Theo Tham luận của ông Nguyễn Ngọc Hoà, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, TPHCM là thành phố đông dân với hơn 10 triệu người, là trung tâm kinh tế, đầu mối giao thương, kết nối hàng hoá của cả khu vực Nam bộ với tổng dân số của khu vực lên đến 33,3 triệu người, chiếm 36,7% dân số cả nước.

Tổng mức bán lẻ toàn khu vực khoảng 1,5 triệu tỷ đồng/năm, chiếm 52,6% cả nước. Trong đó, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là vùng kinh tế phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững, là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước. TPHCM và các tỉnh, thành miền Đông - Tây Nam Bộ luôn nhận thức quan điểm liên kết, hợp tác toàn diện về kinh tế - xã hội với nhau là nhiệm vụ, chiến lược lâu dài nhằm khai thác tối đa tiềm năng, phát huy thế mạng của từng địa phương, đáp ứng xu thế hội nhập và phát triển.

Đến nay, TPHCM và các tỉnh, thành đã phối hợp tổ chức thành công 3 Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hoá với hiệu quả được nâng lên từng năm, cụ thể: Năm 2012 có 14 địa phương, 198 doanh nghiệp tham gia; năm 2013 tăng lên 23 địa phương, 347 doanh nghiệp tham gia và đến năm 2014 lên đến 38 địa phương, 1.113 doanh nghiệp tham gia. Tổng cộng đã xúc tiến 867 hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, giá trị giao dịch tương ứng trên 19.000 tỷ đồng/năm; trong đó TPHCM tiêu thụ trên 13.000 tỷ đồng/năm và cung ứng hàng hoá cho các tỉnh, thành trên 6.000 tỷ đồng/năm.

Theo ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xuất khẩu h àng Thủ công Mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft), Việt Nam có thể tham khảo, học hỏi một số kinh nghiệm của các nước như Nhật Bản, Thái Lan.

Ông Lê Bá Ngọc lấy ví dụ về phong trào mỗi làng một sản phẩm (OVOP) với 3 yếu tố cốt lõi: (1) hành động địa phương/sản phẩm địa phương - suy nghĩ toàn cầu, chất lượng toàn cầu; (2) sáng tạo tự lực cánh sinh; (3) nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Theo ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Le Invest (Holdings) Corporation, cần có một nỗ lực và kế hoạch hành động từ phía cơ quan quản lý Nhà nước để hỗ trợ đầu ra cho đặc sản vùng miền của Việt Nam.

Ông Lê Quốc Vinh cho rằng, Nhà nước cần chủ trì các chương trình truyền thông, quảng bá các thương hiệu đặc sản vùng miền; Hỗ trợ kinh phí bằng nguồn ngân sách Nhà nước cho chương trình truyền thông; Hỗ trợ cơ sở pháp lý cho Chợ Đặc sản; Kết nối với các địa phương để hình thành hệ thống cung ứng hàng hóa và phân phối, đảm bảo yêu cầu chất lượng và nguồn gốc; Thành lập và chủ trì Ủy ban Giám sát Chất lượng và Nguồn gốc, đóng dấu kiểm định hàng hóa.

Cũng theo ông Lê Quốc Vinh, các công ty truyền thông cần xây dựng chiến lược tổng thể; xây dựng chiến lược truyền thông qunagr bá cho chiến lược hỗ trợ thương hiệu đặc sản vùng miền của thành phố, thông qua chiến lược truyền thông cho chợ đặc sản; tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại trực tiếp; xây dựng chiến lược thương hiệu cho mỗi sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm; quảng bá vai trò và hình ảnh của Ủy ban Giám sát Chất lượng và Nguồn gốn; Xây dựng chiến lược pahsat triển thương hiệu lâu dài.

Về phía các địa phương, cần hợp tác chặt chẽ với các thị trường tiêu thụ (các thành phố lớn), bằng cách có chính sách cụ thể, khuyến khích doanh nghiệp địa phương tham gia hệ thống; đóng góp kinh phí truyền thông, quảng bá cho chính các đặc sản địa phương; thiết lập hệ thống cung ứng liên tục, tin cậy với giá cả ưu đãi cho chợ đặc sản và các sự kiện xúc tiến thương mại; đảm bảo chuỗi cung ứng cung cấp hàng chính gốc, đúng xuất xứ và chất lượng đăng ký; tham gia mở rộng mạng lưới tại địa phương.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội, cần thành lập nhóm công tác chuẩn bị hội chợ bao gồm Bộ Công Thương, trực tiếp là Cục xúc tiến thương mại, Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội, Trung tâm xúc tiến thương mại TPHCM, Đà Nẵng/Huế và Cần Thơ cùng đơn vị tư vấn; Lựa chọn doanh nghiệp và đặc sản tiềm năng của mỗi địa phương; Tiến hành xây dựng chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho từng đặc sản, doanh nghiệp; Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bao bì mẫu mã theo hướng gia tăng giá trị và thân thiện với môi trường; Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp (website, catalogue, phòng mẫu, gian hàng hội chợ...); Phân bổ ngân sách Tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Hội chợ đặc sản vùng miền quốc gia 2016 và xây dựng gian hàng sản phẩm đặc sản vùng miền của Tỉnh một cách chuyên nghiệp tại hội chợ.

Kết thúc hội thảo là Lễ ký kết thoả thuận hợp tác liên kết giữa các Trung tâm Xúc tiến thương mại các tỉnh để xây dựng kế hoạch phát triển đặc sản vùng miền tại các địa phương.

Lễ ký kết thoả thuận hợp tác liên kết giữa các Trung tâm Xúc tiến thương mại các tỉnh để xây dựng kế hoạch phát triển đặc sản vùng miền tại các địa phương

Minh Quân