“Tăng trưởng toàn cầu cuối cùng đã bắt đầu tăng tốc kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu”, Bart van Ark - chuyên gia kinh tế của Conference Board cho biết. “Tăng trưởng GDP toàn cầu, đã được chúng tôi dự đoán tăng trưởng 2,8% trong năm ngoái, có thể sẽ kết thúc ở mức khoảng 3% cho năm 2017, và cả năm 2018”.
Đà tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2017 phản ánh sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm sự ổn định của giá năng lượng và hàng hóa, lòng tin kinh doanh được cải thiện nhờ kỳ vọng về các chính sách kích thích tài chính và cải cách thuế của chính quyền ông Trump, sự phục hồi theo chu kỳ ở châu Âu và đà tăng trưởng nhờ chính sách kích thích kinh tế của Trung Quốc.
Báo cáo cũng xác định một số động lực có thể giúp tăng cường chất lượng tăng trưởng và giúp tăng trưởng bền vững hơn trong thập kỷ tới.
“Tin tốt là vai trò lớn hơn của các yếu tố tăng trưởng định tính - sự cải thiện về kỹ năng của lực lượng lao động, số hóa, và đặc biệt tăng trưởng năng suất cao hơn - có thể giúp duy trì tăng trưởng và tạo điều kiện tốt hơn cho các doanh nghiệp phát triển mạnh trong thập kỷ tới”.
Cũng theo báo cáo, tình trạng thiếu lao động có thể thúc đẩy tăng trưởng đầu tư nhanh hơn đặc biệt là trong các lĩnh vực có nhu cầu cao về tài năng khan hiếm. Sự gia tăng vốn này là nguồn tăng trưởng năng suất lao động, đặc biệt đối với châu Âu, Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác.
Tăng trưởng đầu tư cũng có thể được duy trì nhờ cải thiện “chất lượng” vốn, xuất phát từ sự chuyển đổi sang đầu tư nhiều hơn vào máy móc thiết bị và tập trung nhiều hơn vào tài sản số và dịch vụ.
Theo Báo cáo, đà tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển đã tăng lên trong năm 2017, chính nó sẽ giúp các nền kinh tế này tiếp tục phát triển với tốc độ khá cao vào năm 2018 so với mức trung bình 5 năm trước đó là 1,8%.
Cụ thể, Báo cáo dự kiến các nền kinh tế phát triển sẽ tăng trưởng 2,1% trong năm 2018 so với 2,2% năm 2017. Kinh tế Mỹ sẽ được hưởng lợi từ việc tăng đầu tư mạnh mẽ hơn vào năm tới.
Trong khi đó, các thị trường mới nổi lại nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các nguồn tăng trưởng định lượng, đặc biệt là tăng trưởng lực lượng lao động và đầu tư.
Theo đó, các thị trường mới nổi sẽ tiếp tục tăng mạnh vào năm 2018, dự kiến sẽ tăng trưởng 3,8% so với mức tăng 3,7% của năm 2017, nhưng có sự khác biệt đáng kể giữa các quốc gia.
Trong khi con đường phát triển của các thị trường phát triển sẽ vẫn vững chắc trong ngắn hạn, tiềm năng tăng trưởng nhanh hơn là bị giới hạn, và sự suy giảm tăng trưởng có thể sẽ diễn ra vào cuối thập kỷ này.
Conference Board cho biết một số yếu tố độc nhất trong năm nay sẽ không thể mang lại sự tăng trưởng bền vững trong tương lai, trong khi một số rủi ro chính sách và địa chính trị cũng có thể làm méo mó lộ trình tăng trưởng năm 2018.
Nhóm nghiên cứu cũng cảnh báo rằng xu hướng kinh tế dài hạn và những thay đổi về cơ cấu sẽ tạo ra những rủi ro lớn hơn trong nền kinh tế toàn cầu.
Đó là tăng trưởng lực lượng lao động chậm do dân số già đi; khó khăn trong việc chuyển công nghệ thành năng suất, và sự phân bố không đều những lợi ích của sự thay đổi công nghệ đã hạn chế tiềm năng của nền kinh tế, trong khi các chế độ thuế doanh nghiệp không thuận lợi và các quy định kinh doanh có thể là những yếu tố cản trở đầu tư.
Nguồn: Hoàng Nguyên/thoibaonganhang.vn