Đến 8h giờ sáng 8/2, thế giới đã có 34.878 người mắc virus Corona chủng mới (tăng gần 3.400 trường hợp so với một ngày trước, trong đó 724 người tử vong (tăng 85 người). Nếu không tính Trung Quốc, số người mắc là 332, trong đó 2 người tử vong (ở Phillippines 1 trường hợp và ở Hồng Kông (TQ) 1 trường hợp).
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 7/2 tuyên bố, Washington sẽ sàng chi 100 triệu USD để hỗ trợ Trung Quốc và các quốc gia khác bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona (2019-nCoV) gây ra.
Tại Trung Quốc đại lục tới thời điểm này có 34.546 người mắc, trong đó 722 người tử vong. Trong ngày 7/2, Hồ Bắc xác định thêm 2.841 ca nhiễm virus corona chủng mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh tới nay của địa phương này lên 24.953 trường hợp; Vũ Hán xác định thêm 1.985 ca nhiễm mới.
Tại Việt Nam, số người lây nhiễm virus đến thời điểm hiện tại là 13. Những người lây nhiễm và những nười tiếp xúc gần, người tiếp xúc với người đã tiếp xúc với bệnh nhân đều đã được cách ly.
Bộ Y tế
Những kết quả nghiên cứu mới nhất
Hiện nay, nhiều nhà khoa học tại Trung Quốc đang gấp rút tìm cách điều trị viêm phổi Vũ Hán, kể cả những chuyên gia cao tuổi. Giáo sư Chung Nam Sơn, người phát hiện virus SARS vào năm 2003, hiện vẫn tích cực nghiên cứu cách diệt virus Corona mới dù ông đã 83 tuổi.
Chuyên gia Thạch Chánh Lệ tại Viện virus học Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) được cho là người xác định tổ tiên trực hệ của virus Corona mới (nCoV) gây viêm phổi Vũ Hán. Theo đó, phân tích di truyền cho thấy chủng virus hiện đang lây lan ở người giống tới 96% chủng virus được tìm thấy ở loài dơi, dấy lên phán đoán rằng dơi chính là loài động vật lây 2019-nCoV sang người. Đội ngũ của bà Thạch rà soát lại cơ sở dữ liệu này sau khi virus Corona mới bùng phát ở Vũ Hán vào tháng 12.2019. Và cũng chính họ là nhóm đầu tiên phát hiện virus Corona mới là hậu duệ trực tiếp của một chủng virus mà họ đã tiêu hủy trong phân của một loài dơi quạ tại tỉnh Vân Nam. Hai chủng virus này có bộ gien giống nhau đến 96%. Nghiên cứu của bà Thạch là khởi đầu giúp giới khoa học hiểu về nguồn gốc của chủng virus mới.
Nhưng theo nhà nghiên cứu Arnaud Fontanet, đến từ Viện Pasteur của Pháp, bản chất virus Corona mới rất khó có thể lây truyền trực tiếp từ dơi sang người. "Chúng tôi nghĩ rằng phải có một loài động vật khác là trung gian lây nhiễm". Dơi không được bày bán tại chợ hải sản Vũ Hán, và bản chất dịch lây lan vào mùa đông, vì thế các nhà nghiên cứu đã chuyển hướng tìm kiếm, cho rằng cần có vật chủ trung gian khác lây nhiễm 2019-nCoV, và loài vật này nhiều khả năng bày bán ở chợ hải sản tươi sống tại Vũ Hán, Hồ Bắc.
Theo Tân Hoa Xã, sau khi tiến hành nghiên cứu và giải mã gene của hơn 1.000 mẫu động vật hoa dã, các nhà khoa học thuộc đại học Nông Nghiệp Hoa Nam, Trung Quốc cho rằng, chính tê tê là vật chủ trung gian truyền bệnh viêm đường hô hấp cấp do 2019-nCoV gây ra. Phát biểu trước báo giới, giáo sư Thẩm Vĩnh Nghĩa, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, tỷ lệ dương tính với chủng virus Corona Beta ở tê tê là 70%. Chuỗi gene của chủng virus corona này trùng khớp tới 99% chuỗi gene thu được trên người nhiễm 2019-nCoV. Phát hiện này kết luận, tê tê có thể là vật chủ trung gian truyền virus Corona chủng mới sang người trong đợt đại dịch này. Mặc dù vậy, ông Thẩm Vĩnh Nghĩa cho rằng, tê tê có thể sẽ chỉ là một trong nhiều vật chủ trong gian truyền bệnh.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chưa có kết luận chính xác nào về nguyên nhân gây ra dịch virus corona lần này.
Việt Nam
Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương ngày 7/2 cho biết đã nuôi cấy và phân lập thành công chủng virus corona mới (nCoV) trong phòng thí nghiệm, tạo điều kiện cho việc xét nghiệm nhanh các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm nCoV.
Với việc này, mỗi ngày tại Việt Nam sẽ có khả năng xét nghiệm hàng nghìn mẫu bệnh phẩm trong trường hợp cần thiết. Hiện nay, Việt Nam đang có trên 1.000 người từ Trung Quốc trở về và gần 500 người có tiếp xúc gần với người nhiễm nCoV đang được cách ly, theo dõi, giám sát và chờ kết quả xét nghiệm.
Phòng Nghiệp vụ dược (Sở Y tế TP.HCM) nêu sáng kiến nhỏ giọt tinh dầu tràm lên khẩu trang trước khi sử dụng để ngăn ngừa dịch bệnh do virus corona.Theo ông Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ dược - Sở Y tế TP.HCM, nhỏ 1 giọt tinh dầu tràm lên khẩu trang sẽ giúp nâng cao khả năng ngăn ngừa dịch cúm.
Việc sử dụng tinh dầu tràm để tăng tính kháng khuẩn đã có nhiều nghiên cứu chứng minh. Theo các nhà khoa học, ngoài hương thơm dễ chịu, tinh dầu tràm còn chứa hoạt chất α-Terpineol có tác dụng kháng khuẩn. Chất này có thể ức chế một số loại virus, trong đó có cả virus cúm H5N1. Ngoài ra, hoạt chất Eucalyptol chiết xuất từ tinh dầu tràm có tác dụng sát khuẩn nhẹ.
Ngành Công Thương tích cực triển khai kế hoạch hành động
Chiều 07/2, trước những nhận định cho rằng diễn biến dịch bệnh do chủng virus corona gây ra có thể còn kéo dài và diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chủ trì cuộc họp để xây dựng kế hoạch hành động cụ thể của toàn Ngành. Cuộc họp có sự tham dự đầy đủ của 5 Thứ trưởng và Thủ trưởng của các Tổng cục, Cục, Vụ, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương.
Đúng tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhắc lại ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Không chủ quan, lơ là, cũng không được hoang mang, dao động, chống dịch đồng bộ, quyết liệt, đồng thời giữ vững các chỉ tiêu vĩ mô, không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng. Đây là quyết tâm kép của Chính phủ, Thủ tướng, cũng là hai nội dung được các thành viên Chính phủ thảo luận nhiều nhất tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày 5/2, đòi hỏi Bộ Công Thương cần nỗ lực hơn nữa trong việc đối phó với dịch bệnh, bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân cũng như duy trì các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra
(thông tin chi tiết).
Cũng trong ngày 07/02,
Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã chủ trì cuộc họp với đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, Hiệp hội Da giầy và túi xách Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, Hiệp hội Thép Việt Nam, Tập đoàn Samsung nhằm
đánh giá khả năng tác động đối với sản xuất kinh doanh của ngành hàng khi các mặt hàng nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc gặp khó khăn; đánh giá khả năng tác động đối với hoạt động xuất khẩu của ngành hàng sang Trung Quốc và các thị trường khác; các vấn đề khó khăn, vướng mắc của ngành hàng trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp. Cùng tham dự có đại diện Vụ Kế hoạch, Vụ Thị trường Châu Á- châu Phi, Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ, Cục Công nghiệp (
thông tin chi tiết).
Do virus corona đang diễn biến phức tạp trên thế giới, nhất là tại Trung Quốc –thị trường tiêu thụ hàng hóa chủ chốt của Việt Nam, việc thực hiện các biện pháp tại các cửa khẩu biên giới đã và đang gây ra ảnh hưởng nhất định, đôi khi quá mức cần thiết, tới hoạt động xuất nhập khẩu.
Trong tình hình đó, ngày 05/02/2020, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 808/VPCP-KTTH thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động xuất nhập khẩu và vận chuyển hàng hóa qua biên giới. Theo đó, việc xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới tiếp tục được thực hiện theo quy định; bảo đảm công tác phòng chống dịch nhưng không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã góp phần tháo gỡ những lo ngại của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng được hiểu và áp dụng không thống nhất thì hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới vẫn đối diện với nguy cơ bị ùn tắc, từ đó gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung.
Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã có văn bản số 708/BCT-XNK ngày 05/02/2020 đề nghị Bộ Y tế xây dựng một Quy trình kiểm soát, phòng chống dịch bệnh đối với người và phương tiện vận tải trực tiếp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới phía Bắc. Tại văn bản này, Bộ Công Thương đã đề xuất mô hình để Bộ Y tế xem xét và chấp thuận áp dụng đối với hàng hóa, phương tiện, người lái xe, nhân viên bốc dỡ .. của hai nước Việt Nam và Trung Quốc tại khu vực cửa khẩu theo phương châm bảo đảm hiệu quả phòng chống dịch nhưng không gây ảnh hưởng quá mức đến hoạt động thông quan hàng hóa.
Chiều 06/02/2020, tại phiên họp thứ 6 của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và Tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899) do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Ủy ban chủ trì, ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế đã bày tỏ sự ủng hộ đối với đề xuất của Bộ Công Thương. Theo ông Cường, việc áp dụng các biện pháp y tế để phòng chống dịch là ưu tiên cao nhất, nhưng cần áp dụng đúng nơi, đúng thời điểm, đúng đối tượng để tránh gây khó khăn không cần thiết cho hoạt động của người dân và doanh nghiệp. Trên tinh thần đó, Bộ Y tế sẽ làm việc với các cơ quan liên quan để sớm đưa ra quy trình kiểm soát, phòng chống dịch bệnh đối với người và phương tiện hoạt động tại khu vực cửa khẩu.