Thế giới: 2.260.750 người mắc, 154.712 người tử vong, trong đó:
- Hoa Kỳ: 710.272 người mắc, 37.175 người tử vong.
- Italy:172.434 người mắc, 22.745 người tử vong.
- Tây Ban Nha: 190.839 người mắc; 20.002 người tử vong.
- Pháp: 147.696 người mắc, 18.681 người tử vong.
Nguồn: Baogiaothong.vn
Ngày 18/4, Thế giới ghi nhận thêm gần 26.900 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đưa tổng số ca mắc bệnh trên toàn cầu lên hơn 2.276.000 ca. Trong khi đó, số người tử vong vì dịch bệnh cũng tăng thêm gần 2.000 người, lên tổng số hơn 156.000 người.
Mỹ: Theo số liệu báo cáo tình hình dịch bệnh từ chính phủ các nước trên thế giới, Mỹ vẫn tiếp tục đứng đầu thế giới với số ca mắc bệnh và tử vong bệnh lần lượt hơn 710.200 và hơn 37.100 ca. Tổng số người chết vì COVID-19 ở Mỹ đã vượt qua 37.000 ca, tăng thêm hơn 2.500 người trong 24 giờ ở ngày thứ 4 liên tiếp trong khi số ca bệnh tăng thêm hơn 32.000 ca
Số ca nhiễm và ca tử vong ghi nhận không đều trong cả nước. Những nơi có mật độ dân số đông hơn như New York đang chiếm tới gần một nửa tổng số người chết vì COVID-19 của Mỹ.
Truyền thông Mỹ cùng ngày đưa tin làn sóng những người biểu tình yêu cầu mở cửa trở lại nền kinh tế Mỹ đang lan rộng trên nhiều bang, trong khi các quan chức liên bang và địa phương vẫn tiếp tục đưa ra cảnh báo thận trọng nhằm ngăn chặn xu hướng gia tăng trở lại của dịch COVID-19.
Tây Ban Nha: Bộ Y tế Tây Ban Nha chiều 18/4 thông báo số ca tử vong vì COVID-19 tại nước này đã tăng lên 20.043 người sau khi có thêm 565 ca tử vong mới trong vòng 24 giờ qua. Tổng số ca nhiễm tại Tây Ban Nha cũng tăng lên 191.726 trường hợp trong ngày 18/4, trong đó hơn 74.700 ca đã khỏi bệnh.
Nguồn: Vietnamnet
Anh: Cùng ngày 18/4 quốc gia này ghi nhận 5.525 ca mắc mới và 888 ca tử vong vì dịch bệnh. Vì dịch bệnh diễn biến phức tạp Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã chính thức đề nghị hủy các sự kiện đặc biệt tại lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 94 của bà, dự kiến vào ngày 21/4 tới, cũng như sẽ không có bắn đại bác chào mừng. Thông thường, bắn đại bác chào mừng tại nhiều địa điểm ở thủ đô London là điều không
thể thiếu trong các sự kiện quan trọng của Hoàng gia Anh và đây có lẽ là lần đầu tiên trong 68 năm trị vì Nữ hoàng đưa ra yêu cầu này.
Nga: Bộ Y tế Nga cũng ghi nhận thêm 4.785 ca mắc mới nhưng số ca tử vong vẫn đang được kiểm soát tốt hơn các quốc gia châu Âu khác với số ca tử vong mới là 40 ca. Thủ đô Moskva, nơi chịu tác động mạnh của dịch bệnh, tuyên bố đã sử dụng camera giao thông để giám sát thực thi chế độ cách ly. Thị trưởng Moskva, ông Sergei Sobyanin cho biết các hạn chế tạm thời mà thành phố áp dụng do đại dịch COVID-19 sẽ được kéo dài đến ngày 1/5, thành phố sẽ mở rộng chương trình cấp thuốc miễn phí cho người dân có biểu hiện nhiễm virus gây bệnh.
Hàn Quốc: Chính phủ Hàn Quốc thông báo thêm 18 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, số ca nhiễm mới hàng ngày thấp nhất trong hai tháng qua. Theo Trung tâm Ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), tới nay quốc gia này ghi nhận tổng cộng 10.653 ca mắc bệnh. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 20/2 Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày dưới con số 20. Trong 5 ngày qua, Hàn Quốc liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới mỗi ngày duy trì dưới mức 30.
Nhật Bản: Đài NHK cho biết số người nhiễm COVID-19 ở Nhật Bản đã tăng lên 10.000 vào ngày 18/4, chỉ vài ngày sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc. Hiện ở Nhật có 200 ca tử vong vì COVID-19 và Tokyo là nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất, với 201 ca nhiễm mới trong ngày 17/4, đây được coi là con số kỷ lục kể từ trước đế nay.
Ngoài nỗi lo thủ đô Tokyo liên tục ghi nhận ca nhiễm tăng vọt, nhiều người lo ngại hệ thống y tế sẽ sớm quá tải ở các vùng nông thôn, là nơi tập trung rất nhiều người cao tuổi.
Singapore: Số liệu ghi nhận ngày 18/4 cho thấy Singapore ghi nhận thêm 942 ca nhiễm COVID-19 mới. Tổng số ca nhiễm trên đảo quốc sư tử đã gần chạm ngưỡng 6.000.
Phần lớn các ca nhiễm mới là người lao động nhập cư sống trong các ký túc xá cho công nhân nước ngoài, theo Bộ Y tế Singapore.
Indonesia: Hôm 17/4, Indonesia đã vượt qua Philippines để trở thành quốc gia có nhiều ca nhiễm virus corona nhất Đông Nam Á. Đồng thời, Indonesia cũng là quốc gia châu Á ngoài Trung Quốc có nhiều ca tử vong nhất.
Bộ Y tế Indonesia báo cáo ngày 18/4 nước này có 6.248 ca nhiễm và 535 ca tử vong. Hiện vẫn đang giữ vị trí có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất Đông Nam Á
Nguồn: Tuổi trẻ
Philippines: Chính phủ Philippines thông báo tin vui đã có thêm 29 bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh, nâng tổng số người đánh bại virus corona lên 516. Mặt khác, số ca nhiễm vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại, với hơn 200 ca mới ghi nhận trong ngày 18/4. Hiện Philippines có 6.087 ca nhiễm và 397 ca tử vong.
Thái Lan: Chính phủ Thái Lan đã xác nhận thêm 33 ca mắc bệnh, nâng tổng số các ca mắc ở quốc gia Đông Nam Á này lên 2.733 bệnh nhân. Bộ Y tế Thái Lan cho biết tỷ lệ tử vong vì COVID-19 ở nước này là 1,7%, thấp hơn 4 lần so với tỷ lệ trung bình toàn cầu, trong khi khi tỷ lệ bình phục là 62,5%. Theo đánh giá, tình hình COVID-19 ở Thái Lan đang được cải thiện vì số lượng các ca nhiễm mới đang trong xu hướng giảm và không có các ca nhiễm bệnh từ nước ngoài tới nhờ các biện pháp hạn chế chuyến bay tới nước này được áp dụng từ đầu tháng Tư.
Malaysia: Chính phủ malaysia cũng công bố thêm 54 ca nhiễm mới trong ngày 18/4 - mức tăng thấp nhất trong ngày ở nước này kể từ khi chính phủ áp đặt các lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội ngày 18/3 vừa qua. Số bệnh nhân COVID-19 tại Malaysia hiện là 5.305 người và 88 trường hợp tử vong.
Diễn biến tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam
Cập nhật 21h00 ngày 18/4: Không có thêm ca nhiễm mới
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch CsOVID-19 cho biêt, trong ngày 18/4 không có ca mắc mới COVID-19. Hiện số ca bệnh COVID-19 vẫn là 268. Như vậy, kể từ ngày 7/3, đây là lần đầu tiên đã 60 giờ Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới.
Nguồn: Vinalines.com.vn
Tổng số ca mắc: 268 trường hợp, trong đó 160 người từ nước ngoài chiếm 59,7%, và 108 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 40,3%.
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe cách ly là 62.998, trong đó Cách ly tập trung tại bệnh viện 279, cách ly tập trung tại cơ sở khác: 11.338, cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 51.381.
Tình hình điều trị theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: 3 bệnh nhân nước ngoài được công bố khỏi bệnh trong đó 1 bệnh nhân tại Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ, TP HCM, 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi TP HCM BN151, BN207.
- Hiện còn 67 bệnh nhân đang được điều trị tại 11 cơ sở y tế.
- Số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2: 14 ca.
- Số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2: 5 ca.
Bộ Công Thương và công tác phòng, chống dịch COVID-19
Trước ảnh hưởng khác nhau của dịch COVID-19 đến từng nhóm ngành sản xuất, Bộ Công Thương cho rằng cần có chính sách hỗ trợ đặc thù đủ mạnh, thực chất để giúp các doanh nghiệp công nghiệp bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Bên cạnh đó Bộ Công Thương đề nghị các tỉnh và các doanh nghiệp làm theo hướng dẫn của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu sang hình thức chính ngạch bởi công tác thông quan cho hàng hóa chính ngạch vẫn được duy trì bình thường.
Nguồn: Tapchicongthuong
Ngay sau khi cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) - Pò Chài (Quảng Tây) được công bố khôi phục thời gian thông quan, Bộ Công Thương tiếp tục khuyến cáo doanh nghiệp, cần chuyển nhanh, chuyển mạnh xuất khẩu hình thức trao đổi cư dân sang hình thức chính ngạch.
Tại cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương và Tổng cục trưởng Hải quan Trung Quốc, phía Trung Quốc thông báo sẽ chỉ đạo lực lượng hải quan và chính quyền địa phương có biện pháp giảm áp lực thông quan tại cặp cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) – Pò Chài (Quảng Tây).
Cụ thể, thời gian làm thủ tục thông quan đối với hình thức trao đổi cư dân biên giới sẽ khôi phục lại như trước đó, buổi sáng bắt đầu từ 08:00 đến 11:00, buổi chiều từ 12:00 đến 16:00 (giờ Việt Nam), hoạt động thông quan tại khu vực trên vào ngày nghỉ cuối tuần cũng được nối lại.
Bộ Công Thương cũng đã làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam để đề nghị Đại sứ quán phối hợp, giúp giải tỏa tình trạng ùn ứ hàng hóa tại khu vực biên giới ở cả 2 bên.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, việc công bố khôi phục thời gian thông quan tại Tân Thanh - Pò Chài (điểm thông quan nông sản, trái cây quan trọng nhất tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn) của phía Trung Quốc khi đi vào thực thi sẽ góp phần giảm áp lực ùn ứ hàng hóa xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Đồng thời, thể hiện sự phối hợp và thiện chí hợp tác của Tổng cục Hải quan, Bộ Thương mại, chính quyền Quảng Tây, Đại sứ quán Trung Quốc và các Bộ, ngành liên quan phía Trung Quốc với Bộ Công Thương và tỉnh Lạng Sơn.
Mặc dù phía bạn đã thiện chí hợp tác, thời gian thông quan cho hàng hóa trao đổi cư dân tại cửa khẩu Tân Thanh đã được cải thiện nhưng trong hoàn cảnh cả 2 nước Việt Nam, Trung Quốc vẫn phải tiếp tục bảo đảm các yêu cầu nghiêm ngặt của công tác phòng chống dịch COVID-19, Bộ Công Thương tiếp tục khuyến nghị các tỉnh, các doanh nghiệp hạn chế đưa hàng lên các cửa khẩu thuộc địa bàn tỉnh Lạng Sơn để xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân tại các cặp chợ trong giai đoạn hiện nay.
Đồng thời, đề nghị các tỉnh và các doanh nghiệp, theo hướng dẫn của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu sang hình thức chính ngạch bởi công tác thông quan cho hàng hóa chính ngạch vẫn được duy trì bình thường.

Nguồn: VITIC Tổng hợp