Theo Viện nghiên cứu kinh tế Đức (DIW), các rủi ro hàng đầu đối với kinh tế thế giới phát sinh trước hết bởi bất ổn chính trị tại châu Âu và Mỹ. Bên cạnh đó, hàng rào thương mại đến từ Mỹ có thể làm chậm lại hoạt động thương mại và đầu tư toàn cầu.
Nhật Bản: Xuất khẩu là động lực
DIW dự đoán GDP của Nhật Bản sẽ tăng 1,5% trong năm 2017, và con số này của năm 2018 và 2019 sẽ là 1,2%. Xét trong quý III/2017, kinh tế của “xứ sở hoa anh đào” tăng 0,3%, sau khi ghi nhận mức 0,6% trong quý II.
Xuất khẩu là nhân tố quan trọng đóng góp vào sự phục hồi này, vốn được được hưởng lợi nhờ sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và đồng yen yếu. Vào thời điểm đầu tư của doanh nghiệp có phần yếu đi, chi tiêu của hộ gia đình và cá nhân cũng không khởi sắc, chủ yếu do mức thu nhập không tăng nhiều.
Cho tới nay, kinh tế Nhật Bản vẫn thiếu vắng một áp lực lạm phát ổn định dù cơ cấu rất đa dạng với chính sách tiền tệ lỏng được thực hiện trong thời gian qua.
Một thách thức khác đối với nước này là thiếu thốn lực lượng lao động bởi thành phần dân số ở độ tuổi này đang giảm. Mặt khác, kế hoạch tăng thuế tiêu dùng lùi sang mùa Thu năm 2019 sẽ hãm phanh tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực tiêu dùng.
EU: Phục hồi toàn diện
Trong năm 2017, GDP của EU được trông đợi sẽ tăng 2,4%. Vào năm 2018, kinh tế khu vực dự kiến tăng 2,1% và vào năm 2019 là khoảng 1,7%.
Ghi nhận từ tình hình quý III/2017, diễn biến trên thị trường lao động tốt hơn cũng như các điều kiện tài chính thuận lợi một lần nữa sẽ tăng nhu cầu trong nước, bao gồm cả tiêu dùng cá nhân cũng như hoạt động đầu tư.
Trong thời gian tới, lĩnh vực tiêu dùng sẽ giúp tạo thêm việc làm, là nhân tố chính thúc đẩy sự hồi phục kinh tế. Thu nhập của người dân sẽ bắt đầu đi lên trong điều kiện thêm nhiều người có việc làm, đi cùng với sự tăng nhẹ của giá cả. Tại một số nước, môi trường đầu tư nhờ các chính sách kinh tế được cải thiện một phần.
Đáng chú ý, tại Pháp, dự luật cải cách thuế để kích thích đầu tư đã được thông qua, và sẽ có hiệu lực vào năm 2018. Kể cả tại Hà Lan, liên minh chính phủ mới cũng đang lên kế hoạch cho các biện pháp tăng cường đầu tư. Sự phục hồi của kinh tế thế giới đã hỗ trợ hoạt động xuất khẩu, mặc dù đồng euro mạnh lên so với những đồng tiền khác và nhu cầu hàng hóa-dịch vụ từ châu Âu giảm.
Cho dù chính sách tiền tệ về lâu dài sẽ đi theo hướng mở rộng, dẫn tới suy giảm sức mua trong năm tới cũng như việc ECB tăng lãi suất vào quí II/2019, sẽ khiến tỷ lệ lạm phát trong thời điểm dự báo chưa thể đạt được mức 2% như cơ quan này mong muốn.
Tại châu Âu, DIW lưu ý đến nền kinh tế Anh. Giá cả đi lên và thu nhập người lao động tăng khiêm tốn là những yếu tố bất lợi đối với lĩnh vực tiêu dùng cá nhân. Đến năm 2019, rủi ro chính trị giảm bớt sẽ giúp hồi sinh lĩnh vực này cũng như hoạt động kinh doanh. Kinh tế Anh dự kiến đạt mức tăng trưởng khoảng 1,5% trong năm nay.
Vào năm 2018, GDP có thể tăng 1,4% và năm 2019 trông đợi tăng trưởng ở mức 1,5%. Thời gian tới, đầu tư khó có thể tăng trưởng bởi rủi ro từ đàm phán Brexit và chính sách tiền tệ với nhiều hạn chế cho dù DIW không đề cập trực tiếp đến sự thay đổi trong quan hệ giữa EU và Anh.
Cũng có dự đoán cho rằng quá trình rời khỏi EU của Anh có thể bị hủy bỏ hoặc một hiệp định giữa hai bên sẽ được ký kết để duy trì hiện trạng chính trị hiện nay.