Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins vào sáng 3/4, thế giới có 1.011.490 người mắc Covid-19 với 52.863 ca tử vong. Số ca tử vong đến nay đã nhiều gấp đôi so với ngày 27/3.
Trong tuần qua, các nước ghi nhận tổng số ca nhiễm nhiều hơn con số của 86 ngày trước đó,
Tới thời điểm hiện tại, Italia là quốc gia có số người tử vong cao nhất thế giới, 13.915 người, tiếp đến là Tây Ban Nha 10.348 ca, Mỹ xếp thứ ba với 5.865 ca, Pháp xếp thứ tư với 5.387 ca, Trung Quốc xếp thứ năm với 3.318 ca. Mỹ là quốc gia có số người nhiễm nhiều nhất, hơn 240.000 người. Đến nay có khoảng 212.000 người đã được chữa khỏi, trong đó phần lớn là tại Trung Quốc với hơn 75.000 người.
Kể từ khi ghi nhận ca nhiễm virus đầu tiên ở Trung Quốc vào cuối năm ngoái đến nay, đại dịch đã lan rộng khắp thế giới, ở trên 205 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hàng loạt quốc gia trên thế giới đã áp lệnh phong tỏa, đóng cửa các nhà máy, các cơ sở kinh doanh không thiết yếu, yêu cầu hàng tỉ người ở trong nhà, hạn chế đi lại. Hiện tại, theo tính toán của hãng AFP, hơn 3,9 tỉ người, tức một nửa dân số thế giới đang được yêu cầu ở trong nhà để chống Covid-19. Cuộc khủng hoảng này đã đặt ra sức ép lớn cho các hệ thống chăm sóc y tế quốc gia và đội ngũ nhân viên y tế các nước.
Châu Âu hiện nay vẫn là tâm điểm của dịch bệnh với hơn 500.000 ca nhiễm và và gần 38.000 ca tử vong, tương đương hơn 50% tổng nhiễm và hơn 70% tổng số ca tử vong trên toàn cầu.
Báo cáo mới của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy những người nhiễm SARS-CoV-2 có thể lây lan virus cho người khác từ 1-3 ngày trước khi có các triệu chứng mắc bệnh như sốt, ho hoặc thở gấp. CDC đã xem xét khoảng 243 ca mắc Covid-19 tại Singapore từ ngày 23/1 đến 16/3, trong đó đặc biệt chú ý đến 7 nhóm mà sự lây nhiễm xảy ra trước khi xuất hiện các triệu chứng mắc bệnh, giúp lý giải tại sao lại có người thứ 2 bị nhiễm.
Phát hiện này nhấn mạnh hơn nữa cách thức lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 và lý do tại sao các biện pháp kiềm chế dịch bệnh có thể là rất khó khăn.
Trong một diễn biến khác, người đứng đầu Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu, ông Hans Kluge hôm 2/4 cho biết hơn 95% trường hợp tử vong vì COVID-19 ở châu Âu trên 60 tuổi nhưng những người trẻ tuổi không nên chủ quan. Người đứng đầu Văn phòng WHO tại châu Âu nhấn mạnh các trường hợp mắc COVID-19 nghiêm trọng đã được phát hiện ở những người trong độ tuổi thiếu niên hoặc độ tuổi 20, có nhiều trường hợp cần được chăm sóc y tế đặc biệt và một số trường hợp kém may mắn đã không qua khỏi.
Tuy nhiên, một tín hiệu khả quan là số bệnh nhân phải thực hiện chế độ chăm sóc đặc biệt ở Pháp trong 24 giờ qua là 382 người, giảm so với 3 ngày liên tiếp trước đó. Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới giảm.
 

Nguồn: VITIC tổng hợp