Số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy, CPI tháng 6/2019 đã giảm 0,09% so với tháng trước, tăng 1,41% so với tháng 12/2018 và tăng 2,16% so với cùng kỳ năm trước.
Tại cuộc họp Tổ Điều hành thị trường trong nước tháng 6 diễn ra mới đây, nguyên nhân khiến CPI tháng 6 giảm được các chuyên gia phân tích là là do kinh tế vĩ mô ổn định, nỗ lực kiểm soát lạm phát của Chính phủ, sự chủ động điều hành giá xăng dầu, giá gas, giá điện, giá sách giáo khoa và giá dịch vụ y tế vào các thời điểm phù hợp, nguồn cung gạo dồi dào…
Tính cả quý II/2019, CPI tăng 0,74% so với quý trước và tăng 2,65% so với cùng kỳ năm 2018.
Các nguyên nhân tác động làm tăng CPI quý 2/2019 so với cùng kỳ năm trước là do chỉ số giá nhóm xăng, dầu tăng 1,36%, làm cho CPI chung tăng 0,06%. Giá gas cũng điều chỉnh tăng liên tục từ tháng 1/2019 đến tháng 5/2019 làm cho chỉ số giá gas tăng 1,58% so với cùng quý năm trước.
Giá điện sinh hoạt điều chỉnh tăng từ ngày 20/3/2019, cùng với nhu cầu tiêu dùng điện tăng vào quý 2/2019 do thời tiết nắng nóng làm cho giá điện sinh hoạt quý 2/2019 tăng 8,81% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu tính bình quân 6 tháng đầu năm 2019, CPI tăng 2,64% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là mức tăng bình quân 6 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Như vậy, bình quân mỗi tháng CPI tăng 0,23% so với tháng trước.
Cũng theo Tổng cục thống kê, lạm phát cơ bản tháng 6/2019 tăng 0,16% so với tháng trước, tăng 1,96% so với cùng kỳ. Trong 6 tháng đầu năm 2019, lạm phát tăng 1,87% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Điều này phản ánh biến động giá chủ yếu do việc tăng giá lương thực, thực phẩm và giá xăng dầu.
Lạm phát cơ bản 6 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ ở mức 1,87% phản ánh chính sách tiền tệ vẫn đang điều hành ổn định.
Việc duy trì tốc độ tăng CPI ở mức ổn định trong giới hạn cho phép, trong bối cảnh sức mua, niềm tin người tiêu dùng tương đối cao là quan trọng. Việc kiểm soát tốt mức tăng CPI đi đôi với duy trì tốc độ tăng trưởng, góp phần đạt mục tiêu về kinh tế vi mô là tăng trưởng 6,6%-6,9%, lạm phát từ 3,9% trở xuống trong năm 2019.
Với các biến động về kinh tế vĩ mô, dự báo CPI sẽ giữ ở mức thấp trong nửa cuối năm và bình quân cả năm có thể chỉ tăng khoảng 3,5-3,6% so với bình quân cùng kỳ năm 2018, thấp hơn nhiều so với mục tiêu là tăng khoảng 4%.
Các yếu tố củng cố cho nhận định này là giá dầu thô thế giới sẽ khó tăng mạnh, có thể ổn định ở mốc 60 USD/thùng trong khi so với cùng kỳ năm ngoái, giá xăng dầu trong nước 6 tháng đầu năm 2019 giảm khoảng 3,55% so với cùng kỳ 2018. Sức ép lên tỷ giá USD/VND, lãi suất VND trong nửa cuối năm sẽ giảm đi nhiều và tiếp tục mặt bằng như hiện nay. Giá hai nhóm hàng là dịch vụ y tế và giáo dục sẽ không tăng đáng kể sau nhiều năm liên tiếp điều chỉnh mạnh. Nguồn cung hàng hóa dồi dào, sức mua tiêu dùng trong nước ổn định.
Riêng với giá xăng dầu, Liên Bộ Tài chính – Công Thương tiếp tục điều hành giá xăng dầu trong nước hài hòa, sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá với liều lượng thích hợp, tạo dư địa thuận lợi cho việc kiểm soát mặt bằng giá cả năm 2019.
Nguồn: Baocongthuong.com.vn