Vải, sợi có nguy cơ bị ảnh hưởng

Ông Cao Hữu Hiếu - Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - cho rằng, do có vị trí rất gần Trung Quốc, hơn nữa độ mở của nền kinh tế rất lớn, Việt Nam khó tránh khỏi những tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc nếu lan rộng. Điều này cũng đang được các nhà phân tích theo dõi nhằm đưa ra dự báo và nhận định.
Trong gói 50 tỷ USD mà chính quyền Mỹ đưa ra lần trước nhằm trừng phạt thương mại đối với Trung Quốc chưa liên quan đến lĩnh vực dệt may. Tuy nhiên, trong gói 200 tỷ USD chính quyền Mỹ mới đưa ra và có hiệu lực vào cuối tháng 8, sẽ có một số loại vải bị áp thuế trừng phạt. Khi đó, khả năng Trung Quốc sẽ tìm thị trường XK khác để bù vào mức giảm của thị trường Mỹ. Như vậy, ngành dệt may Việt Nam sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh với Trung Quốc tại các thị trường này.
Trung Quốc đang là thị trường xuất nhập khẩu chính về nguyên phụ liệu của dệt may Việt Nam. Nhiều nhà máy sợi của Việt Nam đang xuất khẩu tới 70 - 80% sản lượng sang thị trường này. Trong tương lai gần, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc lan rộng, các mặt hàng như vải, sợi sẽ ảnh hưởng đầu tiên và trực tiếp.
Chủ động ứng phó
Bên cạnh những thách thức, các chuyên gia cũng cho rằng, xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc có thể đem lại cơ hội tăng thị phần XK cho dệt may Việt Nam. Bởi trong danh sách 20 mặt hàng dệt may có cơ hội chiếm thị phần tại Mỹ khi Trung Quốc bị tăng thuế nhập khẩu thì Việt Nam có 5 mặt hàng có thế mạnh gồm: Vải canvas, vải mành làm lốp xe các loại, vải dệt thoi từ sợi xơ dài tổng hợp, sợi xơ ngắn tổng hợp PE.
Ông Đào Trần Nhân - nguyên Tham tán công sứ Thương vụ Việt Nam tại Mỹ - cho rằng, khi bị đánh thuế, quốc gia đó sẽ tìm cách đầu tư vào các thị trường không bị đánh thuế để có xuất xứ hàng hóa tốt cho XK. Việt Nam với vị trí địa lý gần, lợi thế về nhân công, môi trường kinh doanh và chính trị ổn định sẽ là điểm đến cho các nhà đầu tư. Như vậy, nếu tận dụng tốt, Việt Nam có thể hình thành chuỗi sản xuất hàng hóa khép kín và rất có lợi trên thị trường XK.
Tuy nhiên, theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - dệt may Việt Nam đang có một “lý lịch sạch” do không bán phá giá, không có trợ cấp. Thế nhưng, trong bối cảnh xung đột thương mại dữ dội như hiện nay, có thể phải hứng chịu xu hướng bị lợi dụng về mặt danh nghĩa. Chính vì vậy, dệt may Việt Nam cần chủ động chuẩn bị ứng phó với những diễn biến bất thường của thị trường thế giới, trước hết là xu hướng bảo hộ.
Về phía Vinatex, để có bước chuẩn bị phù hợp với diễn biến thị trường trong bối cảnh thương mại thế giới đang rất phức tạp, ngay trong tháng 8, tập đoàn và Hiệp hội Dệt may Việt Nam sẽ họp với các chuyên gia đầu ngành và doanh nghiệp trong lĩnh vực này để phân tích, đánh giá những tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc. Xem xét những mặt hàng nào sẽ chịu tác động để xây dựng kịch bản ứng phó đối với các tình huống xảy ra.

Nguồn: Phương Lan/Báo Công thương điện tử