Vấn đề hóc búa

Tuy nhiên, có một vấn đề mà đến nay vẫn chưa có ngân hàng trung ương lớn nào trên thế giới tìm ra câu trả lời, đó là lạm phát vẫn thấp hơn mức mục tiêu 2% của họ. Điều đó đang gây ra một cuộc tranh luận về việc liệu họ có mất tín hiệu về một nền kinh tế kém lành mạnh và cần chậm lại trên con đường “bình thường hóa lãi suất”, hay chỉ đơn giản là họ không hiểu lạm phát hoạt động như thế nào trong một thế giới toàn cầu hóa.

Tại Nhật, các quan chức đã nghiên cứu các nguyên nhân hành vi, tự hỏi liệu các doanh nghiệp và gia đình có phản ứng quá chậm so với các tín hiệu kinh tế không. Trong khi các quan chức châu Âu đổ lỗi cho tiền lương tăng chậm và mua sắm trực tuyến; còn các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ lại dẫn ra một chuỗi dài các yếu tố “một lần” trong việc định giá từ giá dầu tới giá điện thoại di động và giá thuốc.

Tuy nhiên họ đều có chung một phản ứng: chờ đợi và tin tưởng lạm phát sẽ tăng trở lạitrong “trung hạn”.

Chủ tịch Fed Cleveland Fed Loretta Mester cho biết: “Mô hình của chúng tôi không hoàn hảo... Một thực tế chắc chắn là chúng tôi đã có một số dữ liệu lạm phát thấp và đó là điều mà chúng tôi cần phải xem xét nghiêm túc”.

Tuy nhiên, Mester tin rằng vấn đề không phải do nền kinh tế đang suy yếu, mà bởi các doanh nghiệp thay đổi cách thức ấn định giá - một vấn đề về nguồn cung mà bà cho là khiến cho bà cảm thấy thoải mái với việc tăng lãi suất chậm nhưng ổn định.

Thế nhưng không phải ai cũng bị thuyết phục bởi cách tiếp cận của Mester. Những quan ngại về mức độ nghiêm trọng của việc lạm phát yếu gần đây khiến không ít người đặt câu hỏi liệu việc thắt chặt toàn cầu về chính sách tiền tệ có thể được tiến hành hay không, trong đó nhiều nhà đầu tư Mỹ đặt cược rằng Fed sẽ giữ nguyên việc thay đổi lãi suất hơn nữa cho đến cuối năm sau.

Chủ tịch Fed Janet Yellen sẽ có cơ hội giải quyết vấn đề này vào thứ Sáu, cũng như Chủ tịch ECB Mario Draghi, người đang có kế hoạch thu hẹp lại một số chương trình nới lỏng thời kỳ khủng hoảng của ECB ngay cả khi dự kiến lạm phát sẽ khó đạt mục tiêu cho tới tận năm 2019. BOJ cũng lui lại thời hạn để đạt được mục tiêu lạm phát cho tới khoảng năm 2020.

Hiện nhiều quan chức Fed vẫn chưa tỏ ra lo ngại về lạm phát mặc dù thị trường đã thay đổi kỳ vọng về lần tăng lãi suất tiếp theo của Fed vào giữa năm 2018 cho dù Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay.

Mục tiêu nào?

Việc sử dụng mục tiêu lạm phát là một sự đổi mới quan trọng trong hoạt động ngân hàng trung ương, bắt nguồn từ các lý thuyết về kỳ vọng của công chúng, truyền thông ngân hàng trung ương và các yếu tố khác hình thành nên hành vi kinh tế.

Tuy nhiên, sự sắp xếp của thế giới phát triển xung quanh mục tiêu lạm phát 2% đã trở thành một vấn đề gây đau đầu khi mà các ngân hàng trung ương đang cố gắng để ước tính và điều chỉnh một cái gì đó mà họ thừa nhận là không hiểu đầy đủ.

Các chuyên gia tư vấn của BOJ đã rất bối rối trước việc liệu mọi người có mua sắm và tiết kiệm nếu như họ nhìn thấy tương lai đầy đủ, hay liệu họ sẽ nhìn vào quá khứ và chỉ từ từ thích ứng với thay đổi.

Liệu có một chuỗi cung cấp toàn cầu hóa, tỷ lệ tiền lương toàn cầu hoá, và các thị trường có gắn kết hoàn hảo với lạm phát không? Nếu vậy, việc các quan chức Fed dựa vào thị trường lao động thắt chặt để nâng cao lương và giá cả thông qua cạnh tranh tài nguyên sẽ thất vọng.

Việc không đạt được mục tiêu lạm phát đã thúc đẩy các lời kêu gọi cải tổ chính sách, ví dụ như các đề xuất về một mục tiêu mới liên quan đến tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội.

Một số ý kiến cũng đề nghị nên thay đổi mục tiêu lạm phát như Chủ tịch Fed San Francisco John Williams đề xuất nâng cao mục tiêu.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, mục tiêu hiện tại có vẻ như sẽ được duy trì - và trò chơi chờ đợi toàn cầu sẽ tiếp tục.

Nguồn: Thoibaonganhang.vn