Báo cáo Giám sát Tài chính công bố ngày 5/10 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết nợ công và tư nhân - không bao gồm ngành tài chính - vào cuối năm 2015 đạt 152.000 tỷ USD, tương đương 225% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, tăng so với chưa đầy 200% GDP toàn cầu 15 năm trước.

Khoảng 60% trong số nợ trên thuộc về lĩnh vực tư nhân.

Giám đốc Ban Tài chính của IMF Vitor Gaspar nhận định nợ cao trong khi tăng trưởng kinh tế vẫn ảm đạm làm tăng nguy cơ khủng hoảng tài chính. Cụ thể, mức nợ cao thường dẫn đến các cuộc suy thoái tài chính tác động sâu và kéo dài hơn. Hơn nữa, nợ tư nhân quá cao là sự cản trở lớn đối với phục hồi kinh tế toàn cầu và đe dọa ổn định tài chính.

Theo IMF, chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới là một nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên. Việc các ngân hàng trung ương đua nhau cắt giảm lãi suất để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 đã khuyến khích hoạt động vay nợ.

Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế chậm lại gây khó khăn cho cả các quốc gia và doanh nghiệp trong việc cắt giảm gánh nặng nợ nần.

Nếu không có quá trình giảm nợ, các nước sẽ đối mặt với nguy cơ khủng hoảng tài chính dễ phát triển thành suy thoái. Để hỗ trợ quá trình giảm nợ, cần phải khôi phục tăng trưởng và đưa lạm phát trở về mức bình thường.

Điều kiện này đòi hỏi các chính phủ phải kích thích tăng trưởng thông qua đầu tư, cải cách tài chính và kinh doanh, và đưa ra các chương trình mục tiêu để giúp các công ty giảm nợ.

Nguồn: vietnamplus.vn