhân nhiễm virus quá đông.
Trung Quốc đã mở rộng việc sử dụng công nghệ 5G trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh Covid-19, bao gồm áp dụng rộng rãi các ứng dụng phục vụ làm việc từ xa, chẩn đoán bệnh và kiểm tra nhiệt độ trong mạng lưới giao thông. Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin (MIIT) Trung Quốc đã kêu gọi các đơn vị viễn thông lớn đánh giá kịp thời những tác động của dịch Covid-19 và đẩy nhanh việc xây dựng mạng di động không dây thế hệ mới 5G.
Tại Việt Nam, toàn bộ 16 ca nhiễm Covid-19 đã khỏi bệnh và được xuất viện. Đối với người lao động Việt Nam ở nước ngoài, trang Tuoitre dẫn báo cáo của Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc và Nhật Bản cho biết, cho đến thời điểm này (trưa 24-2), chưa ghi nhận trường hợp nào là lao động Việt Nam bị nhiễm hoặc nghi nhiễm CovidD-19. Hiện Hàn Quốc có trên 48.000 người lao động Việt Nam làm việc hợp pháp và khoảng 11.000 lao động người Việt cư trú, làm việc bất hợp pháp; tại Nhật Bản, hiện có trên 220.000 lao động Việt Nam đang làm việc.
Tiếp tục chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân tháo gỡ khó khăn, giải tỏa ách tắc trong hoạt động thương mại trước tình hình dịch bệnh Covid-19, ngày 24/02/2020, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh có công văn số 1182 gửi Bộ Giao thông vận tải về việc hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân tháo gỡ khó khăn, giải tỏa ách tắc trong hoạt động thương mại trước tình hình dịch bệnh Covid-19. Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Giao thông vận tải: (1) Chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai các công tác đảm bảo chống dịch ở các cửa khẩu đường bộ, đường sắt, cảng biển theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, (2) Phối hợp với các tỉnh biên giới phía Bắc bố trí lực lượng đơn vị chức năng phân luồng, phân tuyến tại đường bộ , (3) Phối hợp với Bộ Tài chính rà soát các loại thuế, phí, có các giải pháp hỗ trợ giảm chi phí vận tải, và (4) Phối hợp chặt chẽ và thông tin kịp thời cho Bộ Công Thương về các công tác triển khai ứng phó với dịch bệnh của quý Bộ có khả năng gây tác động đến hoạt động thương mại và xuất nhập khẩu hàng hóa. (thông tin chi tiết)
Tình hình xuất khẩu hàng hóa nông sản sang Trung Quốc đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được thuận lợi, lượng hàng hóa chờ xuất khẩu ngày càng tăng. Hiện tổng lượng hàng hóa còn đang tồn tại khu vực cửa khẩu biên giới là 695 xe và 11 toa tầu; trong đó, tại Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Giang và đặc biệt tại Lạng Sơn, lượng xe chờ làm thủ tục thông quan xuất khẩu ngày càng tăng nhanh.(thông tin chi tiết)

Nguồn: VITIC tổng hợp