Dự báo trong quý II/2020 kết quả XK sẽ tiếp tục ảm đạm khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu.
Tăng trưởng rất thấp trong quý I
Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), dịch Covid-19 lây lan mạnh ở các nước đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Hoa Kỳ, đã ảnh hưởng lớn đến kim ngạch XNK của nhiều mặt hàng.
Tính chung quý I, tổng kim ngạch XNK hàng hóa đạt 115,34 tỷ USD, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, XK đạt 59,08 tỷ USD, tăng 0,5%; NK đạt 56,26 tỷ USD, giảm 1,9%. Xuất siêu quý I năm nay đạt 2,8 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,5 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 4,4 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 7,2 tỷ USD.
Đi sâu phân tích riêng góc độ XK có thể thấy, trong quý I có 8 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, chiếm 70,6% tổng kim ngạch XK. Trong đó, điện thoại và linh kiện có kim ngạch XK lớn nhất, đạt 12,4 tỷ USD, chiếm 20,9% tổng kim ngạch XK, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng XK của một số mặt hàng chủ lực vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, điển hình là các mặt hàng điện thoại và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng…
Về thị trường, trong quý I/2020, Hoa Kỳ là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 15,5 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 8,4 tỷ USD, tăng 11,5%; EU đạt 7,5 tỷ USD, giảm 14,9%; ASEAN đạt 6 tỷ USD, giảm 5,2%; Nhật Bản đạt 4,8 tỷ USD, tăng 3,5%; Hàn Quốc đạt 4,5 tỷ USD, giảm 2,7%.
Đánh giá về “bức tranh” XK hàng hóa 3 tháng đầu năm nay, bày tỏ nhiều lo lắng, ông Bùi Trọng Tú, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê) nhấn mạnh, tăng trưởng XK quý I đang ở mức độ rất ít so với cùng kỳ năm trước. Còn chuyên gia thương mại Phạm Tất Thắng trao đổi với phóng viên Báo Hải quan lại đưa ra cái nhìn bớt ảm đạm hơn khi phân tích, dù tốc độ tăng trưởng XK quý đầu tiên của năm nay khá thấp nhưng vẫn là có tăng trưởng, Việt Nam vẫn xuất siêu. Điều này thể hiện rằng, XK thời gian qua dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 nhưng nhịp độ đó có thể chấp nhận được.
Sụt giảm trầm trọng ở quý II
Những ngày gần đây, các ngành hàng XK chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm từ gỗ… liên tục đón nhận những thông tin không mấy khả quan từ các thị trường NK chính, điển hình là Mỹ và EU.
Nhận định khó khăn, thách thức gây ra từ dịch Covid-19 đã tạo ra cuộc khủng hoảng chưa từng có trong tiền lệ hơn 20 năm qua của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), đại diện lãnh đạo Vinatex cho hay: Trong thời gian từ trung tuần tháng 3/2020 liên tiếp có những đơn hàng bị hủy, dừng, tạm ngừng, dẫn đến tình trạng hầu hết các đơn vị thiếu việc làm trong tháng 4 và tháng 5/2020. Đáng chú ý, thương hiệu càng cao thì tỷ lệ cắt giảm hàng càng lớn và chưa có tín hiệu nào về thời gian phục hồi.
Vinatex dự đoán tình hình thị trường nội địa cũng sẽ sụt giảm khi kinh tế tăng chậm. Trong khi đó, Trung Quốc đã hoạt động trở lại và cầu thị trường thấp sẽ dẫn tới một đợt giảm giá mạnh toàn cầu, dự kiến giá giảm trên 20%. Tình hình này dẫn đến áp lực lớn lên các DN ngành dệt may cả về tài chính và lao động. Nếu không có sự điều chỉnh về chính sách, khả năng nhiều DN sẽ mất khả năng thanh khoản vào cuối tháng 4/2020. Lao động thiếu việc làm từ 30% tới 50% trong tháng 4 và tháng 5/2020.
“Thiệt hại ước tính với ngành dệt may lên tới trên 5 nghìn tỷ đồng nếu 30% công nhân thiếu việc làm trong tháng 4/2020 và 50% công nhân thiếu việc làm trong tháng 5/2020 (riêng Vinatex ước tính thiệt hại 403 tỷ đồng). Đặc biệt, nếu tình hình kéo dài thêm thì mỗi tháng ngành sẽ thiệt hại tới 3 nghìn tỷ đồng”, đại diện Vinatex đưa ra tính toán cụ thể.
Ngành hàng XK cả chục tỷ USD khác là gỗ và sản phẩm từ gỗ cũng không mấy khả quan. Theo báo cáo sơ bộ từ các hiệp hội gỗ địa phương và các DN chế biến gỗ, từ giữa tháng 3 cho tới nay, ngành đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cụ thể, thị trường XK chiếm 50% thị phần là Mỹ đã có trên 80% nhà mua hàng xuất sang thị trường này thông báo dừng mua hàng, hủy đơn hàng đợi tình hình mới. Với thị trường EU, 81% DN đã nhận được thông báo hủy và giãn đơn hàng. Các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng giảm từ 60-80%. Hơn thế nữa, có 96% DN có quan hệ vay vốn ngân hàng và chịu áp lực về lãi vay cũng như thời gian trả nợ.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho hay: Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, hiện tại các khách hàng không tới nhà máy duyệt mẫu do đó các DN gỗ Việt chưa ký được đơn hàng mới cho mùa hàng 2020 – 2021. Do vậy nhiều nhà máy tiền ẩn nguy cơ đóng cửa và ngừng hoạt động trong thời gian tới.
Qua vài nét “phác thảo” triển vọng XK trong thời gian tới của những ngành hàng XK hàng chục tỷ USD như trên đã giúp hình dung phần nào “bức tranh” XK hàng hóa quý II của Việt Nam không có nhiều “mảng màu” tươi sáng, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa biết khi nào sẽ kết thúc. Nói như ông Bùi Trọng Tú thì: “Thời gian gần đây, dịch Covid 19 bùng phát mạnh ở EU, Mỹ. Hầu như các đơn hàng của DN ở Mỹ, EU đang tạm dừng. Nếu quý II dịch tiếp tục bùng phát thế này, chắc chắn ảnh hưởng đến XK của Việt Nam, không giữ được như hiện nay nữa vì hai thị trường này tương đối lớn, đặc biệt với các ngành hàng như dệt may, da giày, thủy sản”.
Niềm hy vọng mang tên EVFTA
Bên cạnh những thông tin không mấy khả quan, các tiến triển của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã thổi một luồng gió hy vọng mới vào “bức tranh” XK hàng hóa của Việt Nam trong thời gian tới.
Ngày 30/3, Hội đồng châu Âu (EC) đã quyết định thông qua EVFTA sau khi Hiệp định này đã được Nghị viện châu Âu phê chuẩn vào ngày 12/2. Dự kiến, EVFTA có thể có hiệu lực ngay từ tháng 7/2020. Tại thời điểm đó, dự báo dịch Covid-19 cũng đã được kiểm soát tốt hơn trên phạm vi toàn cầu.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhận định, khi EVFTA có hiệu lực, XK sang EU có thể đạt mức tăng trưởng khá trên 20% trong năm nay và con số này sẽ tiếp tục gia tăng trong cá năm tiếp theo. Một trong những mặt hàng XK có nhiều lợi thế là thủy sản. Hiệp định EVFTA có hiệu lực, thủy sản Việt Nam sẽ cạnh tranh được với mặt hàng cùng loại của các nước. “Về XK nông, lâm, thủy sản nói chung sang EU, năm 2019 tổng giá trị thu về là 2,6 tỷ USD, chiếm 6,4% tổng kim ngạch XK sang thị trường này. Dự kiến, năm 2020, XK nông, lâm, thủy sản sẽ tăng lên, chiếm khoảng 10% trong tổng kim ngạch XK sang thị trường EU”, ông Lâm nói.
Đồng quan điểm EVFTA sẽ mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy XK cho Việt Nam, ông Bùi Trọng Tú phân tích: “Thời gian tới, khi dịch Covid-19 giảm, Việt Nam phải tận dụng tốt Hiệp định EVFTA, tập trung vào những mặt hàng trọng điểm. Tuy nhiên, mấu chốt vấn đề nằm ở DN. Các DN phải tự mình cải thiện tình hình, nâng cao chất lượng sản phẩm, làm rõ nguồn gốc xuất xứ, đáp ứng được các rào cản kỹ thuật… Vì khi tham gia cuộc chơi lớn, chúng ta phải lớn lên mới giành chiến thắng được”.
Về cơ cấu nhóm hàng XK quý I/2020, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 32 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước; chiếm 54,2% tổng kim ngạch hàng hóa XK (tăng 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước). Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 20,8 tỷ USD, giảm 0,2% và chiếm 35,3% (giảm 0,2 điểm phần trăm). Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 4,6 tỷ USD, giảm 4,5% và chiếm 7,8% (giảm 0,4 điểm phần trăm). Nhóm hàng thủy sản đạt 1,6 tỷ USD, giảm 11,2% và chiếm 2,7% (giảm 0,4 điểm phần trăm).

Nguồn: Haiquanonline