Thị trường hàng đầu của gỗ Việt Nam
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hoa Kỳ là thị trường chủ lực đóng góp vào kỳ tích XK gỗ và sản phẩm gỗ năm 2020 của Việt Nam. Theo đó, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường này đạt 7,166 tỷ USD, tăng tới 34,37% so với năm 2019 - mức tăng cao nhất trong số các thị trường XK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. 
Phân tích về tiềm năng của thị trường đồ gỗ, nội thất Hoa Kỳ, ôngThomas Russell - Biên tập viên cao cấp, Tạp chí Furniture Today - cho biết, năm 2020, doanh số bán đồ nội thất và bộ đồ giường ngủ của Hoa Kỳ đạt 115 tỷ USD, chỉ tăng 0,6% do sự trì trệ trong thời gian dịch Covid-19. Dự kiến, doanh số bán đồ nội thất và bộ đồ giường ngủ của Hoa Kỳ sẽ đạt 143 tỷ USD trong 5 năm tới, tăng gần 25,5% kể từ năm 2020. Trong đó, sản phẩm sofa sẽ đạt doanh thu 22 tỷ USD, giường ngủ ở mức 21 tỷ USD; các dòng nội thất cho phòng trẻ em, giải trí, phòng ăn, nhà bếp đều tăng trên 20%.
Về các hạng mục đáng chú ý trong phân khúc đồ gỗ, ông Thomas Russell cho hay, nhu cầu về văn phòng tại nhà vẫn cao do người đi làm và học sinh, sinh viên làm việc, học tập tại nhà. Bàn, ghế, tủ tài liệu và tủ sách là những sản phẩm quan trọng cho không gian làm việc chuyên nghiệp tại nhà. Bàn điều khiển tivi, bàn cafe vẫn là những mặt hàng trọng tâm đối với hạng mục phòng khách. Bàn ghế ăn thông dụng vẫn là mặt hàng bán chạy bởi nhiều gia đình dành nhiều thời gian hơn để ăn uống và giải trí tại nhà…
Cần đáp ứng yêu cầu của thị trường
Bà Julie Hundersmarck - chuyên viên Cục Lâm nghiệp Hoa Kỳ - chia sẻ, Hoa Kỳ là một trong những thị trường đòi hỏi các tiêu chuẩn khắt khe và kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc, tính hợp pháp của sản phẩm gỗ. Tỷ lệ kiểm tra hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ chỉ chiếm từ 1 - 2% tổng số đơn hàng, nhưng các cơ quan quản lý có nhiều công cụ khác nhau để đảm bảo sự tuân thủ quy định gỗ hợp pháp thông qua giám sát chuỗi cung ứng từ nguyên liệu đến sản phẩm. Cục Lâm nghiệp Hoa Kỳ đang phát triển thiết bị thẩm định gỗ, sẽ hỗ trợ Việt Nam kiểm soát tốt hơn nguồn gốc, tính hợp pháp của sản phẩm gỗ XK vào Hoa Kỳ, đảm bảo sự phát triển bền vững.
Bên cạnh những cơ hội được mở ra, tình trạng thiếu nguyên liệu thô sẽ tiếp tục làm đình trệ một số hoạt động sản xuất. Chi phí cho nguyên vật liệu thô, linh kiện tăng làm tăng giá thành phẩm. Hàng tồn đơn ở mức cao nhất trong nhiều năm, kéo dài thời gian giao hàng... Đây là những thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp Việt.
Để khai thác hiệu quả thị trường này, ông Nguyễn Hoài Bảo - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh - khuyến nghị, các doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật hệ thống luật pháp và quy định liên quan để đáp ứng đầy đủ và phòng, tránh rủi ro về thương mại. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sản xuất Việt Nam cần nhạy bén trong việc lựa chọn đầu tư, thường xuyên giới thiệu sản phẩm mới, tiện nghi hơn và phát triển nhiều kênh thương mại để thu hút khách hàng hiệu quả.

Nguồn: VITIC/Reuters