Tại buổi công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý 4/2017 và cả năm 2017 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) mới tổ chức, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho biết, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi nhẹ.

Theo đó, tổng vốn đầu tư thực hiện của toàn bộ nền kinh tế quý 4/2017 ước đạt 538,7 nghìn tỷ đồng, bằng 112,7% so với cùng kỳ năm trước, chỉ kém mức tăng của quý 3/2017 tính trong hai năm trở lại đây.

Trong đó, khu vực tư nhân là khu vực có vốn đầu tư cao nhất quý 4 cả về lượng và mức tăng trưởng, đạt 225,9 nghìn tỷ đồng, tăng 17,7% . Ở quý cuối năm này, tăng trưởng ở khu vực FDI lại giảm hơn một nửa so với quý trước, đạt 11,3% so với mức 27,7% của quý 3, cho dù lượng vốn đầu tư 119,7 nghìn tỷ đồng là mức cao nhất trong nhiều năm.

Về dòng vốn đầu tư nước ngoài, lượng vốn giải ngân đạt mức 5 tỷ USD, chỉ tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này thấp hơn rất nhiều so với 26,8% của quý 3. Tính chung cả năm 2017, tổng lượng vốn FDI giải ngân đạt 17,5 tỷ USD và tăng 10,8%.

Trong khi đó, sau khi giảm rất mạnh trong quý 3, lượng vốn đăng ký mới đã tăng lên gần 3 lần ở quý 4 và đạt 6,72 tỷ USD, tăng 67,1% với 747 dự án đăng ký mới.

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, xuất siêu lớn của khu vực FDI một mặt góp phần quan trọng mang lại một năm thặng dư thương mại cao, mặt khác đặt ra câu hỏi về tính bền vững của nền kinh tế nội địa khi phụ thuộc ngày càng nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

“Việc phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế thế giới và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cũng tạo ra nhiều bất trắc tiềm ẩn cho nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2018 có thể đối mặt với nhiều rủi ro bất định lớn liên quan đến địa chính trị và xu hướng bảo hộ thương mại của một số nước lớn cũng như sự thay đổi ngày càng nhanh của khoa học công nghệ trên thế giới”, TS. Nguyễn Đức Thành lưu ý.

Nguồn: Baohaiquan.vn