Theo báo cáo cập nhật kinh tế toàn cầu của IMF trước thềm hội nghị thượng đỉnh G-20, các quốc gia hiện có thặng dư tài khoản vãng lai quá cao như Đức và Hàn Quốc nên sử dụng chính sách tài khóa để thúc đẩy đầu tư hoặc nhu cầu trong nước. Trong khi đó, các quốc gia như Mỹ và Anh - hiện có mức thâm hụt quá lớn - nên tiến hành chính sách thắt lưng buộc bụng về tài chính.
“Cả các nước thặng dư cũng như thâm hụt đều phải đối mặt giải quyết vấn đề này ngay bây giờ để tránh việc phải điều chỉnh quá lớn trên con đường đi đến tương lai”, Giám đốc điều hành IMF, bà Christine Lagarde cho biết như vậy trong một bài đăng trên blog đi kèm với báo cáo cập nhật trên.
“Hội nghị thượng đỉnh G-20 cũng là cơ hội để tăng cường hệ thống thương mại toàn cầu và khẳng định lại cam kết của chúng ta đối với các quy tắc được thi hành tốt nhằm thúc đẩy cạnh tranh trong khi tạo ra một sân chơi bình đẳng”, bà nói.
Hội nghị thượng đỉnh G-20 lần này được xem là “bài kiểm tra sự đồng thuận” về chính sách kinh tế toàn cầu vào thời điểm mà Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - được dẫn dắt bởi Tổng thống Donald Trump, người ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ và lần đầu tiên tham dự hội nghị. Trong thời gian chuẩn bị cho hội nghị này, các quan chức Mỹ đã tìm cách để G-20 không đưa ra các cam kết về việc cần tránh chủ nghĩa bảo hộ.
Báo cáo của IMF nhận định, kinh tế toàn cầu vẫn đang trong quá trình phục hồi đúng hướng dù các động lực tăng trưởng đã có những thay đổi, trong đó tăng trưởng ở các nước châu Âu và châu Á đã nhanh hơn dự kiến. Tuy nhiên, IMF cũng cảnh báo, sự mất cân bằng vẫn còn và tính dễ bị tổn thương đang gia tăng.
Tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc đang được "thúc đẩy một phần bởi tín dụng và mở rộng tài chính nhanh chóng nên đang làm trầm trọng thêm tình trạng dễ bị tổn thương về tài chính". Trong khi đó, đòn bẩy nợ của các doanh nghiệp đang ở mức cao tại một số thị trường mới nổi và bảng cân đối là rất mong manh.

Nguồn: thoibaonganhang.vn